Phòng chống in lậu còn nhiều hạn chế
Sách - Ngày đăng : 10:08, 01/06/2016
Hoạt động in lậu nói riêng và hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động xuất bản nói chung đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp và kinh tế cho tác giả, nhà xuất bản và của bạn đọc. Nhưng thực tế, công tác phòng chống in lậu trong hoạt động xuất bản hiện nay đang đối diện với nhiều khó khăn, là bài toán thách thức cho các cấp các ngành và toàn xã hội.
Vấn nạn sách lậu lâu nay vẫn là nỗi nhức nhối của ngành xuất bản trong nước. Ảnh: F.N |
Nỗ lực của các cơ quan ban ngành trong mặt trận phòng chống in lậu đã phanh phụ nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng. Tuy nhiên theo Đoàn liên ngành phòng chống in lậu trung ương, một số đội liên ngành phòng chống của các địa phương vẫn chưa mặn mà sâu sát với hoạt động này, thể hiện ở việc một số địa phương chưa thực hiện chế độ báo cáo về tình hình hoạt động của đội tại địa bàn của mình, hoặc những báo cáo của đội sơ sài, không có số liệu. Số đội liên ngành tổ chức tập huấn cho cán bộ trên địa bàn còn quá ít so với quy định. Thêm vào đó là trong công tác phối hợp giữa đoàn liên ngành với địa phương hay giữa địa phương với nhau còn lỏng lẻo chưa thường xuyên và thiếu kịp thời.
Một mối lo ngại cho công tác thanh kiểm tra tại nhiều địa phương khi việc phát hiện, xử lý in lậu, in giả so với tình trạng in lậu tiếp tục có nhiều dấu hiệu, diễn biến phức tạp, nhất là các địa bàn nóng về in lậu, vẫn còn chưa cương quyết trong việc xử lý các hành vi vi phạm mà chủ yếu chỉ nhắc nhở, chấn chỉnh thể hiện ở việc số vụ phát hiện chưa nhiều so với thực tế hoặc mức phạt chưa ngang với thực tế. Ngoài ra, một số đội liên ngành được thành lập nhưng chưa được địa phương cấp kinh phí hoạt động hoặc phải sử dụng kinh phí khoán của Sở Thông tin và Truyền thông dẫn đến hoạt động cầm chừng, thiếu hiệu quả.
Những tồn tại trên của hoạt động phòng chống in lậu tại các địa phương là do còn tồn tại những khó khăn vướng mắc. Theo Ông Nguyễn Đức Thọ - Chánh thanh tra sở Thông tin và Truyền thông TP HCM thì các nhà xuất bản thuộc thành phố quản lý được sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan chủ quản là Thành ủy và các trường đại học trên địa bàn thành phố nên công tác thanh tra, kiểm tra của sở Thông tin và Truyền thôn không đến nỗi nặng nề, đòi hỏi phải chú ý thường xuyên. Nhưng ngược lại, thị trường xuất bản của thành phố lại quá sôi động với số lượng xuất bản phẩm lớn từ các nơi đưa về thành phố, sự phức tạp bắt nguồn từ một số chi nhánh của các nhà xuất bản trung ương và địa phương hoạt động trên địa bàn thành phố, từ các nhà sách lậu của các tỉnh phía Bắc đưa vào tiêu thụ trên địa bàn thành phố.
Cũng theo ông Thọ những khó khăn trong công tác cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt: Nghị định 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, tuy nhiên trong thực tiễn lại khó triển khai áp dụng trong việc tổ chức kê biên tài sản, đấu giá tài sản cũng như khi tiến hành các thủ tục yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin về số tiền dư trong tài khoản của đơn vị bị vi phạm xử phạt hành chính, các ngân hàng không mặn mà phối hợp vì sợ mất lòng khách hàng, vì thế thanh tra sở phải làm rõ các quy định pháp luật để ngân hàng phải phối hợp với lực lượng chức năng khi có yêu cầu kể cả việc phải đến trực tiếp cơ sở chưa nộp phạt để nhắc nhở lưu ý tránh việc dẫn đến phải chịu sự cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Còn đại diện đội liên ngành phòng chống in lậu tỉnh Khánh Hòa, Ông Nguyễn Tấn Trung thì cho rằng đội mình cũng hoạt động trong những điều kiện hết sức khó khăn về kinh phí, trang thiết bị phục vụ công việc cũng như thời gian tham gia hoạt động của các thành viên mà hầu hết đều là thành viên kiêm nhiệm trong khi hoạt động in lậu ngày càng tinh vi, phức tạp.
Trong khi đó, đại diện của Đội liên ngành phòng chống in lậu tỉnh Thái Nguyên, ông Vũ Văn Bình lại cho rằng khó khăn của địa phương này là thực tế phát hành xuất bản phẩm không có hóa đơn mà chỉ có phiếu xuất kho, nên khi gặp đoàn kiểm tra thì đơn vị này mới đi viết hóa đơn theo kiểu đối phó dẫn đến việc in lậu, in nối bản. Ngoài ra, chế tài xử phạt photocopy các xuất bản phẩm hàng loạt chỉ ở mức từ 3 đến 5 triệu đồng nên chưa đủ sức răn đe dẫn đến việc các cơ sở in, photocopy vẫn cố tình vi phạm. Hiện trạng photocopy tài liệu thu nhỏ phục vụ học sinh, sinh viên quay bài là hành vi vi phạm có tính chất nghiêm trọng nhưng chưa có chế tài xử phạt…
Giải pháp tối ưu để giải quyết những khó khăn của các đội liên ngành tại các địa phương nhằm phát huy tối đa vai trò trách nhiệm của đội liên ngành trong cả nước cần đặt ra là việc tổ chức các lớp đào tạo quản lý in tại các địa phương nhằm tạo nhận thức đầy đủ về những quy định trong lĩnh vực in ấn cho những người hoạt động trong lĩnh vực này. Đồng thời đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật đến các tổ chức, cá nhân tham gia trong lĩnh vực xuất bản, liên kết xuất bản in và phát hành.
Bên cạnh đó, việc tăng cường phối hợp chặt chẽ thường xuyên giữa đoàn liên ngành phòng chống in lậu trung ương và đội liên ngành các tỉnh thành phố trong việc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành liên ngành đối với hoạt động in và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên toàn quốc để đảm bảo tính hiệu quả của việc phòng chống in lậu cũng là một vấn đề cần được chú trọng. Việc áp dụng chế tài xử lý phù hợp, nghiêm minh cũng là một giải pháp để công tác xử phạt có hiệu quả hơn.