Tự xây dựng "siêu Dropbox" cho riêng mình - không còn khó!

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 22:57, 29/05/2016

(HNMO) - Trong những năm qua, người dùng ở mọi nơi đều dần quen thuộc với khái niệm “điện toán đám mây” - khởi đầu với những dịch vụ lưu trữ dữ liệu trực tuyến cho phép họ truy xuất thông tin cá nhân từ mọi nơi, mọi lúc.


Những mô hình kho lưu trữ cá nhân trực tuyến như Dropbox thường khá giới hạn về dung lượng, tốc độ và tính bảo mật.

Vào thời điểm hiện tại, những dịch vụ được ưa chuộng có thể điểm tới như Dropbox, Google Drive, Box.com, Sky Drive (Microsoft)... Tuy nhiên phần lớn đều hết sức hạn chế về dung lượng, tốc độ cũng như các tính năng tiện ích. Một ví dụ điển hình là để sở hữu 1TB dung lượng từ Dropbox, bạn sẽ phải chi khoảng 10 USD/tháng - tương tự như với Google Drive.

Trào lưu kho lưu trữ điện toán đám mây cho cá nhân lên ngôi

Tuy nhiên, ngay cả khi chịu đầu tư khoản kinh phí này, vẫn có nhiều giới hạn về mặt công nghệ mà bạn không thể vượt qua được - như khả năng sao lưu dữ liệu quan trọng, tốc độ chia sẻ dữ liệu trong mạng nội bộ, khả năng bảo mật cho những thông tin nhạy cảm... Chính vì điều này, trong những năm gần đây, các loại thiết bị ổ lưu trữ mạng (NAS: Network-Attached Servers) từ chỗ chỉ đóng vai trò kho chứa chung cho gia đình, văn phòng... đã kiêm nhiệm thêm một vai trò mới - những không gian lưu trữ điện toán đám mây dung lượng lớn cho mỗi cá nhân. Nói cách khác, nếu mạnh dạn tiếp cận món "tuy mới mà cũ" này, người dùng sẽ có được những "siêu Dropbox" với khả năng mở rộng, nâng cấp không giới hạn. 

Trước đây, các hệ thống lưu trữ mạng thường cồng kềnh, khó thiết lập và đỏi hỏi kĩ năng CNTT rất tốt để quản lý và duy trì.
Mặt khác, chỉ vài năm trước đây, khái niệm ổ lưu trữ mạng thường song hành với những thiết bị khá cồng kềnh - thậm chí là máy tính hoàn chỉnh với quy trình thiết lập, quản lý, vận hành đòi hỏi nhiều công sức, trình độ. Điều đó khiến cho chúng chỉ được ứng dụng chủ yếu trong môi trường doanh nghiệp hoặc một số ít người dùng có trình độ cao về CNTT. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, những hệ thống NAS đã dần trở nên nhỏ gọn, rộng rãi hơn về dung lượng và ngày càng dễ thiết lập, sử dụng hơn. Trong bối cảnh ấy, liệu đã đến lúc bạn nên tự xây dựng cho riêng mình một kho chứa thông tin trực tuyến hay chưa?


Sử dụng dịch vụ hay tự tay thiết lập kho lưu trữ riêng?  

Dĩ nhiên, câu hỏi đặt ra đầu tiên sẽ là việc tại sao bạn phải cất công xây dựng kho lưu trữ riêng khi trên mạng Internet hiện nay có hàng trăm dịch vụ lưu trữ khác nhau - thoải mái cho bất cứ ai lựa chọn? Thực tế, hãy ngồi lại và điểm qua những đặc tính cơ bản nhất của các dịch vụ này cũng như xem xét những yêu cầu cơ bản mà một người dùng - chính bạn - cần tới ở kho lưu trữ cá nhân, câu trả lời sẽ tự nhiên xuất hiện!

Thiết bị NAS trọn gói giờ đây đã phân phối khá rộng rãi trên thị trường - điều khác hẳn vài năm trước.


