Con đường tơ lụa: Tham vọng của Trung Quốc ở châu Âu
Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 14:24, 02/06/2016
"Con đường tơ lụa" mới là kế hoạch trị giá hàng tỷ đô la Mỹ nhằm tạo ra tuyến đường bộ và đường biển nối liền Trung và Nam Á tới một vị trí chiến lược: Châu Âu. Lục địa già không chỉ đóng vai trò là một thị trường rộng lớn và giàu có hơn, mà còn được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích khác cho Bắc Kinh. “Đây không chỉ là một dự án kinh tế. Nó là một dự án địa chính trị, và mang tính chiến lược”, ông Nadege Rolland, nhà phân tích tại cơ quan nghiên cứu Châu Á nhận định. Bởi con đường tơ lụa mới chạy qua châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh, Trung Quốc đang nỗ lực tạo ra tác động lớn hơn về mặt ngoại giao ở châu Âu, đặc biệt là các quốc gia với gánh nặng nợ công lớn ở Đông và Nam Âu.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Cộng hòa Séc ngày 29/3/2016. |
Chiến lược của Trung Quốc có vẻ ngày càng dễ dàng hơn nhờ quy mô hoạt động của các doanh nghiệp nước này ngày một lớn. Bắc Kinh đã bắt đầu khuyến khích các doanh nghiệp củng cố hoạt động nhằm đối phó với tình trạng dư thừa sản lượng trong nền kinh tế và vươn rộng các chi nhánh ra nước ngoài. Các thương vụ mua bán, sáp nhập đã tạo ra những doanh nghiệp khổng lồ như tập đoàn CRRC, hiện là công ty công nghiệp lớn thứ 2 thế giới và COSCO, công ty đóng tàu lớn thứ 4 toàn cầu. Những công ty này đang tham gia rất tích cực vào các chiến lược đầu tư gần đây của Trung Quốc ở châu Âu: COSCO nhanh chóng thâu tóm cổ phần tại nhiều cảng biển, trong khi CRRC tiến hành xây dựng nhiều tuyến đường sắt ở Đông Âu.
“Đa phần các khoản đầu tư trực tiếp của Trung Quốc đều không phải các khoản đầu tư trực tiếp bình thường”, ông Philippe Le Corre, đồng tác giả cuốn sách “Sự tấn công của Trung Quốc ở châu Âu” nhận xét. “Một trong những mục đích của dự án con đường tơ lụa là “mua” sự ủng hộ về mặt chính trị từ các quốc gia dọc con đường này". Nhiều thập kỷ trước, các khoản đầu tư của Trung Quốc tại châu Phi đã giúp Bắc Kinh nhận được thêm nhiều sự ủng hộ tại Liên hợp quốc. Các khoản đầu tư ở Afghanistan gần đây đã biến thành tiếng nói ủng hộ từ Kabul đối với Bắc Kinh trong việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông.
Tuy nhiên, châu Âu lại là một câu chuyện khác. Thực tế, tại lục địa già, những khoản đầu tư của Trung Quốc không mang lại nhiều chiến thắng về mặt ngoại giao. Những tham vọng địa chính trị của Trung Quốc ngày càng vấp phải nhiều cơn gió ngược, cả từ phía người dân lẫn các chính phủ châu Âu. Trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Cộng hòa Séc hồi tháng 3 vừa qua, những lá cờ Trung Quốc đã bị những người biểu tình bôi đen hoặc gỡ bỏ trên tuyến đường ông đi qua. Đầu tháng này, Nghị viện Châu Âu đã từ chối công nhận “cơ chế thị trường” của nền kinh tế Trung Quốc, điều mà Trung Quốc từng rất khao khát có được sau 15 năm gia nhập WTO.
Sự dè dặt của EU một phần là do lo ngại sự cạnh tranh thiếu công bằng từ Trung Quốc, bao gồm việc bán phá giá nhiều mặt hàng, đẩy các doanh nghiệp châu Âu vào thế khó. Châu Âu cũng bắt đầu quay lưng với tham vọng bành trướng lãnh hải của Trung Quốc trên Biển Đông. Slovenia là một ví dụ, quốc gia này đã công khai tuyên bố không đứng về bất cứ bên nào trong các cuộc tranh chấp biên giới biển mà Trung Quốc tham gia. Hồi tháng 4, Pháp đã ký thỏa thuận trị giá 40 tỷ USD để chế tạo tàu ngầm mới cho Australia trước sự leo thang quân sự của Trung Quốc trên vùng biển Tây Thái Bình Dương. Tất cả những điều này cho thấy, ảnh hưởng từ các nguồn đầu tư của Trung Quốc vẫn còn hạn chế, bất chấp lục địa già vẫn đang phải đối mặt với không ít vấn đề về kinh tế trong những năm gần đây.