Phân loại rác thải từ nguồn: 10 năm lại trở về con số 0
Đời sống - Ngày đăng : 07:50, 26/05/2016
Vì sao một dự án với rất nhiều ưu điểm, được áp dụng rộng rãi tại các nước phát triển như một "công nghệ của tương lai", góp phần rất lớn vào việc làm trong sạch môi trường sống nhưng khi triển khai ở Việt Nam lại sớm "chết yểu"?
Phân loại rác từ nguồn - thấy rõ hiệu quả!
Ngay từ năm 2006, Hà Nội thực hiện thí điểm Dự án (DA) phân loại rác tại nguồn (gọi tắt là Dự án 3R) do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ, phối hợp với Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) thực hiện. Mục tiêu của dự án nhằm làm giảm, tái chế và tái sử dụng rác thải hướng tới mục đích bảo vệ môi trường. Ngay từ các hộ dân, rác thải được phân thành 3 loại: Rác hữu cơ (hoa, rau, quả, thức ăn thừa…) đựng trong thùng rác màu xanh lá cây với rọ lọc chất lỏng; rác vô cơ (xương, cành cây, vỏ sò hến, sành sứ, vải, tã bỉm) đựng trong thùng rác màu da cam; rác tái chế (giấy, bìa, nhựa, kim loại) để dành hoặc bán cho người thu gom. Dự án mới được triển khai tại 4 phường trên địa bàn thành phố gồm: Phan Chu Trinh, Nguyễn Du, Thành Công, Láng Hạ với ước tính, tổng lượng rác giảm thiểu sau khi phân loại rác tại nguồn lên tới 4.680 tấn/năm.
Hiệu quả của DA này được đánh giá là tác động tích cực tới môi trường: Giảm 30% lượng rác đưa đi chôn lấp, giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí xử lý rác, kéo dài tuổi thọ các bãi chôn lấp. Thay vào đó, lượng rác được đem tới Nhà máy Chế biến phân hữu cơ Cầu Diễn để chế biến thành phân bón - một sản phẩm an toàn cho đất trồng và người sử dụng.
Theo kết quả từ các cuộc khảo sát của DA, sau khi thực hiện hệ thống phân loại rác tại nguồn, 82% người dân trên địa bàn phường Phan Chu Trinh và Nguyễn Du cho rằng, tình hình vệ sinh môi trường được cải thiện hơn rất nhiều. Hiệu quả môi trường đem lại đã tác động trực tiếp đến nhận thức của người dân về vấn đề quản lý chất thải. Họ thấy có trách nhiệm hơn với lượng rác của chính mình thải bỏ. Trong quy trình thu gom này, công nhân môi trường được cải thiện điều kiện làm việc, trở thành những người hướng dẫn, tuyên truyền viên quy trình phân loại rác 3R.
Tuy nhiên, khi DA thí điểm kết thúc vào năm 2009, đồng nghĩa với việc không còn nguồn kinh phí tài trợ từ JICA nữa thì các cụm từ phân loại rác, vô cơ, hữu cơ dường như ít được nói đến. Các điểm tập kết rác (ĐTKR) cũng thấy thiếu vắng thùng rác có màu sắc hoặc nếu có thùng màu xanh, vàng thì cũng đựng lẫn lộn các loại.
Sau 10 năm trở về con số 0?
Với hàng loạt ưu điểm vượt trội, nhưng điều nghịch lý là sau gần 10 năm tổ chức thí điểm triển khai, mô hình 3R ngày càng "thui chột". Bà Nguyễn Thị Thủy - KTT A2 Thành Công cho biết, thời gian đầu thí điểm triển khai Dự án 3R, người dân ai cũng hào hứng. Công ty MTĐT phối hợp cùng tổ dân phố tổ chức tuyên truyền, cử người đứng ngay tại điểm thu gom để hướng dẫn người dân phân loại và đổ rác đúng quy định… Mỗi gia đình được hỗ trợ hai thùng rác, màu xanh lá cây dùng đựng rác hữu cơ; màu cam đựng rác vô cơ để tiện cho việc phân loại ngay tại nhà.
