Hàng trăm héc ta lúa ở huyện Quốc Oai bị ngập: Phải có phương án ứng phó thích hợp
Kinh tế - Ngày đăng : 06:19, 30/05/2016
Sở NN&PTNT đã phối hợp với Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai huyện Quốc Oai huy động các lực lượng hỗ trợ nông dân bảo vệ lúa. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn còn hàng trăm héc ta lúa ngập trắng, điều đó cho thấy cần có phương án ứng phó thích hợp cho khu vực này trong những năm tới, tránh thiệt hại cho nông dân.
Nông dân “gặt chạy” trên cánh đồng lúa bị ngập tại xã Đông Yên, huyện Quốc Oai. |
Lũ về nhanh không kịp trở tay
Mặc dù lúa xuân chưa chín nhưng nông dân xã Đông Yên (huyện Quốc Oai) vẫn phải thu hoạch. "Cơm để gần miệng vẫn bị ông trời lấy mất!" - chiều 29-5, ngụp lặn vớt từng bông lúa nửa xanh nửa vàng giữa mênh mang nước ở xứ đồng Khoang Lươn, ông Đỗ Văn Thanh ở thôn Việt Yên, xã Đông Yên (Quốc Oai) nói như khóc. Theo ông Thanh: Sau trận mưa, nước từ rừng Ô Cà, huyện Lương Sơn (Hòa Bình) đổ xuống khiến 4 sào lúa ngập trắng. Năm nay, nước lên nhanh dân làng không kịp trở tay. "Bây giờ vớt lên mong sao có hạt thóc cho con gà, con lợn" - ông Phạm Văn Trung ở thôn Đông Hạ nói…
Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Đông Hạ Bùi Văn Đồng: Năm nay lũ tiểu mãn tràn về nhanh khiến 35ha lúa của 400 hộ dân ở xứ đồng Khoang Lươn, Cổ Cắt, Vai Cam, Ngòi, Đồng Vày, Vai bị ngập trắng. Đây là khu vực không có khả năng khắc phục vì trên toàn bộ diện tích ở xứ đồng này chỉ có vài cống tự tiêu nước ra Sông Tích, nhưng hiện tại mực nước Sông Tích đang cao hơn trong đồng. Để cứu lúa, Ban Chỉ huy PCTT huyện Quốc Oai đã huy động gần 1.700 người, 10.000 bao tải, 1.000 cọc tre, cùng các loại máy đào đắp hơn 36.000m3 đất chống tràn 3km đê bao. Hiện nay, 25ha lúa khu vực ngoài đê của thôn Đông Hạ đã được bảo vệ…
Theo ông Nguyễn Hồng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai: Diện tích lúa ngoài đê bao Sông Tích của huyện là 730ha thuộc 7 xã Ngọc Liệp, Liệp Tuyết, Tuyết Nghĩa, Cấn Hữu, Đông Yên, Phú Cát, Hòa Thạch, trong đó, diện tích đất trũng chỉ cấy được 1 vụ lúa xuân/năm là 550ha. Theo kế hoạch sản xuất vụ xuân 2016, UBND huyện đã chỉ đạo cấy trà lúa sớm để chạy lũ tiểu mãn. Song, do đợt rét đậm, rét hại từ đầu vụ đã làm diện tích lúa mới cấy chết nhiều, các hộ dân phải sử dụng mạ chính vụ cấy bổ sung nên kéo dài thời gian thu hoạch so với dự kiến 20 ngày. Trận mưa lớn những ngày qua cùng với lũ tiểu mãn tràn về đã gây sụt sạt bờ bao Sông Tích nhấn chìm hơn 500ha lúa xuân tại khu vực này, gây thiệt hại lớn cho nông dân.
Triển khai nhiều biện pháp
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Trần Thanh Nhã cho biết: Trước diễn biến của thời tiết ngày càng bất thường, Sở NN&PTNT đã phối hợp với Ban Chỉ huy PCTT huyện Quốc Oai kiểm tra tại các vị trí xung yếu ven đê Sông Tích để triển khai các phương án chống tràn, giúp dân bảo vệ sản xuất. Theo ông Nguyễn Hồng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai, ngày 29-5 Ban Chỉ huy PCTT huyện đã huy động 500 cán bộ, chiến sĩ các đơn vị quân đội trên địa bàn huyện cùng hơn 1.200 người dân xử lý sự cố và giúp nhân dân thu hoạch lúa. Tuy nhiên do nước tràn quá nhanh, nhiều diện tích lúa chưa chín phải thu hoạch làm giảm khoảng 30% năng suất.
Để hạn chế thiệt hại do lũ tiểu mãn đầu mùa, Sở NN&PTNT đã có công văn hướng dẫn sản xuất vụ xuân như: Sử dụng các giống lúa ngắn ngày, cấy sớm để tránh lũ tiểu mãn, lũ rừng ngang... Đồng thời khuyến cáo nhân dân thực hiện đúng khung thời vụ. Hiện nay, hệ thống đê bao bảo vệ gần 500ha lúa của khu vực này chỉ an toàn khi nước Sông Tích ở mức 5,8m (dưới mức báo động I là 0,6m). Về lâu dài huyện Quốc Oai cần xây dựng phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng và mùa vụ hợp lý. Sở NN&PTNT sẽ trình UBND TP Hà Nội phương án tu bổ, nâng cấp tuyến đê bao Sông Tích tại các xã trên để giảm thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra.