Nhật Bản: Giảm áp lực lên nền kinh tế
Nông nghiệp - Ngày đăng : 06:51, 31/05/2016
Kinh tế Nhật Bản đang đứng trước ngã rẽ đầy khó khăn. |
Ngay sau lần tăng này, kinh tế Nhật Bản đã rơi vào suy thoái nghiêm trọng. Lần tăng thuế tiếp theo với mốc 10% vốn ban đầu được dự kiến áp dụng từ tháng 10-2015 nhưng sau đó đã bị hoãn lại đến tháng 4-2017. Nếu hoãn một lần nữa, mốc thời điểm tăng mới sẽ là tháng 10-2019.
Thực tế, việc tăng thuế hay không đều sẽ khiến Chính phủ của Thủ tướng S.Abe rơi vào thế khó xử. Nhiều ý kiến cho rằng quyết định lần này đến từ những lo ngại nền kinh tế xứ Mặt trời mọc vẫn đang trì trệ trong khi những ảnh hưởng tiêu cực từ trận động đất tại Kumamoto vẫn chưa chấm dứt. Mặt khác, trì hoãn việc tăng thuế cũng sẽ giúp Thủ tướng S.Abe tránh được những rủi ro có thể xảy đến trong cuộc bầu cử Thượng viện (dự kiến diễn ra vào tháng 7 năm nay). Thực tế, sau đợt tăng thuế đầu tiên, bất chấp chính sách nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng trung ương Nhật Bản cùng một loạt gói chi tiêu của chính phủ, tăng trưởng kinh tế của nước này vẫn rất yếu ớt.
Theo các số liệu thống kê sơ bộ, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản trong quý I-2016 tăng 0,4% so với quý IV-2015 và tăng 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số tiêu dùng tư nhân chiếm tới 60% GDP của nước này trong quý I-2016 chỉ tăng 0,5% so với quý IV-2015 trong khi chỉ số này trong ba tháng cuối năm 2015 giảm 0,8% so với quý trước đó. Kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản cũng tăng 0,6%, sau khi đã suy giảm 0,8% trong quý IV-2015. Như vậy, dù có dấu hiệu tăng trưởng nhẹ trong những tháng đầu năm, song mức "khiêm tốn" như vậy sẽ không mang lại nhiều hy vọng phục hồi cho nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Một trong những nguyên nhân được cho là do kinh tế Nhật Bản phụ thuộc nhiều vào tiêu dùng nội địa nhưng nhu cầu mua sắm lại đang giảm sút do dân số già đi.
Nếu chọn giải pháp không tăng thuế, vấn đề nợ công của Chính phủ Nhật Bản sẽ tạo sức ép rất lớn lên nội các của Thủ tướng S.Abe song song với những tác động tiêu cực tới nền kinh tế. Hiện tại, kho bạc của Nhật Bản đang ở mức báo động đỏ do nợ công cao gấp đôi GDP, mức nghiêm trọng nhất trong các quốc gia phát triển. Để đối phó vấn đề này, từ lâu, Thủ tướng đương nhiệm Nhật Bản đã đề xuất tăng thuế tiêu dùng lên mức 10% trừ khi Nhật Bản phải đối mặt với đợt khủng hoảng như "cơn địa chấn" Lehman Brothers hồi năm 2008. Vì vậy, trước thông tin tiếp tục hoãn tăng thuế tiêu dùng, các đảng đối lập đã ngay lập tức hối thúc Thủ tướng S.Abe giữ đúng cam kết trước đó. Phát biểu trên sóng Đài Truyền hình NHK, quyền Tổng Thư ký của đảng Dân chủ đối lập chính Tetsuro Fukuyama cho rằng Thủ tướng S.Abe và nội các nên từ chức nếu quyết định lùi thời điểm tăng thuế.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nhật Bản đã tuyên bố nước này sẽ sử dụng mọi công cụ chính sách - bao gồm cả khả năng hoãn tăng thuế tiêu dùng - để tránh rơi vào khủng hoảng kinh tế trầm trọng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang đứng trước nguy cơ rơi vào suy thoái. Dự định của ông cũng nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân. Kết quả thăm dò dư luận được Hãng Kyodo tiến hành hai ngày trước cho thấy tỷ lệ ủng hộ nội các của Thủ tướng S.Abe vẫn tăng 7% so với tháng trước (lên 55,3%) đồng thời có tới 70,9% người được hỏi đồng tình với kế hoạch hoãn tăng thuế tiêu dùng.
Ngay từ khi lên nắm quyền, Thủ tướng S.Abe đã công bố chính sách kinh tế táo bạo được biết đến với cái tên Abenomics nhằm mang lại luồng sinh khí mới cho kinh tế Nhật Bản. Kết hợp giữa việc nới lỏng tiền tệ, kích cầu bằng chi tiêu công và cải cách kinh tế, Abenomics đã giúp nền kinh tế xứ Phù Tang khởi sắc đáng kể sau một thời gian dài trì trệ. Tuy nhiên, đúng như các chuyên gia đã nhận định, chính sách này với công cụ chủ yếu là tài chính và tiền tệ chỉ phát huy hiệu quả trong ngắn hạn nếu không được phối hợp với những sáng kiến khác. Đây cũng là thử thách đòi hỏi người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản có những giải pháp mới nhằm tiếp sức cho nền kinh tế thứ hai Châu Á không chệch hướng khỏi quỹ đạo hồi phục bền vững.