Vở opera “Lá đỏ”: Thấm đẫm tinh thần cách mạng và tình yêu cuộc sống
Xã hội - Ngày đăng : 07:40, 26/05/2016
Opera "Lá đỏ" là tác phẩm đặt hàng của Bộ VH-TT&DL từ cách đây 3 năm nhằm thực hiện Đề án của Chính phủ về "Khuyến khích sáng tác và công bố các tác phẩm VHNT có chất lượng cao về tư tưởng, nghệ thuật, phản ánh hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước giai đoạn 1930-1975". Opera hay nhạc kịch, vốn được kết tụ từ ca từ, nghệ thuật vocal, nhạc giao hưởng đến kịch, múa. Opera của Việt Nam mới chỉ có tác phẩm hoàn chỉnh trong những năm 60, 70 của thế kỷ trước, tiêu biểu là "Cô Sao" của nhạc sĩ Đỗ Nhuận.
40 năm qua, thể loại này vắng bóng, có chăng chỉ là dựng lại vở của nước ngoài. Vì thế, sự ra đời của một vở opera hoàn thiện với những nghệ sĩ, đơn vị nghệ thuật hàn lâm hàng đầu Việt Nam là dấu mốc lớn trong nền âm nhạc nước nhà. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân là người trực tiếp viết theo ý tưởng và kịch bản thơ của nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát. Hai tác giả đã cùng phối hợp triển khai với cảm hứng từ tứ thơ trong thi phẩm "Lá đỏ" của nhà thơ Nguyễn Đình Thi do nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc: "Gặp em trên cao lộng gió/Rừng Trường Sơn ào ào lá đỏ".
Suốt ba tháng qua, 150 nghệ sĩ đã nỗ lực dàn dựng với sự chỉ đạo của NSND Ngô Hoàng Quân - Tổng đạo diễn, NSND Anh Tú - đạo diễn sân khấu, nhạc trưởng Honna Tetsuji - chỉ huy dàn nhạc, NSND Phạm Anh Phương - biên đạo múa, NSƯT Đạt Tăng - thiết kế sân khấu, NSƯT Mạnh Chung - chỉ huy hợp xướng, Tuấn Anh - Thanh Sơn - Nguyễn Luận phụ trách sân khấu, cùng các nghệ sĩ biểu diễn của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam và Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam.
Vở opera dài hơn 2 tiếng, là câu chuyện về 8 nữ TNXP trên tuyến đường Trường Sơn khói lửa, trong một trận cứu hàng đã bất ngờ bị bom vùi lấp dưới hang sâu. Trong không gian chật hẹp trên tuyến đường huyết mạch thời chiến, bằng âm nhạc, diễn xuất và những lời hát của nghệ thuật đỉnh cao, tác phẩm đã đưa người xem bước vào cuộc sống của 8 nữ TNXP dù vất vả, cực nhọc nhưng rất trẻ trung, vui tươi và không kém phần lãng mạn.
Với họ, hằng ngày được khai mở đường vận chuyển vào chiến trường, được giao lưu hồn nhiên với những chiến sĩ trên đường hành quân, được sẻ chia tâm sự về gia đình, ấy là mãn nguyện. Dù bị kẹt trong hang sâu, họ vẫn không chùn bước, vẫn dạt dào hy vọng, kiên cường động viên nhau trụ lại cho đến phút giây hy sinh. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã sử dụng nhiều các điệu hò, điệu ví, giai điệu các bài hát quen thuộc của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, Vũ Trọng Hối, Văn Dung viết về Trường Sơn thời kháng chiến và đưa vào âm nhạc bác học. Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát thì sử dụng lời thoại và lời hát đậm chất thơ trên nền các thi phẩm của Phạm Tiến Duật, Nguyễn Đình Thi. Nhờ đó opera "Lá đỏ" thêm phần gần gũi, dễ đi vào lòng người.
Sân khấu được thiết kế đơn giản nhưng có chiều sâu, ánh sáng trở thành một "chỉ báo" của những biến đổi thời gian, phù hợp cảnh kịch. Hình ảnh những chiếc lá đỏ xuyên suốt tác phẩm, ẩn hiện qua từng lời ca, tiếng hát, hành động của nhân vật, đi tới tận phần kết với âm hưởng "Trường Sơn lộng gió, ào ào lá đỏ" đưa đến người xem những rung cảm mãnh liệt. Đó là rung cảm về lực lượng TNXP trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, dù gian lao, vất vả các chị vẫn như những chiếc lá đỏ cháy hết mình, cống hiến trọn vẹn tuổi xuân cho đất nước.
NSND Phạm Anh Phương chia sẻ, ta không có đạo diễn opera thực thụ, cũng không có nhà hát opera chuyên nghiệp. Tác phẩm "Lá đỏ" lần này là công trình tập thể nhọc nhằn và hào hứng. Như thế lại cho thấy một sự hợp tác tuyệt vời của các nghệ sĩ, để cống hiến cho âm nhạc một tác phẩm của nghệ thuật đỉnh cao thế giới đầy nhiệt huyết cách mạng và lòng yêu cuộc sống.