Củng cố niềm tin xuyên Đại Tây Dương

Kinh tế - Ngày đăng : 07:31, 28/05/2016

(HNM) - Sự kiện Thượng viện Hoa Kỳ bỏ phiếu thông qua Nghị quyết hủy bỏ Chương trình giám sát cá da trơn của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo về một

Thượng viện Mỹ tán thành hủy bỏ Chương trình giám sát cá da trơn.


Nỗ lực của cả "hai phía", trong đó có giới tinh hoa Hoa Kỳ, nhằm đem lại công bằng cho những người nuôi trồng thủy sản trên khắp các vùng sông nước Việt Nam - những người đang hằng ngày đối mặt với khó khăn của biến đổi khí hậu - đã được đền đáp. Đây thật sự là một tin vui cho doanh nghiệp xuất khẩu cá da trơn của Việt Nam.

Nhiều năm qua, các nhà nuôi cá da trơn của Việt Nam đã phải cạnh tranh không cân sức với những hộ nông dân nuôi cá tra ở Hoa Kỳ. Sản phẩm cá tra vốn phổ biến trên thực đơn tại nước Mỹ, được các hộ nuôi cá của đôi bờ sông Mississippi cũng như các bang miền Nam cung ứng. Tuy nhiên, sự phát triển của nguồn cá tra tại các nước Châu Á - trong đó có Việt Nam - đã phá vị thế độc tôn của những hộ nuôi cá này. Năm 2002, Nghị sĩ Thad Cochran của bang Mississippi và những chính trị gia miền Nam đã chính thức khởi động để dâng lên hàng rào thương mại với cá tra nhập khẩu. Theo đó, họ cho rằng sản phẩm cá tra của Việt Nam không được gọi là cá da trơn - dù chúng tương tự về kết cấu sinh học cũng như hương vị - vì khác giống. Nếu luận điểm này đạt mục đích thì cá tra của Việt Nam sẽ không được hưởng mức thuế nhập khẩu cá da trơn thông thường. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà nuôi trồng cá tra Việt Nam.

Tuy nhiên, những cố gắng của Nghị sĩ T.Cochran và các chính trị gia theo con đường "bảo hộ" không đạt kết quả khi người dân Hoa Kỳ vẫn ưa chuộng loại cá da trơn thơm ngon và giá rẻ từ Việt Nam. Thậm chí, sản phẩm cá tra của Việt Nam đã từng bị cáo buộc bán phá giá năm 2003 và bị áp thuế chống bán phá giá, nhưng lượng tiêu thụ tại Hoa Kỳ vẫn không hề suy giảm. Trước tình hình đó, năm 2008, Quốc hội Mỹ đã thay đổi Luật An toàn thực phẩm để USDA giám sát cá tra và cá da trơn thay Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA). Cuộc chuyển đổi hành chính này khiến các nhà xuất khẩu các tra Việt Nam lao đao do tốn phí để theo kịp các thủ tục kiểm tra mới.

Năm 2011, Hiệp hội Thủy sản Hoa Kỳ (NFI) công bố danh sách 10 loài thủy sản được tiêu thụ nhiều nhất tại thị trường Mỹ. Năm đó, cá tra có mức thăng hạng mạnh nhất, từ vị trí thứ 9 lên thứ 6 và được xếp thứ 6/10 loài thủy sản được ưa chuộng tại Hoa Kỳ. Từ đó, việc Việt Nam có khả năng sản xuất cá tra chất lượng với chi phí thấp - do cấu thành địa lý - đã tạo áp lực cạnh tranh lên người nuôi cá Hoa Kỳ. Đây là sự cạnh tranh lành mạnh và người được hưởng lợi sẽ không ai khác ngoài người dân Hoa Kỳ. Nhưng một số chính trị gia và nhiều hộ nuôi cá nội địa Hoa Kỳ đã không nhìn nhận như vậy. Thế nên, người nuôi cá da trơn ở miền Nam Hoa Kỳ đã ủng hộ USDA khi cho rằng hoạt động thanh tra của FDA quá lỏng lẻo.

Nhưng, trong khi hệ thống của FDA chỉ cần khoảng 700.000 USD thì USDA lại ngốn khoản ngân sách tới 14 triệu USD/năm chỉ để triển khai Chương trình giám sát cá da trơn (với cá tra) nhập khẩu vào Hoa Kỳ (có hiệu lực từ tháng 3-2016). Điều này đã khiến nhiều người hiểu biết về cá tra tại Hoa Kỳ phản đối. Trong đó, Hiệp hội Thủy sản Mỹ (NFI) phản đối quyết liệt nhất. Theo NFI, chương trình này không hướng đến an toàn thực phẩm mà là giải pháp loại trừ hàng nhập khẩu. Thượng nghị sĩ John McCain và Văn phòng trách nhiệm giải trình Chính phủ Mỹ (GAO) cảnh báo rằng, Chương trình giám sát của USDA sẽ lãng phí, trùng lặp và châm ngòi cho hành động đáp trả từ phía các đối tác thương mại Châu Á - Thái Bình Dương nhằm vào hàng nông sản xuất khẩu của Hoa Kỳ. Vì thế, chương trình giám sát USDA dù được thông qua từ năm 2015 nhưng đã bị Thượng viện phủ quyết (với 55 phiếu thuận và 43 phiếu chống) hôm 25-5. Mặc dù Nghị quyết còn phải được Hạ viện bỏ phiếu thông qua; sau đó trình Tổng thống B.Obama ký ban hành nhưng đây là thành công bước đầu rất quan trọng.

Các hộ nuôi trồng thủy sản Việt Nam và người tiêu dùng Hoa Kỳ đều cảm nhận được hành động chính đáng tại Thượng viện Hoa Kỳ trước vấn đề cá tra Việt Nam. Đến hết tháng 4-2016, Mỹ vẫn là đối tác lớn nhất của cá tra Việt Nam với giá trị xuất khẩu đạt 115,1 triệu USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng quan trọng hơn, chấm dứt Chương trình giám sát cá da trơn của USAD sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn triển vọng thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - thỏa thuận thương mại tự do - đang được Tổng thống B.Obama nỗ lực thúc đẩy.

(HNM) - Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long như: An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh và Hậu Giang tập trung nhiều nhất các hộ nuôi trồng thủy sản; trong đó chủ yếu là cá tra và tôm.

Thủy sản Việt Nam có mặt ở 170 quốc gia, vùng lãnh thổ, với kim ngạch xuất khẩu trên 6 tỷ USD/năm. Trong 5 tháng đầu năm 2016 giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 2,43 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2015. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 51,74% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Trong đó, các thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh trong 5 tháng qua là Hoa Kỳ tăng 12,2%, Trung Quốc tăng 39,3%...

Dung Nguyễn

Thùy Dương