Biểu tượng Chữ thập đỏ: Không thể sử dụng tùy tiện
Đời sống - Ngày đăng : 07:05, 31/05/2016
Biểu tượng Chữ thập đỏ được sử dụng tràn lan tại các bệnh viện, trạm y tế, xe cứu thương. |
Ngày 24-6-1859, quân Pháp và quân Ý tiến hành cuộc tấn công quân Áo dưới sự chỉ huy của Napoleon III. Trận chiến tàn khốc kéo dài trong 15 giờ với sự tham chiến của hơn 300.000 quân đã khiến hơn 40.000 người bị thương. Doanh nhân người Thụy Sĩ Henry Dunant đang tìm cách tiếp cận Napoleon III choáng váng trước con số thương vong khổng lồ ấy đã tìm mọi cách trợ giúp y tế những người lính bị thương. Ông đã kêu gọi thành lập tổ chức trợ giúp y tế cho những người lính trên chiến trường. Để bảo vệ những bác sĩ và y tá, các quốc gia tham gia thành lập nên cơ quan cứu trợ này đã thống nhất lấy biểu tượng thể hiện tính trung lập và họ đã đảo ngược màu của quốc kỳ Thụy Sĩ để tạo ra biểu tượng Hội CTĐ.
Ở Việt Nam, năm 1958, ngành Y tế đã có những văn bản "mượn" biểu tượng CTĐ để tham gia chống dịch bệnh, cấp cứu và cứu chữa bệnh nhân nghèo không lấy tiền. Thời kỳ khói lửa chiến tranh đã qua, Luật Hoạt động CTĐ cũng đã có hiệu lực từ năm 2009 và ngành Y tế đã có lô gô riêng, song việc sử dụng biểu tượng này vẫn đang tràn lan và mở rộng tùy tiện.
Ông Nguyễn Sỹ Trường, Phó Chủ tịch Hội CTĐ TP Hà Nội cho biết: Nhiều năm nay, biểu tượng CTĐ bị vi phạm bản quyền, sử dụng sai mục đích và tùy tiện dẫn đến việc hiểu sai về biểu tượng CTĐ. Ở Hà Nội, tình trạng vi phạm diễn ra hết sức nghiêm trọng. Điển hình là biểu tượng này được sử dụng tràn lan, ngang nhiên trong các bệnh viện, trạm y tế, xe cứu thương, cấp cứu, phòng khám, hiệu thuốc và trên cả các chuyên mục quảng cáo, chương trình chăm sóc sức khỏe, sản phẩm vệ sinh, môi trường, hóa mỹ phẩm, các dịch vụ bảo trì máy tính, hát rong… Lý giải cho hiện tượng này có thể giải thích, một là nhầm lẫn về ý nghĩa của biểu tượng, hai là cố tình hiểu nhầm biểu tượng với mục đích trục lợi trong kinh doanh và dịch vụ…
Theo Hội CTĐ Việt Nam, câu trả lời của hơn 1.200 người được khảo sát cho thấy, bên cạnh 59% nhận biết đúng đây là biểu tượng của Hội CTĐ, còn tới 31% cho rằng đây là biểu tượng của ngành Y tế. Điều đó cho thấy việc tuyên truyền về biểu tượng CTĐ chưa thực sự đến được với nhiều người nên việc sử dụng tùy tiện đôi khi lại là vô tình chứ không phải hữu ý. Tuy nhiên, riêng trường hợp Công ty Sản xuất khăn giấy Mamamy, trên bao bì sản phẩm có in biểu tượng CTĐ, Hội CTĐ Việt Nam đã có công văn gửi đơn vị này về việc vi phạm biểu tượng nhưng không nhận được phản hồi. Và sản phẩm của đơn vị này vẫn tiếp tục xuất hiện biểu tượng CTĐ một cách ngang nhiên.
Về ý nghĩa nhân đạo, việc sử dụng biểu tượng trên xe cấp cứu, Hội CTĐ Việt Nam cũng khẳng định, vì hoạt động của xe là chuyên chở bệnh nhân cấp cứu nhưng có tính dịch vụ chứ không phải miễn phí hoàn toàn, vì vậy việc sử dụng biểu tượng trên là không chính xác.
Luật Hoạt động CTĐ có hiệu lực từ ngày 1-1-2009 tại Điều 14, 15 quy định: Biểu tượng CTĐ là dấu hiệu để nhận biết và được sử dụng với/tại người đang thực hiện hoạt động CTĐ và cơ sở, phương tiện, hiện vật được sử dụng trong hoạt động CTĐ. Khoản 7, Điều 6 về các hành vi bị nghiêm cấm cũng chỉ rõ: Nghiêm cấm hành vi "Sử dụng biểu tượng CTĐ trái pháp luật". Tháng 7-2013, Cục Đăng ký bản quyền tác giả đã cấp Giấy chứng nhận bản quyền biểu trưng Hội CTĐ Việt Nam. Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Trung ương Hội CTĐ Việt Nam Đoàn Văn Thái khẳng định: "Biểu tượng CTĐ là nhận diện thương hiệu, nhận diện những giá trị nhân đạo đã được thế giới khẳng định. Vì vậy, tình trạng sử dụng biểu tượng CTĐ sai mục đích đã gây ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh và vị thế của Hội CTĐ trong các hoạt động xã hội nhân đạo".
Rõ ràng, CTĐ là biểu tượng của những hoạt động nhân đạo không tính phí nhưng đang được sử dụng tràn lan trong cả những hoạt động kinh doanh. Để biểu tượng được sử dụng đúng mục đích, việc tăng cường truyền thông, nâng cao ý thức, hiểu biết của cán bộ ngành Y tế, doanh nghiệp, người tiêu dùng và nhân dân là rất cần thiết. Đồng thời, rất cần sớm có chế tài cụ thể trong việc xử lý việc vi phạm sử dụng biểu tượng nhân đạo này.