Pháo điện từ có thể bắn thủng tàu chiến đối phương của hải quân Mỹ

Xã hội - Ngày đăng : 21:00, 30/05/2016

Hải quân Mỹ đang thử nghiệm loại pháo điện từ có khả năng bắn đầu đạn bay nhanh như thiên thạch rơi, đủ sức xuyên thủng tàu chiến và xe tăng đối phương ở khoảng cách xa.

Nòng pháo điện từ dài gần 10 m của hải quân Mỹ. Ảnh: US DoD


Tại bãi thử nghiệm vũ khí của hải quân Mỹ ở Dahlgren, bang Virginia, tiếng còi hú cảnh báo vang lên trong một boongke bê tông, nơi các kỹ sư quân đội đang chuẩn bị trình diễn năng lực của một siêu pháo điện từ mới.

Các chỉ huy tụ họp trước màn hình giám sát để chứng kiến cảnh khẩu pháo điện từ bắn một đầu đạn nặng 11,3 kg xuyên qua 7 tấm thép và để lại 7 lỗ thủng rộng 13 cm.

Pháo điện từ không đòi hỏi thuốc súng hay chất nổ để phóng đầu đạn mà sử dụng năng lượng của các đường ray điện từ để đẩy một đầu đạn lao đi với vận tốc khủng khiếp, như tốc độ lao của một thiên thạch. Giới chuyên gia đánh giá đây sẽ là át chủ bài trong tương lai, giúp quân đội Mỹ giành thế thượng phong trước những loại vũ khí tối tân của Nga và Trung Quốc, theo Wall Street Journal.

Ở các loại pháo thông thường, đạn giảm dần tốc lực ngay sau thời điểm thuốc súng được kích cháy và đẩy đạn bay trong nòng. Nhưng đầu đạn phóng từ pháo điện từ lại tăng tốc trong quá trình chạy qua nòng pháo dài gần 10 m và thoát ra họng pháo với tốc độ 7.200 km/h.

"Đây là thứ sẽ giúp thay đổi cách chúng tôi chiến đấu", đô đốc Mat Winter, giám đốc Cơ quan Nghiên cứu Hải quân (ONR), cho hay.

Theo bình luận viên Julian E. Barnes, hải quân Mỹ đã phát triển pháo điện từ thành một loại vũ khí tấn công có thể xuyên thủng tàu chiến, phá hủy xe tăng địch cũng như san bằng những trại huấn luyện khủng bố.

Ngoài ra, các quan chức Lầu Năm Góc cũng dành sự quan tâm cho năng lực phát triển pháo điện từ trong một thập kỷ tới. Họ kỳ vọng nó sẽ giúp triệt hạ các tên lửa của đối phương với số lượng lớn và chi phí rẻ hơn nhiều so với những hệ thống phòng thủ tên lửa hiện nay.

Vũ khí răn đe

Đầu đạn của pháo điện từ bay với tốc độ khủng khiếp, khoảng 1,6 km/giây. Ảnh: US DoD


Theo WSJ, thách thức tương lai của quân đội Mỹ là duy trì khả năng kiểm soát trên toàn cầu với số lượng tàu hải quân và lực lượng bộ binh ít hơn. Chi phí hoạt động của quân đội ngày càng gia tăng trong khi ngân sách quốc phòng bị cắt giảm khiến Mỹ gặp không ít khó khăn trong việc duy trì các lực lượng quân sự lớn ở những điểm nóng.

"Tôi không thể mường tượng ra viễn cảnh chúng ta tái triển khai lực lượng như thời Chiến tranh Lạnh ở châu Âu. Nhưng tôi có thể hình dung một hệ thống pháo điện từ với chi phí thấp nhưng có tác dụng răn đe to lớn, đối với cả máy bay, tên lửa, xe tăng hay bất kỳ loại vũ khí nào", thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Work nhận định.

Bên trong boongke của bãi thử nghiệm vũ khí ở Dahlgren, các quan chức quân sự Mỹ hướng mặt về màn hình hiển thị nòng pháo điện từ hình chữ nhật. Các dây điện kết nối với pháo điện từ ở phía sau. Để vận hành pháo điện từ đòi hỏi phải có một nhà máy điện với công suất 25 MW, lượng điện đủ dùng cho 18.750 hộ gia đình.

Hiện tại, pháo điện từ vẫn đối mặt với nhiều rào cản kỹ thuật, chưa sẵn sàng tham gia chiến đấu. Các nhà hoạch định chính sách cũng cân nhắc đến những vấn đề địa chính trị.

Trung Quốc và Nga lo ngại pháo điện từ cùng các tiến bộ khác mà Mỹ đạt được trong hệ thống phòng thủ tên lửa sẽ đảo ngược cán cân quyền lực của thế giới vì nó đủ khả năng vô hiệu hóa vũ khí tên lửa của hai nước này.

Một số quan chức quốc phòng Mỹ cho biết ưu thế vượt trội của pháo điện từ đã đặt nó vào tầm ngắm của tin tặc ở Nga và Trung Quốc. Các tin tặc Trung Quốc từng nỗ lực thâm nhập vào hệ thống máy tính Lầu Năm Góc và các nhà thầu quốc phòng Mỹ để tìm kiếm bí mật công nghệ về pháo điện từ.

Đánh chặn tên lửa tầm ngắn

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Robert Work (phải) kiểm tra lỗ thủng trên một tấm thép sau khi bị đầu đạn pháo điện từ xuyên qua trong cuộc thử nghiệm ở Dahlgren, Virginia, hồi năm ngoái. Ảnh: US DoD


Hải quân Mỹ bắt đầu phát triển pháo điện từ cách đây một thập kỷ và đã tiêu tốn hơn nửa tỷ USD cho chương trình này. Cơ quan Năng lực Chiến lược (SCO) của Lầu Năm Góc đang đầu tư thêm 800 triệu USD để nâng cấp năng lực phòng vệ của pháo điện từ cũng như chỉnh sửa các loại pháo hiện nay để có thể bắn đầu đạn kỹ thuật cao của pháo điện từ.

Thời đại của pháo binh thông thường dần lụi tàn sau Thế chiến II do tầm bắn và độ chính xác hạn chế. Tên lửa và các chiến đấu cơ là những loại khí tài phổ biến trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, khiến hải quân Mỹ phải cho về hưu những thiết giáp hạm trang bị các khẩu pháo cực lớn. Pháo điện từ và các đầu đạn mới phát triển sẽ mở ra chương mới cho thế hệ tàu chiến này, theo WSJ.

Các khẩu pháo 152 mm hiện nay của hải quân Mỹ có tầm bắn 24 km. Những khẩu pháo 406 mm trên các thiết giáp hạm thời Thế chiến II đã bị thải loại có thể bắn đầu đạn đi xa 38,6 km và xuyên qua lớp bê tông dày gần một mét. Trong khi đó, pháo điện từ có tầm bắn hơn 200 km với sức công phá lớn gấp 5 lần so với pháo 406 mm.

"Đầu đạn bay với tốc độ cực kỳ cao, vài km mỗi giây, động năng của nó sẽ rất khủng khiếp. Rất ít loại vũ khí có khả năng ngăn chặn nó", ông Work nhấn mạnh.

Hải quân Mỹ hiện sở hữu một bản thiết kế pháo điện từ có thể bắn 10 phát/phút qua một nòng pháo chịu được 1.000 phát bắn.

Ngoài tốc độ cao, pháo điện từ cũng có ưu thế về trọng lượng cũng như độ gọn nhẹ. Một tàu khu trục thông thường của hải quân Mỹ có thể mang theo nhiều nhất là 96 quả tên lửa hành trình tấn công hoặc tên lửa đánh chặn. Song một chiến hạm trang bị pháo điện từ có thể mang 1.000 đầu đạn, cho phép nó đánh chặn hữu hiệu những tên lửa đang lao tới hoặc tấn công các lực lượng địch trong khoảng thời gian lâu hơn và tốc độ khai hỏa cũng nhanh hơn.

