Cuộc sống không khói thuốc: Không đơn giản!

Xã hội - Ngày đăng : 06:18, 31/05/2016

(HNM) - Có thể nói, nhiều người đã nhận thức rất rõ tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe, nhưng để hướng đến cuộc sống không khói thuốc lá là điều không đơn giản.

Hút thuốc lá nơi công cộng vẫn là vấn nạn chưa thể giải quyết. Ảnh: Nguyệt Nguyễn


Xử phạt thiếu cương quyết

Năm 2013, Luật PCTH thuốc lá và Nghị định 176/2013/NĐ-CP hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế lần lượt được ban hành. Trong Luật PCTH thuốc lá có quy định cụ thể, tại những nơi như: Bệnh viện (BV), trường học, khu vui chơi, chăm sóc trẻ em... tuyệt đối không được hút thuốc lá. Còn tại những nơi không cấm tuyệt đối việc hút thuốc lá: Nhà hàng, khách sạn, bến xe... phải có khu vực dành riêng cho người hút thuốc.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Lưu Thị Liên nhấn mạnh, dù thời gian qua, công tác PCTH của thuốc lá đã được triển khai mạnh mẽ, song chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Ý thức tuân thủ pháp luật về PCTH thuốc lá của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức và người dân còn thấp, tình trạng vi phạm quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc và nơi công cộng còn khá phổ biến. Lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự quan tâm đến hoạt động PCTH thuốc lá, thậm chí nhiều lãnh đạo còn hút thuốc nên chưa cương quyết thực hiện các quy định về PCTH thuốc lá. Việc thực hiện không hút thuốc trong bệnh viện cũng gặp khó khăn.

Ông Vũ Cao Khương, Trưởng phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế Hà Nội) cho biết, qua nghiên cứu, tỷ lệ thừa nhận có sử dụng thuốc lá là 30,4%; trong đó tỷ lệ sử dụng thuốc lá hằng ngày là 19,1%, số điếu thuốc lá sử dụng trung bình hằng ngày là 10,47 điếu/ngày; tỷ lệ muốn bỏ thuốc là 33,8% với lý do phổ biến "Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe". Song việc xử phạt vi phạm hành chính về thực hiện Luật PCTH thuốc lá còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Hiện nay mới chỉ dừng lại ở mức lập biên bản, nhắc nhở vi phạm hành chính.

Trong năm 2015, Hà Nội tổ chức 3 đợt giám sát việc thực hiện Luật PCTH thuốc lá và phối hợp với Thanh tra Bộ Y tế tổ chức đợt kiểm tra tại các quận: Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng... Nhưng chỉ xử phạt được 9 nhà hàng, khách sạn, công ty, mỗi đơn vị 6 triệu đồng với lỗi vi phạm không treo biển cấm hút thuốc lá, không tổ chức thực hiện quy định cấm hút thuốc lá. Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho biết, nhiều trường hợp vi phạm cố tình không xuất trình giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân khác với lý do không mang theo. Họ sẵn sàng khai báo thông tin không chính xác về cá nhân, gây khó khăn trong việc ra quyết định xử phạt.

Xử lý nghiêm vi phạm

Để khắc phục tình trạng hút thuốc nơi công cộng, giới chuyên gia cho rằng, Việt Nam nên học tập kinh nghiệm các nước đã thành công trong việc cấm hút thuốc nơi công cộng. Tại các nước này, bên cạnh việc phạt tiền người vi phạm, còn xử phạt cả chủ nhà hàng, quán bar, khách sạn, quán cà phê... Ở Singapore, chỉ cần vứt đầu mẩu thuốc lá không đúng nơi quy định, nếu bị phát hiện, người vi phạm lập tức bị lập biên bản tại chỗ và xử phạt ngay với mức phạt tùy theo hành vi và thái độ sau vi phạm. Trường hợp không nộp phạt, trong vòng 7 ngày, người vi phạm sẽ bị đưa ra tòa án để xét xử…

Ngày Thế giới Không thuốc lá năm nay, Tổ chức Y tế thế giới lựa chọn chủ đề "Thực hiện đóng gói thuốc lá bằng bao bì trơn" để giảm sức hấp dẫn của sản phẩm này đối với người tiêu dùng. Bộ Y tế cũng phát động chiến dịch truyền thông với chủ đề: "Cuộc sống không khói thuốc lá". Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đề nghị, các cơ quan, đơn vị đưa nội dung phòng, chống tác hại thuốc lá vào kế hoạch, chương trình công tác hằng năm, đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ của cơ quan, đơn vị; tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý các vi phạm về thực hiện các quy định của pháp luật về PCTH của thuốc lá…

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Lưu Thị Liên, tới đây, thành phố sẽ triển khai nghiêm túc mô hình "Môi trường không khói thuốc" và tăng cường giám sát việc thi hành các quy định cấm hút thuốc, nhất là trong các cơ sở y tế. Ngoài việc tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về tác hại của thuốc lá và lợi ích của việc thực hiện môi trường không khói thuốc, Hà Nội sẽ tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm hành vi vi phạm Luật PCTH thuốc lá.

Theo Bộ Y tế, thuốc lá là nguyên nhân khiến 40.000 người tử vong/năm và trung bình mỗi ngày tại Việt Nam có 100 người tử vong do hút thuốc lá. PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) - Giám đốc Quỹ PCTH của thuốc lá cho biết, Việt Nam nằm trong 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới. Cụ thể, có 15,3 triệu người trưởng thành ở Việt Nam đang hút thuốc lá (trung bình 2 nam giới có 1 người hút thuốc lá), 33 triệu người không hút thuốc thường xuyên hít phải khói thuốc tại nhà. Theo thống kê từ Bệnh viện K trung ương, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá chiếm tới 96,8%. Khói thuốc còn là nguyên nhân gây ra các bệnh tim mạch, đột quỵ, các bệnh đường hô hấp và nhiều bệnh khác ở người hút thuốc thụ động.

Thu Trang