Tại xã Tân Lập, Đan Phượng: Sai phạm đã rõ, tại sao chưa xử lý?

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:49, 02/06/2016

(HNM) - Những sai phạm trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng của UBND xã Tân Lập và UBND huyện Đan Phượng khi thực hiện các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại xã Tân Lập đã có kết luận của UBND thành phố trong Thông báo số 138/TB-UBND ngày 31-5-2011.

Diện tích đất Công ty Hương Quế đang sử dụng.


Thế nhưng, đã 5 năm trôi qua, kết luận của thành phố vẫn chưa được UBND huyện Đan Phượng thực hiện rốt ráo, khiến nhiều phức tạp nảy sinh, 40 hộ dân "đứng ngồi" không yên vì quyền lợi chưa được bảo đảm...

Giao, cho thuê, lập phương án bồi thường đất không đúng quy định

Thực hiện chủ trương phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, đầu những năm 2000, xã Tân Lập quy hoạch cụm công nghiệp với diện tích 6,5ha trên đất nông nghiệp thuộc Cụm dân cư số 13. Theo quy định tại thời điểm đó, việc giao đất đang có người sử dụng chỉ được tiến hành sau khi có quyết định thu hồi đất và UBND cấp tỉnh mới có thẩm quyền giao, cho thuê đất đối với các tổ chức. Vậy nhưng, trong hai năm 2000 và 2001, dù chưa có quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh Hà Tây (cũ) nhưng UBND xã Tân Lập và huyện Đan Phượng đã giao đất cho các công ty TNHH: Vĩnh Lợi, Tân Hoàng Long, Hương Quế và Hợp tác xã (HTX) Công nghiệp Dệt Tân Lập, doanh nghiệp tư nhân (DNTN) hương Đông Thành.

Theo Điều 8, Nghị định 22/1998/NĐ-CP ngày 24-4-1998, việc phê duyệt giá đền bù khi Nhà nước thu hồi đất đối với từng dự án thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh, song UBND xã Tân Lập và huyện Đan Phượng đã không thực hiện đúng quy định này. Ngày 1-3-2001, UBND xã Tân Lập lập tờ trình, đề nghị UBND huyện phê duyệt giá bồi thường, hỗ trợ GPMB. Và ngày 27-3-2001, UBND huyện Đan Phượng đã ban hành Quyết định phê duyệt giá bồi thường, hỗ trợ đất nông nghiệp bị thu hồi tại xã Tân Lập từ 11 đến 13 triệu đồng/sào. Cả hai cấp đều không thành lập Hội đồng bồi thường, GPMB.

Các doanh nghiệp thông qua một người ở địa phương làm đầu mối, trực tiếp thỏa thuận với các hộ có ruộng. "Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất", có ghi thời hạn sử dụng đất là 13 năm (từ năm 2001 đến 2013 - PV) và có xác nhận của UBND xã Tân Lập. Mặc dù không đúng về trình tự, nhưng do phù hợp với quy hoạch và xét thấy các thủ tục đã có phần phù hợp với hướng dẫn của Sở Địa chính Hà Tây (nay là Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội) nên UBND tỉnh Hà Tây đã ban hành quyết định cho thuê đất đối với Công ty TNHH Tân Hoàng Long, HTX Công nghiệp Dệt Tân Lập, DNTN hương Đông Thành... Riêng đất của Công ty TNHH Vĩnh Lợi đã bị thu hồi cho dự án Khu đô thị Tân Tây Đô; còn Công ty TNHH Hương Quế đến thời điểm này vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền cho thuê đất nhưng từ năm 2002 công ty đã san lấp mặt bằng, xây tường bao mà không bị cơ quan chức năng xử lý?

Chưa có cách giải quyết

Năm 2013, khi hết thời hạn 13 năm ghi trong hợp đồng chuyển nhượng, 40/44 hộ dân ở cụm 13, xã Tân Lập có yêu cầu Công ty TNHH Hương Quế trả lại đất nông nghiệp cho các hộ dân. Bà Đỗ Thị Hiền, cụm 13, thôn Hạnh Đàn nói: 40 hộ dân cụm 13 chưa có quyết định thu hồi đất, chưa được bảo đảm đầy đủ quyền lợi. Từ năm 2011 đến nay, chúng tôi chờ đợi UBND huyện Đan Phượng thực hiện kết luận của UBND thành phố, nhưng không được giải quyết.

