Cấp phiếu lý lịch tư pháp: Phải dễ quản lý, tiện cho dân
Đời sống - Ngày đăng : 06:42, 03/06/2016
Lạm dụng phiếu lý lịch tư pháp
Để đáp ứng yêu cầu quản lý, chứng minh về nhân thân, nhiều pháp luật chuyên ngành khác đã quy định về phiếu LLTP trong các lĩnh vực của mình. Theo thống kê của Bộ Tư pháp, trong 5 năm thực hiện Luật LLTP, Trung tâm LLTP quốc gia và Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã cấp được hơn 1,24 triệu phiếu LLTP. Số lượng phiếu này được cấp gần gấp đôi số lượng phiếu LLTP được cấp trong gần 10 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 07/1999/TTLT-BTP-BCA.
Hiện có hơn 80 thủ tục hành chính có yêu cầu phiếu LLTP như thủ tục về nhận con nuôi, quốc tịch, luật sư, quản lý cư trú, tổ chức phi chính phủ, khám chữa bệnh, bảo hiểm… Đó là chưa kể đến nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng chủ động yêu cầu phiếu LLTP phục vụ nhu cầu tuyển dụng, quản lý nhân sự, cho phép nhập cư. Phiếu LLTP có giá trị như "giấy thông hành" về mặt nhân thân để người dân có thể tham gia vào nhiều hoạt động dân sự, kinh tế... của đời sống xã hội.
Giải quyết thủ tục hành chính tại Công an quận Đống Đa. Ảnh: Trần Hải |
Tuy nhiên, quy định về phải trình phiếu LLTP đang có xu hướng bị lạm dụng. Trong số các mẫu phiếu LLTP hiện nay, có loại chỉ cấp cho cơ quan tố tụng và cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết nội dung về LLTP của mình. Nhưng trong thực tiễn triển khai, một số cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài yêu cầu công dân Việt Nam và người nước ngoài có thời gian cư trú ở Việt Nam phải nộp để làm một số thủ tục tại cơ quan đại diện như xin định cư, đăng ký kết hôn... Do vậy, yêu cầu trên phần nào ảnh hưởng tới bí mật đời tư cá nhân và chủ trương tái hòa nhập cộng đồng của Đảng, Nhà nước ta.
Thủ tục cấp phiếu cũng gây khó khăn nhất định cho người dân. Cụ thể, theo quy định của Luật LLTP, cá nhân phải nộp hồ sơ yêu cầu cấp phiếu LLTP và nhận kết quả trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền cấp phiếu. Phương thức cấp phiếu này đã làm tăng chi phí và gây mất thời gian đi lại cho người đang học tập, lao động, cư trú ở nước ngoài hoặc cư trú ở xa nơi đăng ký hộ khẩu thường trú.
Một điểm yếu trong quá trình cấp phiếu LLTP nữa là đa số các trường hợp công dân Việt Nam có thời gian thường trú tại nhiều tỉnh, thành phố, thì kết quả tra cứu, xác minh của CA cấp tỉnh thường chậm so với quy định. Giám đốc Trung tâm LLTP quốc gia Hoàng Quốc Hùng cho rằng, tình trạng chậm thời hạn cấp phiếu vẫn diễn ra phổ biến tại trung tâm và hầu hết các sở tư pháp. Ở một số địa phương, tỷ lệ chậm thời hạn cấp phiếu chiếm từ 39% đến 62%. Nguyên nhân chính của việc chậm là do có sự "tắc nghẽn" trong tra cứu thông tin, phương pháp trao đổi thông tin còn thủ công.
Quyết tâm cải cách
Để khắc phục những hạn chế trên, Bộ Tư pháp đang nghiên cứu cải cách mạnh mẽ thủ tục cấp phiếu LLTP, đáp ứng tốt nhất yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Trong đó, Bộ sẽ tính đến việc tăng đầu mối cấp phiếu cho người dân kết hợp với dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 để họ có quyền lựa chọn cơ quan cấp phiếu thuận tiện nhất và không phụ thuộc vào địa giới hành chính.
Với vướng mắc hàng đầu hiện nay là tình trạng thiếu thông tin LLTP do vẫn còn khoảng 41% thông tin chưa được lập LLTP, cập nhật thông tin LLTP bổ sung; hoạt động lưu trữ hồ sơ LLTP bằng giấy chưa đi vào nền nếp, thiếu sự thống nhất và đồng bộ, Bộ Tư pháp xác định, việc sửa đổi, bổ sung luật này cần gắn với công tác xây dựng, quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu LLTP, ứng dụng công nghệ thông tin trong cấp phiếu LLTP.
Song song với cải cách nêu trên, luật sư Cao Minh Vượng - Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng, cần có chế tài cụ thể đối với từng khâu, từng cá nhân trong việc chậm trễ cung cấp, hoặc xác minh thông tin, tránh hiện tượng cơ quan này đổ lỗi cho cơ quan kia. Từ đó, mới có cơ sở tạo chuyển biến tích cực trong công tác cấp phiếu LLTP.
LLTP là lý lịch về án tích của người bị kết án bằng bản án, quyết định hình sự của tòa án đã có hiệu lực pháp luật, tình trạng thi hành án và về việc cấm cá nhân đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị tòa án tuyên bố phá sản. Thời hạn cấp phiếu không quá 10 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu hợp lệ. Trường hợp người được cấp phiếu LLTP là công dân Việt Nam đã cư trú ở nhiều nơi hoặc có thời gian cư trú ở nước ngoài, thì thời hạn không quá 20 ngày. |