Như đã đề cập tới ở phần đầu bài viết, việc sử dụng các dịch vụ của nhà cung cấp chuyên nghiệp đem lại dù khá tiện dụng về khâu đăng ký và đáp ứng phần lớn nhu cầu của người dùng phổ thông nhưng với môi trường công việc thực thụ, nó sẽ bộc lộ nhiều yếu điểm. Trước hết, việc tự chủ được không gian lưu trữ sẽ đem lại nhiều lợi thế - đặc biệt là khi NAS của bạn còn đóng vai trò trung tâm dữ liệu nội bộ thay vì chỉ trực tuyến trên mạng Internet, khả năng truyền tải nội dung số (phim, ảnh...) hay chia sẻ dữ liệu tốc độ cao đồng nghĩa với việc bạn sẽ muốn lưu nhiều thứ hay ho trên kho của mình. 

Mặt khác, với những dữ liệu nhạy cảm, hẳn bạn sẽ không muốn giao nó vào tay ai đó - kể cả khi đó là những dịch vụ khá uy tín như Google Drive hay Dropbox. Việc tự mình cất giữ những dữ liệu riêng luôn là một lợi thế dù với nhu cầu sử dụng gì đi chăng nữa - đặc biệt là khi hầu hết hệ điều hành NAS hiện nay đều cho phép mã hoá theo một số chuẩn nhất định.

Với hai cổng LAN tích hợp, các dòng NAS hiện đại thường cho phép kết nối nối tiếp nhiều đơn vị lại với nhau để mở rộng dung lượng khi cần.


Kế đến, sự hiện diện của NAS trong hệ thống mạng máy tính của bạn sẽ đảm bảo dữ liệu luôn có thể truy cập - dù cho máy tính nào đó bị trục trặc (điều vốn có tỉ lệ xảy ra cao do người dùng sử dụng trực tiếp máy hàng ngày). Những cơ chế bảo vệ dữ liệu, sao lưu tự động, duy trì hoạt động... được tích hợp trong các loại NAS hiện đại giúp cho nó thường có độ tin cậy tốt hơn rất nhiều so với một chiếc máy tính thông thường.

Dĩ nhiên, cũng không thể không nhắc tới khả năng hỗ trợ làm việc nhóm tốt hơn - điều miễn bàn khi bạn có một không gian dữ liệu chung. Mọi người có thể chia sẻ tài liệu, văn bản, dữ liệu đồ hoạ hay bất cứ thứ gì đang làm việc chung với tốc độ cao, hầu như không vướng phải vấn đề tương thích (ví dụ như Windows không thể đọc được phân vùng HFS+ của Mac OS X nếu cắm ổ trực tiếp, hay iPhone truy cập dữ liệu trên máy tính Windows...) và cũng ít vấp phải lỗi hơn so với việc đặt một máy tính làm trung tâm. 


So với một máy chủ lưu trữ, NAS thường nhỏ gọn và rất thích hợp cho các môi trường văn phòng nhỏ, phòng khách, phòng ngủ gia đình...


Chú ý điều gì khi tự trang bị NAS

Vậy, một khi đã quyết định đầu tư cho mình một hệ thống lưu trữ mạng, bạn cần lưu ý những gì khi triển khai? Thực tế, ngày nay có khá nhiều các thương hiệu NAS khác nhau - bao gồm cả từ những nhà sản xuất thiết bị lưu trữ (ổ cứng, SSD) quen thuộc cho tới những thương hiệu "nội địa" Trung Quốc hay Nhật Bản ít được biết đến hơn. Trên thị trường Việt Nam vào lúc này, nổi bật lên là các sản phẩm của Western Digital, Synology , Buffalo... với giá cả và tính năng rất đa dạng. Tuy nhiên, cho dù chọn thương hiệu nào, bạn nên tuân thủ một số tiêu chí sau đây:

NAS cao cấp thường cung cấp nhiều cơ chế quan trọng trong việc quản lý, sử dụng hệ thống lưu trữ (hữu ích với doanh nghiệp) - hơn chỉ là một ổ cứng chia sẻ đơn thuần qua mạng nội bộ.

* Cấu hình phần cứng: Dù không phải là chiếc máy tính và thường có ngoại hình khá giống nhau, thực tế phần cứng (chip xử lý, bộ nhớ RAM, kết nối mạng...) lại rất quan trọng đối với quá trình hoạt động của NAS. Ngày nay, người dùng có khá nhiều lựa chọn đa dạng nhưng thường tiêu chí "tiền nào của ấy" trong trường hợp này đặc biệt đúng. NAS "đủ dùng" thường nên sở hữu bộ nhớ RAM từ 1GB trở lên với chip xử lý đủ mạnh để xử lý nhiều tác vụ (rất quan trọng nếu ứng dụng ở các văn phòng với hàng chục máy tính truy xuất dữ liệu liên tục). Với nhu cầu gia đình, việc chọn cấu hình thấp hơn chút ít cũng có thể giúp bạn tiết kiệm chi phí.

NAS với hai hay nhiều ổ cứng hoạt động song song thường đem lại nhiều tính năng có lợi cho người dùng.


* Cân nhắc số lượng ổ cứng mình cần: Trong khi các loại NAS giá rẻ thường có 1 khay lắp ổ cứng, việc chọn những dòng có 2, 4 hoặc 8 khay sẽ đem lại nhiều lợi thế về khả năng nâng cấp cũng như việc tận dụng được các cơ cấu RAID để tăng tốc độ (RAID-0), sao lưu dữ liệu (RAID-1). Một số dòng NAS cao cấp sẽ hỗ trợ cả RAID-5 và nhiều chế độ kết hợp ổ cứng khác rất tiện dụng. Ngoài ra, bạn cũng có thể chọn giữa loại NAS đã bán kèm ổ cứng hoặc chỉ gồm vỏ không theo ý muốn. Dĩ nhiên, dung lượng cũng luôn là đề tài cần quan tâm.


* Cân nhắc các cổng giao tiếp ngoại vi: Dĩ nhiên, là ổ kết nối mạng, bất cứ NAS nào cũng có cổng LAN tiêu chuẩn (bạn phải chọn loại có tốc độ tối thiểu 1Gbps). Tuy nhiên, những dòng NAS hiện đại thường tích hợp hai cổng LAN - cho phép khả năng kết nối chùm thành cụm mà không cần thông qua switch mạng trung gian - cho phép gia tăng đáng kể dung lượng lưu trữ mà không tốn thêm nhiều diện tích.

Một số NAS thường có các tính năng phần cứng "độc" như cổng sao lưu nhanh nội dung ổ USB bằng một nút bấm khi cần (NAS Western Digital MyCloud EX2100) ở đây.


* Hệ điều hành: Ngày nay, NAS thường được xây dựng trên hệ điều hành sử dụng gốc Linux hoặc Windows. Trong khi với doanh nghiệp, văn phòng, việc triển khai NAS Windows sẽ đem lại nhiều lợi thế về mặt tương thích hệ thống thì với NAS gia đình, nền Linux thường cho phép các nhà sản xuất tuỳ biến linh hoạt, cung cấp nhiều tính năng thú vị cho người dùng cuối.

Hãy tham khảo kĩ tài liệu đi kèm để biết liệu NAS mình nhắm tới có đủ tính năng cần thiết hay không.



* Tính năng quan trọng cho nhu cầu riêng: Thực tế, việc mua một chiếc NAS cũng giống như bạn mua điện thoại di động vậy. Sẽ chẳng mấy ý nghĩa nếu những tính năng của máy không đáp ứng được nhu cầu sử dụng chính mà bạn cần. Các mô hình chia sẻ dữ liệu, khả năng streaming nội dung số, tính năng sao lưu (như hỗ trợ Time Machine của Mac chẳng hạn), khả năng phân quyền truy cập cho nhiều người dùng, khả năng tương tác iTunes... bạn hãy cân nhắc kỹ và chọn đúng với nhu cầu của mình.

* Khả năng tương tác với Internet: Như đã đề cập tới ở trên, bên cạnh việc chia sẻ dữ liệu trong mạng nội bộ, nhiều thiết bị NAS có khả năng chia sẻ dữ liệu qua Internet rất tiện dụng (tương tự như Dropbox hay Google Drive). Những dòng sản phẩm này thường có tên gọi khá đặc thù để người dùng dễ nhận ra (như My Cloud của Western Digital mà chúng ta đang dùng làm ví dụ ở đây chẳng hạn). 

So với việc quản lý nhiều ổ cứng USB cầu kì (rủi ro cao, rút ra cắm vào liên tục, không tương thích nhiều hệ điều hành cùng lúc), tự trang bị một NAS rõ ràng đem lại nhiều lợi thế hơn đáng kể.


Dĩ nhiên, để chọn đúng NAS cho nhu cầu cá nhân sẽ còn rất nhiều yếu tố đáng để bạn quan tâm. Tuy nhiên do khuôn khổ bài viết, tạm thời chúng ta sẽ chưa đề cập tới ở đây.

Nguyễn Thúc Hoàng Linh