Tuy nhiên, khi việc phân loại và đổ rác theo giờ đã đi vào nền nếp thì DA… kết thúc. Cũng từ đó, dù người dân vẫn thực hiện phân loại rác thải từ nhà theo thói quen, nhưng tất cả rác vô cơ - hữu cơ đều được công nhân thu gom đổ chung vào một chỗ. Được biết, khi DA kết thúc, Công ty MTĐT không đủ kinh phí để bố trí 2 xe chở 2 loại rác riêng. Mỗi xe thu gom phải chứa đủ khối lượng trước khi được chuyển đi xử lý. Từ đó, người dân chấm dứt thói quen phân loại rác thải tại nhà, tất cả rác sinh hoạt đều được đựng trong túi ni lông, đổ ra thùng rác.
Ông Bạch Quang Trung - Phó Chủ tịch UBND phường Láng Hạ (Đống Đa), cho biết: Việc phân loại rác 3R tại địa bàn gần như "thui chột" từ nhiều năm nay. Do dân số biến động cơ học, người đến người đi nhiều. Vừa tổ chức tuyên truyền vài đợt, người dân bắt đầu quen phân loại rác thì chuyển đi, người mới đến không biết gì lại đổ rác lẫn lộn. Quy trình thu gom rác 3R cũng thấy nhân viên môi trường vất vả hơn. Thay vì một lần kéo đẩy một thùng thu gom rác thì công nhân môi trường phải mất 2 lượt thu gom cho 2 thùng rác hữu cơ và vô cơ.
Theo lý giải của Công ty MTĐT Hà Nội, nguyên nhân chính khiến DA khó được nhân rộng là do nguồn kinh phí có hạn, DA chỉ dừng ở mức thí điểm gây khó khăn cho việc duy trì do hệ thống thu gom, vận chuyển không đồng bộ. Đặc điểm của Hà Nội là có nhiều ngõ nhỏ, phố nhỏ, không phù hợp với ĐTKR bằng thùng. Do lượng phương tiện vận chuyển rác hạn chế; việc phân loại rác thải lại chưa tổ chức đồng loạt ở tất cả các phường nên khi thu gom, xe tải phải đổ ghép khối lượng rác thải đã phân loại và chưa phân loại
để lấy đủ khối lượng vận chuyển. Mặt khác, trong điều kiện "tấc đất tấc vàng", hầu hết diện tích nhà của các gia đình tại Hà Nội thường nhỏ hẹp, việc để 2 thùng rác phân loại trong nhà khiến người dân không mấy mặn mà. Việc đặt các thùng rác lớn để tập kết phân loại tại khu dân cư cũng gặp nhiều khó khăn, cản trở, đặc biệt từ phía các hộ kinh doanh do không muốn bị ảnh hưởng. Thực tế còn thiếu cơ chế thực hiện phân loại rác tại nguồn, thành phố không có định mức, đơn giá hay các cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý cùng tham gia.
Trong mô hình phân loại rác thải 3R chỉ tập trung chủ yếu vào 3 loại rác thải gồm vô cơ, hữu cơ và tái chế, trong khi rác thải sinh hoạt còn có nhiều loại chất thải nguy hại khác lại chưa có phương thức xử lý… Không chỉ khó khăn trong phân loại và tổ chức thu gom, ngay cả khâu xử lý và tiêu thụ thành phẩm từ rác tái chế cũng không thuận lợi. Do thành phố không hỗ trợ kinh phí cho việc xử lý rác hữu cơ thành phân bón hữu cơ, hằng năm Công ty MTĐT luôn phải bù lỗ cho hoạt động sản xuất phân tại Nhà máy Xử lý rác Cầu Diễn. Bên cạnh đó, việc Bộ NN&PTNT ban hành Quyết định số 04/2007/QĐ-BNN ngày 19-1-2007 với nhiều quy định hạn chế trong việc tiêu thụ phân compost cũng là một nguyên nhân làm hạn chế việc sử dụng, tiêu thụ phân compost.
Bảo vệ môi trường không phải trách nhiệm của riêng ai. Sự thất bại của Dự án 3R là do thiếu tính bền vững trong chính sách, đầu tư cơ sở hạ tầng không đồng bộ khiến một DA hiệu quả trở nên "chết yểu". Trước tình trạng các bãi chôn lấp ngày càng bị thu hẹp, môi trường sống ngày càng ô nhiễm từ chính phương thức xả thải, thu gom và xử lý rác thải còn mang nặng tính thô sơ, hơn ai hết, người dân lại mong một DA xử lý rác thải tại nguồn sẽ được triển khai rộng rãi trong tương lai.