“Nóng” việc kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm
Nông nghiệp - Ngày đăng : 06:20, 07/12/2022
Khó kiểm soát nguồn gốc
Tại một số chợ dân sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội, tình trạng các tiểu thương giết mổ gia cầm tại nơi mua bán có xu hướng gia tăng, gây ô nhiễm môi trường và nguy cơ lây lan dịch bệnh. Bà Phạm Thị Nga, tiểu thương kinh doanh gia cầm tại chợ Chuông, xã Phương Trung (huyện Thanh Oai) cho biết, trung bình mỗi ngày, cửa hàng tiêu thụ khoảng 50-60 con gà, vịt…; những ngày gần Tết Nguyên đán có thể lên tới 100-120 con, nhiều khách hàng yêu cầu nên người kinh doanh còn giết mổ gia cầm ngay tại chợ.
Còn theo Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Mê Linh Vũ Sỹ, trên địa bàn huyện có 58 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, chủ yếu nhỏ lẻ và mới có 6 cơ sở được cơ quan chức năng cấp phép đủ điều kiện giết mổ, có sự kiểm soát của cán bộ thú y. Việc giết mổ gia súc, gia cầm thường diễn ra vào ban đêm, trong khi đó lực lượng thú y mỏng nên công tác kiểm soát nguồn gốc động vật tại các cơ sở này hết sức khó khăn.
Hiện nay, Hà Nội có 732 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, trong đó có 7 cơ sở công nghiệp, 58 cơ sở bán công nghiệp; thành phố mới kiểm soát được hơn 60% lượng sản phẩm gia súc, gia cầm tiêu thụ trên địa bàn, số còn lại vẫn đang bị thả lỏng. Nói thêm về tình trạng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm chủ yếu nhỏ lẻ, thủ công, đa dạng, khó kiểm soát, theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, hầu hết cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nằm xen kẽ trong khu dân cư, cơ sở hạ tầng trang thiết bị, dụng cụ không bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y. Các cơ sở này thường hoạt động lúc nửa đêm và kết thúc vào sáng sớm nên khó khăn cho việc quản lý, giám sát của các cơ quan chức năng.
Theo thông tin từ Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), cả nước hiện có 456 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung và hơn 22.700 cơ sở nhỏ lẻ. Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long nhận định, từ nay đến cuối năm, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng cao, việc giết mổ động vật tại các địa phương diễn ra tự phát. Trong khi đó, một số nơi chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức về công tác quản lý, giám sát hoạt động này, chủ yếu giao cho lực lượng thú y cơ sở đảm nhiệm. Vì thế, công tác kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết...
Siết chặt quản lý
Để quản lý chặt nguồn gốc động vật, qua đó, bảo đảm nguồn cung thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Giám đốc Công ty cổ phần Lan Vinh (huyện Gia Lâm) Nguyễn Thị Lan đề xuất, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm, nhất là với hoạt động giết mổ nhỏ lẻ, thủ công và giết mổ tại các chợ dân sinh; đồng thời thường xuyên thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh hoạt động kinh doanh, giết mổ không đúng quy định.
Trước thực trạng còn nhiều khó khăn trong công tác quản lý, Ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục rà soát, đánh giá mức độ, khả năng tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm trong tháng cuối năm, qua đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vận hành chuỗi liên kết, gắn các cơ sở giết mổ với hộ chăn nuôi quy mô lớn. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục tham mưu cho thành phố về cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn để kiểm soát chất lượng sản phẩm bán trên thị trường.
Xác định rõ công tác kiểm soát giết mổ động vật có vai trò quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền để chủ các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nâng cao ý thức, chấp hành đầy đủ quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, về bảo vệ môi trường. Mặt khác, cần vận động chủ các cơ sở giết mổ ký cam kết và nghiêm chỉnh chấp hành việc giết mổ, kinh doanh bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.
Trước mắt, để bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh cho người và động vật, các cơ quan chức năng cần có biện pháp thu gom, xử lý rác thải, nước thải xả ra trong quá trình giết mổ tại các cơ sở. Về lâu dài, các địa phương cần tạo cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung theo quy hoạch, đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường…