Thông thái làm sao được!
Kinh tế - Ngày đăng : 06:37, 30/05/2016
Hàng giả, hàng nhái đang lũng đoạn thị trường, gây thiệt hại lớn. Chúng xuất hiện ở nhiều lĩnh vực, từ lương thực, thực phẩm, đồ điện tử, điện lạnh, nước giải khát, bia rượu, thuốc, mỹ phẩm cho đến tôn mạ, sắt thép... Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính bị cạnh tranh không lành mạnh; người dân mất tiền mua phải đồ giả, chất lượng không bảo đảm; Nhà nước thất thu thuế… Thời gian qua, các cơ quan chức năng từ trung ương tới địa phương đã vào cuộc nhằm từng bước đẩy lùi vấn nạn này, nhưng như thừa nhận của lãnh đạo Bộ Công thương, hiệu quả trong công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại mới chỉ dừng ở phần "ngọn".
Tại sao mới chỉ xử lý được phần "ngọn", mà không phải là triệt tận "gốc"? Tại một hội nghị bàn về chống hàng giả, gian lận thương mại gần đây, đại diện Bộ Công an cho biết, Bộ luật Hình sự có các tội về hàng giả, nhưng chưa có định nghĩa chính thống về hàng giả để làm căn cứ xử lý hình sự đối với loại tội phạm này. Trong khi đó, đại diện Bộ Công thương thừa nhận, phần lớn lực lượng chức năng mới chỉ "tiếp xúc" với những người làm thuê, từ biên giới đến nơi tiêu thụ và đây chưa phải những đối tượng chính, tức các "đầu nậu". Đại diện Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu thì bức xúc: "Việc áp dụng Luật Sở hữu trí tuệ còn nhiều vướng mắc, thậm chí để đọc và hiểu được cũng đã rất khó"…
Với những ý kiến trên thì dẹp nạn hàng giả, hàng nhái quả là khó thật. Vì vậy, hàng giả, hàng nhái cứ như "vòi bạch tuộc" vươn tới mọi ngóc ngách của đời sống. Chắc có lẽ cũng vì khó quá nên các cơ quan chức năng mới đành phải khuyến cáo người dân "hãy là người tiêu dùng thông thái". Nhưng thông thái làm sao được khi chính các cơ quan chức năng liên quan dường như cũng đang bất lực?!