DN nhỏ và vừa Việt Nam yếu thế trong chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 10:50, 01/06/2016

DN nhỏ và vừa của Việt Nam không đáp ứng đủ điều kiện để tham gia chuỗi cung ứng lương thực, dù Việt Nam là cường quốc về lĩnh vực này.

DN nhỏ và vừa Việt Nam khó tham dự vào chuỗi cung ứng lương thực


Đây là nhận định của các chuyên gia trong hội thảo “Tăng cường sự tham gia của các DN nhỏ và vừa vào chuỗi cung ứng lương thực” vừa được Bộ Công thương tổ chức.

Nhỏ, yếu, bị bỏ rơi

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết, tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế ngày càng sâu sắc hơn, đồng nghĩa với sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các DN trong các công đoạn SX và cung cấp dịch vụ ngày càng lớn trong cùng một chuỗi cung ứng.

“Vì vậy, việc phát triển các chuỗi cung ứng có vai trò đặc biệt quan trọng trong thương mại quốc tế, giúp giảm sự mất cân đối về thông tin giữa các khâu, giảm chi phí giao dịch, cũng như gia tăng sự liên kết thông tin giữa các bên và cải thiện tỷ lệ đáp ứng với sở thích, thị hiếu của người tiêu dùng nhằm tối đa hóa lợi nhuận”, ông Tú nói.

Theo ông Tú, trong lĩnh vực lương thực, người ta thường đề cập tới khái niệm “chuỗi cung ứng từ hạt giống đến kệ bán hàng”, nghĩa là toàn bộ khâu SX, vận chuyển và tiêu thụ được thực hiện một cách toàn diện, quy củ theo một chu trình khép kín.

Tuy nhiên, vị Thứ trưởng Bộ Công thương thẳng thắn nhìn nhận, hiện nay, rất ít các DN nhỏ và vừa Việt Nam tham gia được chuỗi cung ứng lượng thực toàn cầu.

“Ở Việt Nam, các nông hộ nhỏ, lẻ chiếm đa số trong SX nông nghiệp và có rất ít DN chính thức hoạt động trong lĩnh vực này, chỉ chiếm khoảng 1% tổng số DN ở Việt Nam. Trong số các DN hoạt động, thì lại chủ yếu là các DN nhỏ và siêu nhỏ, không XK trực tiếp mà thu mua nông sản của các nông hộ sau đó bán lại cho các DN lớn, chủ yếu là DN nước ngoài và DN nước ngoài để XK”, ông Tú nhận định.

Theo Giáo sư Martin Hingley, Chính phủ cần phải tạo điều kiện để cho các DN nhỏ và vừa phát triển bằng việc tăng cường các biện pháp hỗ trợ: giảm lãi suất cho vay, trợ cấp đất đai, tổ chức các hội chợ, xúc tiến thương mại, hỗ trợ về pháp lý và tư vấn về thị trường quốc tế...
Đặc biệt, để DN tham gia chuỗi lương thực toàn cầu hiệu quả hơn, Chính phủ cũng cần thu hẹp hơn nữa sự chồng chéo trong bộ máy nhà nước. Ngoài ra, cũng cần thắt chặt việc kiểm soát chất lượng ngay từ trong nước.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Hương Trà, chuyên gia tư vấn của Trung tâm Phát triển DN nhỏ và vừa, cho rằng, Việt Nam thường XK các sản phẩm thô, giá trị gia tăng thấp để phục vụ cho chế biến.

“Hàng tinh chế chiếm tỷ trọng nhỏ trong kim ngạch XK của Việt Nam. Chính vì vậy mà, xảy ra hiện tượng, cà phê Việt Nam XK đứng thứ hai thế giới về sản lượng, nhưng lại không có thương hiệu”, bà Trà nhấn mạnh.

Lối thoát ở đâu?

Nói về nguyên nhân của thực trạng trên, bà Maria Theresa, GĐ Viện Phát triển nông nghiệp và thương mại Mekong cho biết, DN nhỏ và vừa thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng đều gặp phải một số rào cản khi tham gia vào thị trường toàn cầu.

Đó là thiếu hụt vốn lưu động để hoạt động hỗ trợ XK, thông tin hạn chế để định vị và phân thích thị trường; không có khả năng tiếp cận khách hàng nước ngoài, tìm kiếm đối tác nước ngoài phù hợp; thiếu các kỹ năng về quản lý, nhân lực kém, thiếu công nghệ, các tiêu chuẩn về chất lượng; nhận thức về cơ hội và thách thức còn yếu...

“Riêng đối với DN nhỏ và vừa Việt Nam, rào cản lớn nhất là không có vốn, bởi theo thống kê có 45 - 55% DN nhỏ và vừa Việt Nam không tiếp cận được vốn, còn nếu tính DN nhỏ và siêu nhỏ thì con số này lên tới 72%”, bà Maria Theresa thống kê.

Còn Giáo sư Martin Hingley, Trường Lincoln Business đề cập đến những rào cản, như chi phí về thủ tục hành chính, chi phí vận tải, biến động thời tiết, phụ thuộc nền kinh tế và môi trường..., và đặc biệt là hệ thống mạng lưới truyền thông sản phẩm, DN còn yếu kém.

Bà Nguyễn Hương Trà cho rằng, để tham gia chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu, DN Việt Nam cũng không thể trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà cần phải tự vận động đi lên bằng cách nâng cao năng lực cạnh tranh. 

Theo Nông nghiệp