Văn nghệ sĩ Hà Nội đóng góp cho Thủ đô xanh - sạch – đẹp
Đời sống - Ngày đăng : 08:02, 28/05/2016
Giới kiến trúc đã tham gia quy hoạch nhiều công trình nhỏ cho trẻ em góp phần xây dựng Thủ đô xanh - sạch - đẹp.Ảnh: Thái Hiền |
Đẹp từ những điều giản dị, thiết thực...
Không phải hô hào, thực tế các văn nghệ sĩ thuộc nhiều lĩnh vực như kiến trúc, văn học, nhiếp ảnh, điện ảnh… đã, đang bằng tác phẩm của mình góp phần làm cho Hà Nội xanh, sạch và đẹp hơn.
Các kiến trúc sư không chỉ tham gia những quy hoạch lớn cho đô thị Hà Nội, mà còn góp sức ở những công trình, việc làm nhỏ để làm đẹp vỉa hè, ngõ phố, con đường… cho thành phố. Một ví dụ giản dị và vô cùng ý nghĩa là chuyện các kiến trúc sư (KTS) tình nguyện của Hà Nội nhiều năm qua đã âm thầm thiết kế, kêu gọi xây dựng sân chơi cho thiếu nhi Thủ đô tại một số quận, huyện. Không chỉ lên tiếng bảo vệ không gian công cộng ở Hà Nội, trong đó có các sân chơi tại khu dân cư, các KTS còn phối hợp với các tổ chức quốc tế hỗ trợ xây dựng, chia sẻ kinh nghiệm lắp ghép đồ chơi bằng tre và các vật liệu khác một cách an toàn tiết kiệm cho trẻ.
Âm thầm và cũng không kém sâu sắc là sự vào cuộc một cách tự nhiên của hàng loạt nhà văn, nhằm truyền đi một thông điệp giữ gìn và phát triển một Hà Nội xanh màu cây, màu nước và đẹp từ ngõ ngách, hàng quán đến lối sống mỗi ngày. Có thể tìm thấy nhiều sự thấu hiểu, gợi ý và cả những phản biện về Hà Nội đương đại trong các tác phẩm như "Cửa hiệu giặt là", "A đây rồi Hà Nội 7 món", "Con giai phố cổ", "Hà Nội thì không có tuyết", "Hà Nội là Hà Nội" lần lượt của Đỗ Bích Thúy, Trần Chiến, Nguyễn Việt Hà, Đỗ Phấn, Nguyễn Trương Quý...
Giới nhiếp ảnh, điện ảnh, sân khấu, mỹ thuật cũng có thể bằng đôi mắt nghệ thuật của mình để tác động mạnh tới suy nghĩ, cách hành xử của mỗi người với thành phố - không gian sống thực của chúng ta.
... đến một triết lý sống sâu sắc
Theo KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam, thời gian qua Hà Nội đã tích cực giải tỏa hàng rong, quán cóc, mái vẩy, các điểm đỗ, gửi xe bừa bãi để vỉa hè được thông thoáng, giảm thiểu tai nạn và ách tắc giao thông, góp phần làm diện mạo Thủ đô đẹp dần lên trong con mắt người dân, du khách. Tuy nhiên, với góc nhìn của một người Hà Nội và rất yêu Hà Nội, ông Tùng cho rằng: "Để Hà Nội phát triển bền vững, lâu dài thì việc thực thi chủ trương trên vẫn chưa đủ. Thực tế đã xảy ra, khi thiếu vắng sự kiểm tra, đôn đốc của lực lượng chức năng, mọi việc lại "nguyên như cũ", vỉa hè bị tái lấn chiếm, nước thải, rác thải vứt đầy đường phố. Thành phố không chỉ bị ô nhiễm nặng về môi trường, mà còn bị ô nhiễm về thị giác, bởi các loại kiến trúc rác, quảng cáo rác…".
Còn nhớ năm 2003, Tiến sĩ tâm lý người Nhật Bản Ito Tetsuji đã phác một bức tranh vô cùng sống động về một mảng đời sống thành phố trong cuốn "Ngõ phố Hà Nội - Những khám phá". Sau hơn 10 năm đọc lại thấy có nhiều điểm như những tuyến phố, con đường đổi thay theo hướng xanh - sạch - đẹp hơn, nhưng cũng có những điều vẫn y nguyên tình trạng của hơn một thập kỷ trước như cảnh chen lấn, mất vệ sinh ở nơi công cộng… KTS Phạm Thanh Tùng bày tỏ quan điểm: Nhiều đô thị trên thế giới đã xây dựng mục tiêu, triết lý để phát triển phù hợp với bản sắc, văn hóa của mình như: Manila "Hướng tới một đô thị nhân văn tầm quốc tế", Kuala Lumpuar "Thành phố tiện nghi và văn hóa", Bangkok "Thành phố hòa bình, văn minh và nụ cười"… Ở nước ta, Đà Nẵng đã và đang xây dựng với triết lý "Đô thị đáng sống"; TP Hồ Chí Minh hướng tới "Thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình". Hà Nội cũng cần hướng tới một triết lý để xây dựng thành phố phát triển bền vững, thân thiện và có chất lượng sống tốt. Giới KTS cần tiên phong trong tạo dựng diện mạo kiến trúc đô thị của Thủ đô bền vững, nhân văn và bản sắc. Để làm được điều đó, có thể bắt đầu từ việc chỉnh trang, làm đẹp từng ngôi nhà, từng ô cửa, từng đường phố của Thủ đô.
Thiết nghĩ, không chỉ kiến trúc, mà các lĩnh vực đều có thể góp tiếng nói làm đẹp môi trường, tạo dựng một triết lý sống cho thành phố. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ. Điều quan trọng nhất vẫn là sau công việc chỉnh trang, làm đẹp đó, thì đòi hỏi chủ nhân của những công trình này cần phải ý thức được sâu sắc trách nhiệm của mình để tự giác duy trì và phát huy bền vững các giá trị đáng sống cho đô thị. Trong công việc đòi hỏi kiên trì và mất nhiều thời gian này, các nhà văn có vai trò không nhỏ nếu những tác phẩm của họ về Hà Nội được đưa vào những giờ học, giờ đọc sách của học sinh Thủ đô để các em tự mình "thấm" những giá trị của đất và người Hà Nội; đồng thời tự vấn về một lối sống đẹp xứng với tư cách công dân Thủ đô.