"Phí giao thông ảnh hưởng tới từng cân thịt, mớ rau"

Đời sống - Ngày đăng : 15:40, 27/05/2016

Theo thống kê của VCCI, các khoản phí không chính thức đang chiếm khoảng 40% lợi nhuận của doanh nghiệp (DN), trong khi có DN phản ánh bị kiểm tra hàng tuần.

Tại buổi họp báo thông tin chuyên đề về Nghị quyết hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, ông Lê Mạnh Hà, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) nêu thực trạng DN bị nhũng nhiễu.

“Kiểm tra một cách chính thức thì không có, nhưng theo phản ánh, họ đến DN thường xuyên, thậm chí hàng tuần”, ông Hà nói.

Thuế, phí không chính thức chiếm 40% lợi nhuận doanh nghiệp

Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, qua các cuộc điều tra, VCCI có nhiều thông tin về chi phí không chính thức của DN chủ yếu liên quan đến các thủ tục kinh doanh có điều kiện, và hầu hết DN cho biết họ phải mất phí “bôi trơn”.

Bà Hằng liệt kê một số gánh nặng phí khiến DN Việt khó cạnh tranh, bao gồm: mức thuế cao so với khu vực, chi phí liên quan đến lao động như bảo hiểm xã hội, các khoản đóng góp khác liên quan người lao động; chi phí giao thông và các khoản lệ phí khác…

Thuế phí cộng với sự chồng chéo, không minh bạch trong thanh kiểm tra sẽ đẩy DN khỏe thành DN yếu. Ảnh minh họa: Lê Quân


“Thuế, phí hiện nay chiếm khoảng 40% tổng lợi nhuận của DN, đó là mức cao so với khu vực”, bà Hằng khẳng định.

"Nếu thống kê của VCCI là đúng thì mức phí ấy là cao", ông Đặng Huy Đông – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận xét. Ông Đông nói thêm: “DN mất năng lực cạnh tranh ngay từ những chi phí thế này".

Ông đề nghị VCCI tiếp tục điều tra nghiên cứu. "Các khoản phí phải được tính toán và phải minh bạch các yếu tố cấu thành nên. DN và xã hội có quyền yêu cầu phải làm tường minh”, ông Đông nói.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư dẫn chứng, phí giao thông đang gây ảnh hưởng tới từng cân thịt, cân gạo, mớ rau…của bà con từ nông thôn ra thành phố.

“Tôi được biết ở quê tôi, cách Hà Nội 120 km thì củ đậu có giá 5.000 đồng/kg, nhưng vào thành phố có giá 50.000 đồng là do phí giao thông”, ông Đông cho biết.

Theo ông Đông, nguyên lý để cấu thành phí giao thông không chỉ dừng lại ở giá thành công trình, nó còn phụ thuộc vào lưu lượng giao thông – số người sử dụng dịch vụ đó.

“Tôi được biết có các camera tự đếm, và con số đó phải công khai ngay lập tức. Không được có vùng cấm ở đây vì nó ảnh hưởng tới từng người dân chứ không chỉ doanh nghiệp vận tải. Có DN khẳng định sẽ làm máy đếm xe không dừng tự động. Nhưng chúng ta cũng cần thận trọng với công nghệ, phần mềm này”, ông Đông nêu quan điểm.

Về các khoản đóng cho người lao động, ông Đông lưu ý, đừng quên lợi ích quan trọng nhất của người lao động là có công ăn việc làm. Nếu mức thu phí cho người lao động đẩy cao lên như thế, đồng nghĩa với việc DN phải chi thêm tiền và có thể họ không đầu tư nữa khiến người lao động mất đi cơ hội việc làm.

Phó Chủ nhiệm VPCP Lê Mạnh Hà đánh giá, các khoản thuế, phí không chính thức đang là một vấn đề nhức nhối và chúng ta phải có con số cụ thể.

“Đơn cử phí xã hội hóa – kêu gọi DN đóng góp chắc chắn DN không dám từ chối, thậm chí có DN tự nguyện đóng góp vì sợ các cơ quan chức năng thanh kiểm tra tiếp. Điều đó làm méo mó môi trường kinh doanh, chúng ta gọi là nhóm lợi ích”, ông Hà nhận định.