Mỹ đã giữ thế thượng phong về quân sự trong 25 năm qua chủ yếu nhờ các vũ khí chính xác như tên lửa và đạn có hệ thống dẫn đường. Mỹ cũng chi hàng tỷ USD để xây dựng hệ thống phòng thủ bằng tên lửa đánh chặn hòng bắn hạ các tên lửa đạn đạo nhắm vào Mỹ và đồng minh.

Ưu thế độc tôn này không còn nữa vì Trung Quốc đang hoàn thiện tên lửa đạn đạo diệt hạm. Bên cạnh đó, những tên lửa hành trình Nga triển khai ở Syria cũng khiến các nhà hoạch định quân sự Mỹ ấn tượng về sức mạnh cũng như độ chính xác của chúng.

"Tôi rất lo ngại về lợi thế đối với vũ khí quy ước của Mỹ. Mất đi lợi thế này là điều gây bất ổn nghiêm trọng", Elbridge Colby, nhà phân tích quân sự thuộc Trung tâm An ninh Mỹ Mới (CNAS), bình luận.

Giới hoạch định quân sự Mỹ cho rằng pháo điện từ sẽ phát huy tác dụng trong kịch bản Mỹ phải bảo vệ các nước vùng Baltic, như Estonia, Latvia và Litva, chống lại Nga hoặc hỗ trợ một đồng minh đối phó Trung Quốc trên Biển Đông.

Moscow và Bắc Kinh đang đầu tư nhiều tiền của, công sức xây dựng một hệ thống tên lửa tân tiến nhằm đẩy Mỹ khỏi các khu vực nói trên. Một hệ thống phòng thủ dựa vào sức mạnh của pháo điện từ sẽ giúp bảo vệ các lực lượng hải quân cùng bộ binh, giúp Mỹ dễ dàng điều quân tăng cường đến sát biên giới Nga và Trung Quốc, các quan chức Lầu Năm Góc cho biết.

Nâng tầm bắn của các khẩu pháo khác

Năng lực phòng thủ tên lửa bằng pháo điện từ có thể trở thành hiện thực trong ít nhất 10 năm nữa nhưng các quan chức Lầu Năm Góc tin rằng đầu đạn của pháo điện từ có thể được sử dụng sớm hơn thế.

Những đầu đạn này chứa đầy các viên bi làm bằng vonfam, cứng hơn cả sắt thép và có giá thành khoảng 25.000 - 50.000 USD. Đây là mức chi phí quá rẻ so với một quả tên lửa đánh chặn có giá lên đến 10 triệu USD.

Hiện tại, duy nhất tàu khu trục Zumwalt là sở hữu hệ thống máy phát điện đáp ứng đủ nguồn điện cho pháo điện từ. Vì thế, Lầu Năm Góc đang nghiên cứu điều chỉnh đầu đạn pháo điện từ để có thể dùng cho các khẩu pháo trên những chiến hạm khác cũng như các đơn vị pháo binh của quân đội.

Mặc dù vận tốc chậm hơn nhưng một đầu đạn của pháo điện từ được bắn bằng thuốc súng vẫn có thể bay 4.480 km/h, qua đó giúp mở rộng tầm bắn và nâng cao sức mạnh của những loại vũ khí hiện nay.

Năm ngoái, tại bãi thử vũ khí ở Dalhgren, các kỹ sư quân đội Mỹ đã bắn đầu đạn của pháo điện từ bằng pháo 127 mm và pháo 152 mm của hải quân. Kết quả cho thấy tầm bắn của khẩu pháo 152 mm tăng từ 24 km lên đến 61 km. Tầm bắn của đầu đạn pháo điện từ sử dụng trên pháo 155 mm của lục quân cũng được gia tăng đáng kể.

"Hải quân Mỹ sắp sửa nắm trong tay một hệ thống chiến thuật, một vũ khí tấn công thế hệ mới. Nó có thể là yếu tố thay đổi cuộc chơi", William Roper, giám đốc SCO trực thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, đánh giá. 

Theo Hồng Vân/VnExpress