Hiện đại hóa giải quyết TTHC: Cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt

Đời sống - Ngày đăng : 06:42, 31/05/2016

(HNM) - Ngoài việc số hóa các quy trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), 100% TTHC phải quy định rõ trách nhiệm cá nhân giải quyết.

Hướng mạnh tới cung cấp dịch vụ công trực tuyến...

Một trong những nội dung nổi bật của Công văn số 2956 là đưa ra tiêu chí của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại. Yêu cầu đầu tiên là phải đủ điều kiện về địa điểm, cơ sở vật chất, trang thiết bị và diện tích theo quy định tại Quyết định số 07/2016/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội theo lộ trình hợp lý. Hạ tầng công nghệ thông tin, các thiết bị và phần mềm "một cửa" điện tử thông suốt, hiệu quả, rõ ràng, tiện lợi, có tính tự động cao và bảo đảm quản lý được toàn bộ hoạt động tiếp nhận, chuyển, xử lý hồ sơ, trả kết quả giải quyết; in được phiếu hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ, giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả, phiếu kiểm soát quá trình giải quyết hồ sơ; chuẩn hóa mã số hồ sơ hành chính, đưa mã số hồ sơ (mã vạch) vào quản lý một cách khoa học, tăng hiệu quả trong công tác theo dõi quá trình xử lý hồ sơ, tìm kiếm, tra cứu trạng thái và kết quả giải quyết. Đồng thời, tích hợp chữ ký số trong quá trình giải quyết hồ sơ; sẵn sàng kết nối đến các ứng dụng, dịch vụ công do thành phố triển khai; đủ điều kiện để áp dụng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4...

UBND thành phố cũng yêu cầu công chức làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại phải có chuyên môn nghiệp vụ phù hợp, phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm và tính chuyên nghiệp cao, tác phong, thái độ chuẩn mực, khả năng giao tiếp tốt. Tại bộ phận, không có hồ sơ giải quyết quá thời hạn quy định; 100% các TTHC ban hành quy trình giải quyết rõ người, rõ việc, rõ thời gian và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quản lý ISO, từng bước triển khai ISO điện tử. Số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt tỷ lệ theo lộ trình của thành phố. Mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan, đơn vị đạt từ 90% trở lên…

Nam Từ Liêm là đơn vị đầu tiên của thành phố thực hiện thành công quy trình một cửa liên thông “3 trong 1”. Ảnh: Viết Thành


... Và những điểm sáng

Việc xây dựng Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại đang được nhiều cơ quan hành chính tập trung thực hiện. Hiện đã có không ít quận, huyện triển khai ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong cải cách hành chính.

Tại UBND quận Hà Đông, bà Thái Thùy Linh, Trưởng Bộ phận một cửa cho biết, một trong những điểm nổi bật của UBND quận là việc song song với niêm yết bản giấy, TTHC thuộc thẩm quyền của quận được niêm yết công khai trên cổng thông tin điện tử của UBND quận tạo điều kiện cho công dân tra cứu nhanh, tiết kiệm thời gian hơn. Không chỉ vậy, máy bấm số thứ tự, máy đánh giá chất lượng cán bộ tiếp nhận, giải quyết thủ tục luôn hoạt động tốt cũng làm tăng sự hài lòng và đáp ứng nhu cầu của người dân khi đến đây thực hiện các TTHC. Ngoài việc chấm điểm cán bộ bằng một nút bấm, việc tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân còn thực hiện theo hướng "mở" qua 4 kênh, đó là: Sổ ghi chép, hòm thư góp ý, phiếu góp ý và số điện thoại đường dây nóng để người dân có thể chủ động gửi những nhận xét, góp ý của mình bằng cách phù hợp nhất.

Tại quận Long Biên, điểm sáng đáng ghi nhận là các TTHC theo phân cấp giải quyết trên hệ thống máy tính. Từng hồ sơ đều quy định cụ thể người chịu trách nhiệm, thời gian thực hiện, hoàn thành và được cán bộ Bộ phận một cửa giám sát. Do đó, nếu cá nhân nào tác nghiệp chậm sẽ làm ảnh hưởng đến cả quy trình xử lý hồ sơ chung thì cá nhân, bộ phận đó phải có giải trình, tham mưu soạn thư xin lỗi để lãnh đạo quận ký gửi đến người dân. Chỉ khi có thư xin lỗi, hệ thống mới tiếp tục chạy. Chính vì thế, ý thức giải quyết công việc của mỗi cán bộ tại các bộ phận được nâng lên. Anh Đoàn Nam, cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam thường xuyên làm thủ tục chứng thực giấy tờ tại Bộ phận một cửa quận Long Biên cho rằng, đây là điểm đặc biệt, không phải quận nào cũng có. Do đặc thù công việc, anh Đoàn Nam còn thường xuyên đến Bộ phận một cửa tại quận Nam Từ Liêm để hoàn thiện hồ sơ liên quan đến thế chấp. Nhiều lần, lượng giấy tờ cần chứng thực lên đến 60 bản. Tuy nhiên, theo anh Nam, làm thủ tục tại đây chỉ trong vòng nửa ngày đã có kết quả.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế cũng cho thấy, việc ứng dụng CNTT thường thực hiện tốt ở các sở, ngành, quận, huyện. Tại không ít phường, việc nhận và trả hồ sơ còn nặng về thủ công. Qua kiểm tra tại 17 phường thuộc quận Hà Đông những tháng đầu năm 2016, vẫn còn một số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND phường nhưng vẫn chưa được đưa ra thực hiện tại bộ phận một cửa theo quy định như lĩnh vực đất đai, quản lý đô thị, xây dựng, dù không phổ biến. Đặc biệt, tại buổi kiểm tra công vụ đột xuất tại Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC UBND phường Phú Lãm (quận Hà Đông), đoàn kiểm tra công vụ thành phố phát hiện TTHC lĩnh vực tư pháp đang công khai đã… hết hiệu lực. Lỗi này ngay sau đó đã được khắc phục.

Thực tế cho thấy, để xây dựng được Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại theo yêu cầu của UBND thành phố cần sự chú trọng triển khai đồng bộ của các cơ quan hành chính các cấp, nhất là người đứng đầu. Bên cạnh đó, việc kiểm tra là một kênh không thể lơ là để cơ quan quản lý tiếp nhận thông tin, chỉ đạo khắc phục ngay những yếu kém còn tồn tại.

Hà Phong