Kết luận trong Thông báo 138/TB-UBND ngày 31-5-2011 của UBND thành phố nêu rõ việc UBND huyện Đan Phượng phê duyệt giá đền bù để doanh nghiệp thỏa thuận với các hộ dân là không đúng quy định. Mặt khác, tại thời điểm đó Công ty TNHH Hương Quế vẫn chưa hoàn tất các thủ tục, chưa lập dự án nên chưa được cấp thẩm quyền cho thuê đất. Từ đó, UBND thành phố yêu cầu UBND huyện Đan Phượng phải xử lý vi phạm trong lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng với Công ty TNHH Hương Quế; chỉ đạo việc lập phương án quản lý, sử dụng đất đối với diện tích này…

Thực hiện Thông báo 138/TB-UBND, ngày 17-2-2012, Phòng Tài nguyên -Môi trường huyện Đan Phượng đã lập biên bản kiểm tra hiện trạng sử dụng đất, xác định Công ty TNHH Hương Quế xây dựng tường bao, nhà xưởng và san nền diện tích hơn 5.800m2 trên đất nông nghiệp nên đã yêu cầu Công ty TNHH Hương Quế tự tháo dỡ công trình xây dựng trái phép trước ngày 10-3-2012. Song, yêu cầu này đã không được thực hiện và UBND huyện Đan Phượng cũng "quên" vụ việc từ đó đến nay.

Ông Nguyễn Hữu Quy, Chủ tịch UBND xã Tân Lập cho biết: UBND xã đã nhiều lần tổ chức hòa giải giữa các hộ dân với đại diện Công ty TNHH Hương Quế, nhưng hai bên không thống nhất được. Người dân yêu cầu công ty này phải bồi thường với mức 360 triệu đồng/sào, nhưng Công ty Hương Quế chỉ đồng ý đơn giá 60 triệu đồng/sào. Trong khi đó, Hội Doanh nghiệp xã Tân Lập gồm 12 công ty đề xuất được đứng ra trả tiền toàn bộ diện tích đất nông nghiệp cho 40 hộ dân với mức 360 triệu đồng/sào, bồi thường tiền san nền, xây tường rào cho Công ty TNHH Hương Quế… với tổng mức tiền 8 tỷ đồng. Đổi lại, các công ty này có quyền thuê lại đất của Công ty Hương Quế.

Về đề xuất này, ông Nguyễn Hữu Quy cho biết: Đây là biện pháp có thể giải quyết được những bức xúc của người dân và giải quyết được nhu cầu thuê đất của các doanh nghiệp, nhưng các thủ tục pháp luật về quản lý đất đai lại chưa phù hợp. Đề xuất của Hội Doanh nghiệp cũng đã được gửi UBND huyện, song huyện chưa có ý kiến cụ thể. Hiện một số người dân đã gửi đơn kiện và Tòa án nhân dân huyện Đan Phượng đã thụ lý để giải quyết tranh chấp giữa người dân với Công ty TNHH Hương Quế.

Như vậy là dù Thông báo của UBND thành phố đã kết luận rõ, nhưng UBND huyện Đan Phượng không xử lý vi phạm, không lập phương án quản lý, sử dụng diện tích đất của Công ty Hương Quế? Tiếc là để tìm hiểu thông tin vụ việc, phóng viên đã liên hệ và được giới thiệu làm việc với Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Đan Phượng. Ông Bùi Văn Hoa, Phó Trưởng phòng tiếp chúng tôi, nhưng không cung cấp được thông tin gì vì lý do "không trực tiếp giải quyết vụ việc".

Được biết, trong thời gian qua, UBND thành phố đã có văn bản đôn đốc UBND huyện Đan Phượng thực hiện Thông báo 138/TB-UBND, nhưng việc xử lý vi phạm của doanh nghiệp Hương Quế vẫn "giậm chân tại chỗ". 

Thiện Mỹ