Châu Âu: Vẫn trong "cơn ác mộng" di cư

Thế giới - Ngày đăng : 06:54, 02/06/2016

(HNM) - Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) vừa công bố con số người di cư bỏ mạng trên biển Địa Trung Hải trong tuần trước đã lên tới ít nhất 880 người. Đây được coi là bảy ngày đen tối nhất với những người tị nạn tại Châu Âu trong vòng hơn một năm qua.

Dòng người tị nạn tiếp tục từ Libya đổ về Châu Âu.


Những vụ chìm tàu đau thương này xảy ra khi 13.000 người cố gắng rời Libya để đến Châu Âu qua Italia và một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về làn sóng di cư ồ ạt tiếp tục đeo đuổi Lục địa già.

Ước tính trong 4 tháng đầu năm, số người tị nạn tới đất nước hình chiếc ủng đã lên tới 46.000 người. Trong năm 2014 và 2015, hơn 320.000 người tị nạn đã tới Italia thành công. Tuy nhiên, hơn 7.000 người cũng đã bỏ mạng trên biển Địa Trung Hải. Chỉ tính riêng trong 5 tháng đầu năm nay, đã có tới 2.510 người thiệt mạng trong các vụ lật tàu và chìm tàu tại Địa Trung Hải, so với con số 1.855 người chết trong cùng kỳ năm ngoái. Những con số trên cho thấy dường như Châu Âu chưa hoàn toàn thành công trong những nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng di cư.

Kể từ khi bùng phát vào năm 2015, vấn đề người nhập cư đã trở thành một thách thức nghiêm trọng cho Lục địa già. Như một bước đi cần thiết nhằm tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng bế tắc và liên tiếp đẩy Châu Âu vào sự chia rẽ và tranh cãi, Liên minh Châu Âu (EU) đã đạt được một thỏa thuận lịch sử với Thổ Nhĩ Kỳ hôm 18-3, theo đó Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nhận lại tất cả những người di cư, kể cả những người xin tị nạn đặt chân đến đất Hy Lạp sau ngày 20-3 và sẽ bố trí "tái định cư" cho những người này trên đất Thổ Nhĩ Kỳ. Đổi lại, phía EU sẽ nhận những người đang tị nạn tại nước này theo nguyên tắc "1 đổi 1" với tối đa là 72.000 người, đồng thời sẽ hỗ trợ tài chính, đẩy nhanh tiến trình đàm phán kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ vào EU và xem xét miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ khi du lịch tới các nước EU.

Phải nói rằng, việc đánh đổi vấp phải sự "ca thán" của nhiều nước thành viên và hiện cũng đã nhiều lần đứng bên bờ vực tan vỡ do những khó khăn của cả hai phía trong quá trình thực hiện đã giúp giảm tới 90% lượng người nhập cư đổ vào Châu Âu qua Hy Lạp. Thế nhưng dường như sự rắc rối tổng thể chưa vơi đi là mấy. Việc các chính phủ quá tập trung vào việc ngăn cản người di cư ở Hy Lạp, Balkan đã dẫn tới sự hình thành nhiều tuyến đường di cư mới như phía Bắc biên giới giữa Hy Lạp và Macedonia, giữa Albania và Italia qua Puglia và đặc biệt là giữa Libya và Italia. UNHCR đã công bố số liệu khẳng định số người tị nạn vào Italia đã tăng nhanh, có tháng đã gấp 3 lần con số vào Hy Lạp và con đường chủ yếu là từ quốc gia Bắc Phi. Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean Yves Le Drian cũng cho biết, hiện có tới hơn 800.000 người tại Libya đang "chờ đợi để vượt Địa Trung Hải" tiến vào Châu Âu qua đất nước hình chiếc ủng.

Không phải tới bây giờ mà từ lâu, EU đã nhận thức được những nguy cơ của dòng người nhập cư bất hợp pháp từ điểm đỗ Libya. Kể từ cuộc chính biến lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi năm 2011, nước này rơi vào tình trạng hỗn loạn với 2 chính phủ và 2 quốc hội cùng tồn tại. Từ tháng 9-2014, Liên hợp quốc đã làm trung gian cho các cuộc đối thoại giữa các phe phái đối địch ở nước này nhằm thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc thống nhất. EU cũng đã có nhiều động thái tích cực nhằm bày tỏ sự ủng hộ và thúc đẩy việc hoàn thành mục tiêu này. Một khi đạt được thỏa thuận chính trị, chính phủ mới tại Libya sẽ có khả năng tăng cường sự đoàn kết giữa các bên và đóng góp đáng kể cho các nỗ lực chống chủ nghĩa khủng bố để từ đó, giảm bớt những nguy hiểm an ninh cho Lục địa già cũng như giúp kiểm soát được dòng người tị nạn.

Tuy nhiên, chiến lược này chưa mang lại hiệu quả tích cực và thực tế là Châu Âu vẫn đang chịu áp lực ghê gớm từ dòng người nhập cư trái phép từ Châu Phi. Là một vấn đề xã hội nghiêm trọng, cuộc khủng hoảng di cư ngay từ đầu đã được dự báo là sẽ không dễ dàng tìm được giải pháp theo kiểu vẹn cả đôi đường. Thế nhưng, dù đã chấp nhận "đánh đổi" bằng những khoản tài chính kếch xù và thỏa hiệp chính trị, Lục địa già vẫn chưa thoát khỏi "cơn ác mộng" di cư khủng khiếp nhất từ sau Thế chiến II. 

Hoàng Linh