Liên kết doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội: Đáp ứng yêu cầu hội nhập
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 08:02, 01/06/2016
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần chủ động liên kết để có thể cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài. Ảnh: Thái Hiền |
Tuy nhiên, khó khăn luôn... đi trước thuận lợi khi các DN, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) phải đối diện với sức ép cạnh tranh từ hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao, chuyên nghiệp hơn trước các đối thủ "ngoại". Vì vậy, DN cần phải chủ động liên kết theo nhóm, ngành để đáp ứng yêu cầu hội nhập.
Nhiều hoạt động hỗ trợ liên kết
DNNVV hiện chiếm hơn 97% tổng số DN, đóng góp khoảng 40% sản phẩm trên địa bàn thành phố và tạo ra hơn 50% việc làm. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, DNNVV đang gặp nhiều bất lợi do những hạn chế như phát triển tự phát, nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết, trình độ quản lý và năng lực tài chính yếu, khả năng cạnh tranh không cao... Kết quả khảo sát một số DN cho thấy, hiểu biết của DNNVV về hội nhập chưa có hệ thống; nhiều DN chưa nắm được thị trường thế giới đòi hỏi những gì, các quy định về tiêu chuẩn và chất lượng, những điều cần tránh, rủi ro pháp lý trong thương mại…
Việt Nam đã, đang mở rộng quan hệ thương mại song phương và đa phương (tham gia các FTA như Việt Nam - EU, Việt Nam - Hàn Quốc…). Việc DN tập trung kinh tế (TTKT - sáp nhập, mua lại, liên doanh giữa các DN) để mở rộng quy mô, sức mạnh nhằm có đủ sức cạnh tranh trên thương trường quốc tế là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, nhiều DN vẫn chưa chú trọng đến các quy định về kiểm soát TTKT theo Luật Cạnh tranh 2005. Điều đó lý giải vì sao trong thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ việc vi phạm khi các DN mua lại, sáp nhập, liên doanh.
Luật Cạnh tranh đã quy định "cấm TTKT nếu thị phần kết hợp của các DN tham gia TTKT chiếm hơn 50% trên thị trường liên quan trừ một số trường hợp miễn trừ". Hậu quả pháp lý đối với việc vi phạm quy định về kiểm soát TTKT khá nghiêm trọng với mức phạt tối đa lên đến 10% tổng doanh thu của các DN vi phạm trong năm tài chính trước năm thực hiện TTKT. Trong một số trường hợp, bên cạnh việc phạt tiền, cơ quan quản lý cạnh tranh có thể áp dụng các biện pháp khác như thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đã cấp cho DN, hoặc buộc chia, tách DN đã sáp nhập, hợp nhất; buộc bán lại phần DN đã mua…
Thời gian qua, Sở Công thương Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ DN trong việc nắm bắt thông tin về hội nhập kinh tế quốc tế, như xây dựng chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề về hội nhập để tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các hội nghị, hội thảo, khóa đào tạo, lớp tập huấn phổ biến kiến thức cho DN về nội dung FTA giữa Việt Nam với các nước, cũng như lộ trình thực thi, cơ hội, thách thức với DN khi Việt Nam thực thi FTA; biên soạn, in ấn tài liệu như ấn phẩm, tờ gấp, sách hỏi - đáp về hội nhập kinh tế quốc tế. Sở cũng triển khai nhiều giải pháp tạo điều kiện cho DN trên địa bàn liên kết với các DN lớn của các tỉnh, thành phố khác qua hội nghị xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm giữa Hà Nội và các tỉnh vùng Tây Bắc, khu vực miền Trung, Tây Nguyên, Đà Nẵng…
Doanh nghiệp cần chủ động thay đổi
DN trên địa bàn Hà Nội phần lớn là các DNNVV, quy mô vốn nhỏ, hoạt động manh mún, khả năng liên kết giữa các DN yếu, năng lực cạnh tranh chưa cao, khả năng đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng quốc tế hạn chế. Khi các hiệp định thương mại có hiệu lực, các hàng rào thuế quan được bãi bỏ, DN đứng trước sức ép cạnh tranh rất lớn: Phải đối mặt với các công ty và tập đoàn có tiềm lực tài chính dồi dào, đội ngũ lãnh đạo, nhân viên có trình độ chuyên môn cao... Thêm vào đó, công nghệ sản xuất của DN nước ngoài rất hiện đại và thường xuyên được cải tiến.
Mặt khác, khi hàng rào thuế quan được bãi bỏ thì các công ty của các nước phát triển lại dùng nhiều hình thức bảo hộ mới thay thế cho hình thức bảo hộ bằng thuế quan, trong đó có bảo hộ xanh, có nghĩa là sử dụng quy định và tiêu chuẩn liên quan đến môi trường để bảo hộ hàng xuất khẩu trong nước. Đây là bất lợi mang tính thách thức cao đối với DN ở các nước đang phát triển nói chung và DN Việt Nam nói riêng do đặc thù chủ yếu sử dụng công nghệ lạc hậu. Hơn nữa, các FTA luôn đi kèm với hàng loạt quy tắc nghiêm ngặt, hàng rào kỹ thuật, quy định về kiểm dịch động thực vật; cạnh tranh với hàng hóa, dịch vụ cùng loại từ các nước trong khối FTA, các cam kết chặt chẽ về vấn đề môi trường…
Để tồn tại và phát triển trong môi trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, DN cần thay đổi tư duy phát triển, tiếp cận với các yêu cầu cao hơn thị trường. DN phải chủ động nắm bắt và hiểu rõ các quy định từ FTA, bảo đảm đáp ứng đúng các quy định, các tiêu chuẩn chất lượng; nắm bắt cơ hội để vận dụng chính sách hiệu quả, tối đa hóa lợi ích của DN; nâng cao nhận thức trong việc đối phó với những rào cản phi thuế quan; phản ánh kịp thời đến các cơ quan ban, ngành để có sự hỗ trợ vượt qua rào cản… Đặc biệt, các DNNVV cần đẩy mạnh liên kết, hợp tác để nâng cao năng lực cạnh tranh cả về vốn, công nghệ, nguồn nhân lực, quản trị… Đây là một trong những giải pháp sống còn của DN.