Quản lý chặt thị trường, xử lý nghiêm vi phạm
Kinh tế - Ngày đăng : 06:49, 31/05/2016
Ông Chu Xuân Kiên, Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ 389 Hà Nội, Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội cho biết, Hà Nội là thị trường trung chuyển, tiêu thụ thực phẩm lớn nên yêu cầu về ATTP trở nên bức thiết. Để trốn tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng, các đối tượng thường xuyên thay đổi tuyến đường, phương thức vận chuyển. Hàng hóa được vận chuyển bằng các xe du lịch lớn và được giao nhận tại các bến xe hoặc trên đường vận chuyển thay biển kiểm soát… Hàng lậu chủ yếu được vận chuyển từ các tỉnh như Quảng Ninh, Lạng Sơn về Hà Nội với các mặt hàng như nguyên liệu sản xuất, lương thực, thực phẩm, trái cây, thủy sản; từ các tỉnh phía Nam và miền Trung ra Hà Nội cơ bản là bia, rượu ngoại, đường, sữa, bánh kẹo, các mặt hàng thực phẩm… Tuyến vận chuyển bằng đường hàng không chủ yếu dưới hình thức hàng xách tay, hành lý ký gửi, cơ bản là các loại quả, thực phẩm…
Lực lượng chức năng kiểm tra, thu giữ thực phẩm không rõ nguồn gốc tại số 11/29 Láng Hạ (Đống Đa). Ảnh: Khánh Huy |
Thống kê cho thấy đến nay, các lực lượng chức năng thuộc BCĐ 389 Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 1.276 vụ vi phạm về chất lượng và ATTP. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và giá trị hàng hóa bị tiêu hủy gần 18,3 tỷ đồng. Điển hình sáng 26-5, Đội 6 Phòng Cảnh sát giao thông (Công an Hà Nội) phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 13 (Chi cục QLTT Hà Nội) đã kiểm tra, một chiếc xe tải đang lưu thông trên đường có dấu hiệu chở quá tải, lực lượng chức năng phát hiện trên xe chở nhiều bao mỡ đã qua xử lý bốc mùi hôi thối. Tại trụ sở công an, lực lượng chức năng kiểm đếm có 65 bao chở mỡ động vật đã qua chế biến với trọng lượng hơn 5 tấn. Bà Nguyễn Thị Nga (39 tuổi, trú tại Đông Hưng, Thái Bình) khai nhận, lô hàng mỡ bẩn đã qua chế biến ở Văn Lâm, Hưng Yên, sau đó mang đi tiêu thụ tại Hòa Bình. Trước đó, Đội Cảnh sát giao thông số 14 (Công an Hà Nội) đã phát hiện và bắt giữ một xe ô tô chở khoảng 4 tấn cá thối đang trên đường vận chuyển vào Hà Nội.
Phó Đội trưởng Đội QLTT số 2 Nguyễn Hải Đăng cho biết, hiện việc kiểm soát hàng hóa và ngăn chặn thực phẩm không rõ nguồn gốc rất gian nan, lực lượng QLTT lại mỏng (nhiều đội QLTT chỉ có 10-15 người), trong khi đối tượng quản lý tăng, địa bàn rộng nên rất khó kiểm soát. Để xử lý một vụ việc, luôn phải có lực lượng QLTT trong khi thực tế không phải lúc nào lực lượng này cũng đủ cán bộ, do đó việc phối hợp còn lúng túng. Chưa kể hệ thống văn bản pháp luật còn chồng chéo, mức xử phạt chưa đủ sức răn đe dẫn tới tình trạng các đối tượng vi phạm "nhờn luật"...
Để nâng cao hiệu quả trong đấu tranh ngăn chặn thực phẩm "bẩn", BCĐ 389 Hà Nội đã lập kế hoạch ra quân đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát thị trường, chủ động phát hiện, kịp thời ngăn chặn và xử lý việc tàng trữ, vận chuyển, mua bán, sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm không bảo đảm ATTP. Ông Chu Xuân Kiên kiến nghị, ngoài các quy định điều kiện ATTP trong quá trình vận chuyển thực phẩm, các cấp, ngành cần nghiên cứu bổ sung thêm việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vận chuyển thực phẩm cho các phương tiện vận chuyển và có lộ trình gắn thiết bị giám sát hành trình để dễ dàng kiểm tra, kiểm soát; xem xét, bổ sung hành vi vận chuyển thực phẩm bẩn có thể bị tịch thu phương tiện vận chuyển nhằm tăng đủ sức răn đe.