Giữ gìn thanh danh, uy tín
Nghị quyết và Cuộc sống - Ngày đăng : 06:48, 02/06/2016
Nhận xét của Tổng Bí thư là lời cảnh tỉnh không chỉ đối với một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhìn rộng ra còn có tác dụng đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên. Bởi như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất thiết hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến, ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân".
Thực tế, vấn đề này đã được Đảng ta nhận ra từ lâu. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" đã chỉ rõ: "Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...". Thực trạng này nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng, sự phát triển chung của đất nước...
Đảng ta đã có nhiều giải pháp rất quyết liệt như 4 nhóm giải pháp: Về tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cấp trên; về tổ chức, cán bộ và sinh hoạt Đảng; về cơ chế, chính sách; về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng mà Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) đã đề ra. Tiếp đó, ngày 7-6-2012, Ban Bí thư ban hành Quy định số 101-QĐ/TƯ về "Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp". Đại hội lần thứ XII của Đảng cũng đã quyết nghị giao Ban Chấp hành TƯ Đảng khóa XII kiên quyết, kiên trì với quyết tâm chính trị cao lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục thực hiện toàn diện Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) gắn với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
Trong con mắt của quần chúng nhân dân, Đảng biểu hiện cụ thể ở đường lối, chủ trương sát hợp với lòng dân và ở từng cán bộ, đảng viên. Thanh danh, uy tín của Đảng được thể hiện sinh động ở phẩm chất, đức độ, tài năng, lối sống... của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Mỗi hành động, mỗi lời nói của cán bộ, đảng viên vinh dự được nhân dân lắng nghe, tin tưởng và làm theo. Điều đó đòi hỏi, mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn luôn có ý thức trau dồi phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng; phải không ngừng nâng cao trình độ năng lực chuyên môn nghiệp vụ; phải tích cực rèn luyện tác phong công tác phù hợp; phải luôn tự giáo dục, tự rèn luyện bản thân mình. Hơn hết, mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự gương mẫu, nói đi đôi với làm, "lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ", vì dân phục vụ... thì dân sẽ tin, dân sẽ phục và làm theo. Đặc biệt, việc Bộ Chính trị (khóa XII) ban hành Chỉ thị 05-CT/TƯ về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cũng nhằm để mỗi cán bộ, đảng viên soi vào tấm gương đạo đức, tư tưởng, phong cách của Người, làm theo để phục vụ Đảng, phục vụ dân tốt hơn.
Giữ gìn thanh danh, uy tín của người cán bộ, đảng viên là công việc hết sức hệ trọng và đòi hỏi tinh thần nghiêm túc, ý thức tự giác cao độ, là nhu cầu tự thân. Từng cán bộ, đảng viên làm được như vậy là cách bền vững nhất để giữ gìn thanh danh, uy tín của Đảng.