Doanh nghiệp có quyền từ chối tiếp

Để DN dễ thở hơn, Chính phủ ban hành Nghị quyết hỗ trợ và phát triển đến năm 2020, với mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam có 1 triệu DN trong đó khu vực tư nhân đóng góp 48 – 49% GDP.

“Đó là tham vọng lớn vì hiện tại chúng ta mới chỉ có trên 500.000 DN”, ông Hà nói.

Ông Lê Mạnh Hà cho biết, các điểm mới của Nghị quyết gồm: DN tư nhân là động lực phát triển kinh tế (được nhắc tới 2 lần trong nghị quyết); Không hình sự hóa các quan hệ kinh tế (được nhắc tới 4 lần trong nghị quyết); Thanh tra, kiểm tra 1 lần/năm.

Phó chủ nhiệm VPCP khẳng định, nếu các tỉnh thành thực hiện tốt, đúng, tình hình sẽ khác hẳn, DN sẽ yên ổn hơn rất nhiều. Việc kiểm tra quá nhiều, thậm chí kiểm tra hàng tuần kìm chế sự phát triển.

Ngoài ra, theo Nghị quyết, VCCI thống kê các chi phí không chính thức của DN, đánh giá gánh nặng như thế nào với DN và đề xuất biện pháp giải quyết, UBND các tỉnh thành đối thoại với DN 2 lần một năm để cải thiện tình hình.

Các địa phương, VCCI công khai kết quả giải quyết kiến nghị của DN, Bộ Thông tin truyền thông công khai phát hiện của báo chí và kết quả giải quyết. Bộ Kế hoạch và đầu tư công khai chỉ số đánh giá mức độ phát triển DN.

Các Bộ, ngành, địa phương tăng cường giám sát để ngăn chặn các hành vi hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển DN sẽ thực hiện báo cáo, giao ban hàng quý, VCCI có báo cáo tháng, báo cáo quý.

Nói về việc thanh kiểm tra 1 năm một lần, ông Đặng Huy Đông cho hay, đặt ra quy định như thế để hạn chế hành vi lạm dụng quyền lực làm khó DN, chứ không phải để dung túng, bao che, thả lỏng việc vi phạm của DN.

“Chuyện DN vi phạm các quy định của pháp luật, đương nhiên phải xử lý. Chúng tôi quy định như thế dựa trên hàng nghìn kiến nghị của hiệp hội, DN, từ phản ánh thực tiễn chứ không phải tự dưng chúng tôi nghĩ ra. Ở nước ngoài người ta thường có đoàn kiểm tra liên ngành”, ông Đông nói.

Trong khi đó, ông Lê Mạnh Hà cho rằng, nếu môi trường không lành mạnh DN khỏe cũng “chết”.

“Trước tiên, chúng ta hãy tin tưởng họ, một năm chỉ kiểm tra 1 lần thôi và không phải kiểm tra tất cả. Chúng ta chỉ khoanh vùng nhóm đối tượng có nguy cơ vi phạm cao để kiểm tra. Cơ quan nhà nước có nhiệm vụ phân loại và kiểm tra”, ông Hà thông tin.

Phó chủ nhiệm VPCP khẳng định, nếu phát hiện thanh tra quá 1 lần một năm, DN có quyền không tiếp, nhưng kiểm tra thì không cố định và thậm chí không cần có chương trình từ trước.

Về việc này, bà Phạm Thị Thu Hằng đề nghị các cơ quan khi thanh kiểm tra phải kế thừa kết quả của các đợt kiểm tra trước, tránh tình trạng kiểm tra cùng một nội dung, có nội dung trùng lặp.

Nghị quyết đưa ra 10 nguyên tắc trong đó chú trọng một số nguyên tắc chính: DN là đối tượng phục vụ, bình đẳng cho tất cả các DN, không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.

5 nhiệm vụ, giải pháp được giao cho các Bộ, ngành, địa phương gồm: Cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho DN; Tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ DN khởi nghiệm, đổi mới sáng tạo; Đảm bảo quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh cho DN; Giảm chi phí kinh doanh cho DN; Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của DN.

Theo Zing