Không hình sự hoá quan hệ kinh tế: Không có “Xin chào” lần 2

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 17:43, 27/05/2016

(HNMO) - Đó là nội dung quan trọng được nêu tại cuộc họp báo chuyên đề về nội dung Nghị quyết 35 NQ-CP về hỗ trợ DN đến năm 2020 do Văn phòng Chính phủ tổ chức ngày 27-5 Tại Hà Nội.


Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, tại Nghị quyết 35, Chính phủ đã xác định rõ mục tiêu, đến năm 2020, xây dựng DN Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững. Cả nước có ít nhất 1 triệu DN hoạt động, trong đó có các DN có quy mô lớn, nguồn lực mạnh. Khu vực tư nhân Việt Nam đóng góp Khoảng 48 - 49% GDP, Khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Đây là mục tiêu rất lớn của Chính phủ, bởi hiện nước ta hiện mới có hơn 500.000 DN.

Tuy nhiên, theo Báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI 2015) do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố hồi cuối tháng 4 vừa qua, khu vực DN nhỏ và vừa (DNNVV) vẫn có cảm nhận tiêu cực hơn các DN lớn về môi trường MTKD. 65% DN nhỏ và siêu nhỏ cho biết hiện tượng chi trả chi phí không chính thức là thường xuyên. Chỉ 51-61% DNNVV có thông tin về các chính sách ưu đãi của các cơ quan trung ương và địa phương, thấp hơn nhiều so với nhóm DN lớn (77%). Một hiện tượng đáng lo ngại là các DN có quy mô càng lớn, gánh nặng về thanh kiểm tra càng cao. Các DNNVV thông thường phải tiếp đón 1-2 cuộc thanh kiểm tra trong năm. Với các DN quy mô lớn, con số này là khoảng 3 cuộc. Ngoài ra, 25% DN siêu nhỏ, DN nhỏ và 30% DN vừa cho biết nội dung thanh kiểm tra bị trùng lặp…

Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI cho biết, qua các cuộc điều tra, VCCI có nhiều thông tin về chi phí không chính thức của DN chủ yếu liên quan đến các thủ tục kinh doanh có điều kiện và hầu hết DN cho biết họ phải mất phí “bôi trơn”. Một số “gánh nặng” phí khiến DN Việt khó cạnh tranh, bao gồm: mức thuế cao so với khu vực, chi phí liên quan đến lao động như bảo hiểm xã hội, các khoản đóng góp khác liên quan người lao động; chi phí giao thông và các khoản lệ phí khác…Thuế, phí hiện nay chiếm khoảng 40% tổng lợi nhuận của DN, là mức cao so với khu vực.

Theo ông Lê Mạnh Hà, Nghị quyết 35 của Chính phủ với 10 nguyên tắc, nổi bật là việc lần đầu tiên, DN tư nhân được xác định là động lực phát triển kinh tế; Không hình sự hóa các quan hệ kinh tế; Thanh tra, kiểm tra 1 lần/năm. … sẽ giúp sự việc đáng tiếc như đã xảy ra tại quán cà phê “Xin chào” sẽ không xảy ra lần thứ 2.

Để giám sát việc thực hiện các kiến nghị của cộng đồng DN, các quy định đã nêu tại Nghị quyết 35, các địa phương, VCCI phải công khai kết quả giải quyết để DN nắm rõ tiến độ. Với những trường hợp tồn đọng cũng phải nêu rõ lý do. Đối với Bộ Thông tin truyền thông, sẽ thực hiện công khai phát hiện của báo chí về những hành vi tiêu cực, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của cộng đồng DN cũng như kết quả giải quyết vụ việc. Các Bộ, ngành, địa phương phải tăng cường giám sát để ngăn chặn các hành vi hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển DN sẽ thực hiện báo cáo, giao ban hàng quý, hàng tháng để Chính phủ nắm rõ tiến độ thực hiện và phương án xử lý.

Hương Ly