Không phải việc riêng của nông dân

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:05, 03/06/2016

(HNM) - Thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TƯ ngày 5-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ngày 4-6-2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 800/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020.

Mục tiêu chương trình đề ra là: "Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; theo định hướng xã hội chủ nghĩa".

Sau 5 năm thực hiện chương trình, hạ tầng nông thôn có sự phát triển mạnh mẽ, bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang hơn, đời sống của người dân được cải thiện, nâng cao rõ rệt cả về vật chất, tinh thần. Đến hết tháng 11-2015, cả nước có 1.298 xã (14,5%) và 11 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Xây dựng nông thôn mới thực chất là thực hiện các nội dung cụ thể để hiện thực hóa mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Do vậy không thể không gắn xây dựng nông thôn mới với tái cơ cấu nông nghiệp và thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương. Và để thực hiện mục tiêu này, cần nguồn lực rất lớn. Bên cạnh nguồn vốn ngân sách, việc huy động nguồn lực của người dân, doanh nghiệp có vai trò quan trọng. Thế nhưng, nguồn lực người dân có hạn và chủ yếu đóng góp bằng việc hiến đất làm đường, xây dựng công trình công cộng. Trong khi đó, các doanh nghiệp chưa mấy mặn mà trong việc tham gia đầu tư vào lĩnh vực này.

Tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định: Xây dựng NTM thì phải đưa doanh nghiệp về sản xuất ở địa bàn nông thôn. Nói thì dễ nhưng muốn doanh nghiệp đặt cơ sở sản xuất ở địa bàn nông thôn thì không dễ, nên phải có cơ chế, chính sách cụ thể để thu hút doanh nghiệp về nông thôn.

Có một thực tế không chỉ riêng với Hà Nội là công tác dồn điền, đổi thửa đã được thực hiện tích cực ở nhiều địa phương, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đã tăng nhưng chưa đạt kết quả như mong muốn. Sản xuất nông nghiệp vẫn còn manh mún, chưa hình thành chuỗi sản xuất, tiêu thụ đáp ứng yêu cầu của nông dân và người tiêu dùng. Điều này đã và đang đặt ra không ít vấn đề, đòi hỏi những giải pháp căn cơ hơn.

Mặt khác, xây dựng nông thôn mới không chỉ là việc đầu tư cơ sở hạ tầng, một mục tiêu đặc biệt quan trọng là phải chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát triển hàng hóa, có hiệu quả kinh tế cao, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất. Để thực hiện hiệu quả mục tiêu này, không thể thiếu vai trò của các doanh nghiệp. Chưa kể sự tham gia của doanh nghiệp trong việc hình thành chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản.

Hà Nội là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thực hiện xây dựng nông thôn mới với nhiều sáng kiến, sáng tạo. Tổng kinh phí đầu tư cho xây dựng nông thôn mới 5 năm qua là gần 63,6 nghìn tỷ đồng, trong đó, tổng đầu tư cho Chương trình xây dựng nông thôn mới là 34.465 tỷ đồng. Điều đáng nói là nguồn vốn từ sự đóng góp xã hội hóa của người dân, doanh nghiệp lên tới 10.829 tỷ đồng, chiếm 31,42% tổng kinh phí đầu tư cho Chương trình xây dựng nông thôn mới, tỷ lệ rất cao so với cả nước. Và Hà Nội đã có 201/386 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới.

Xác định xây dựng nông thôn mới không phải là việc riêng của các huyện, hay của bà con nông dân, Thành ủy Hà Nội đã có chủ trương và các quận đã tích cực hưởng ứng, trong đó có việc hỗ trợ huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai xây dựng 46 nhà văn hóa với tổng kinh phí hơn 92 tỷ đồng. Dự kiến, giai đoạn 2016-2020, nguồn vốn để thực hiện xây dựng nông thôn mới có thể là hơn 73 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh việc có cơ chế, chính sách thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh phát triển hàng hóa, quy mô, tập trung, thành phố sẽ tiếp tục đề nghị các quận hỗ trợ các huyện khó khăn.

Khi xây dựng nông thôn mới không phải việc của riêng người nông dân, chắc chắn kết quả đạt được sẽ tích cực hơn. Và hoàn toàn có thể nói rằng: Xây dựng nông thôn mới, tạo ra chuỗi sản xuất nông sản hàng hóa an toàn, chất lượng, rõ ràng không chỉ có lợi cho nông dân.

Mai Lâm