Để phong trào bảo vệ an ninh đi vào thực chất

Đời sống - Ngày đăng : 06:13, 26/05/2016

(HNM) - Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc những năm qua đã phát huy hiệu quả, tạo ra thế trận và sức mạnh góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn Thủ đô.

Công an xã Nhị Khê, huyện Thường Tín tuần tra giữ gìn an ninh trật tự. Ảnh: Bá Hoạt


Du khách đến Hà Nội đều rất ấn tượng với tình hình ANTT của Thủ đô. Theo đánh giá của Bộ Công an (CA), Hà Nội là địa phương có nhiều mô hình, điển hình xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Hiện trên địa bàn thành phố đang duy trì hơn 300 mô hình, chuyên đề và không ít mô hình được Cục Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ - Bộ CA chọn giới thiệu để các tỉnh, thành phố khác tham khảo, vận dụng. Tiêu biểu như chuyên đề "Phối hợp các đoàn thể quần chúng vận động nhân dân quản lý giáo dục thanh, thiếu niên chậm tiến vi phạm pháp luật" của phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng; chuyên đề "Lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng học tập và làm theo 6 điều Bác Hồ dạy CAND" của phường Yên Phụ, quận Tây Hồ; chuyên đề "Hộ tự phòng, số nhà tự quản" ở phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm; mô hình "Dòng họ tự quản" ở huyện Ba Vì. Riêng năm 2015, thành phố đã huy động được hơn 50.000 lượt quần chúng tham gia công tác tuần tra canh gác, giữ gìn ANTT tại 335 địa bàn giáp ranh phức tạp về ANTT, 100 địa bàn trọng điểm, 31 tuyến phức tạp về hình sự, 29 điểm phức tạp về ma túy. Các ban, ngành, đoàn thể đã giúp đỡ hơn 6.200 người lầm lỗi tiến bộ…

Tuy nhiên, bên cạnh những "điểm sáng", vẫn còn những hạn chế ở một số địa phương khiến hiệu quả chưa đồng đều. Đại tá Đặng Văn Vượng, Trưởng phòng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ - CATP cho biết, trong phong trào, nhận thức của một số chính quyền cơ sở, cơ quan, ban, ngành chưa thực sự toàn diện. Quá trình triển khai thực hiện phong trào ở một số đơn vị còn mang tính hình thức nên chất lượng chưa cao, chưa phát huy cao độ tính tự giác, tích cực hưởng ứng của quần chúng nhân dân, vai trò của gia đình, nhà trường, đoàn thể trong bảo đảm ANTT ở cơ sở. Từ đó, có nơi còn gia tăng phạm pháp hình sự, nhất là ở ngoại thành. Việc nắm và dự báo tình hình liên quan đến an ninh nông thôn, tôn giáo, truyền thông còn chưa đầy đủ, kịp thời. Về khách quan, ngay lực lượng cựu chiến binh (CCB đã có nhiều đóng góp tích cực, hiệu quả với phong trào nhưng theo Trưởng ban Tuyên giáo Hội CCB TP Hà Nội Vũ Hữu Dũng, trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, đa phần hội viên CCB do tuổi cao, sức yếu nên hạn chế trong tham gia phong trào. Hà Nội có 250.000 hội viên CCB thì có tới 1.400 CCB thời chống Pháp và 180.000 thời chống Mỹ. Hội viên trẻ chưa dành nhiều thời gian cho công tác xã hội do còn là trụ cột lao động của gia đình…

Vì vậy, để nâng cao hiệu quả của phong trào theo hướng có chiều sâu và bền vững, đòi hỏi bắt buộc là tiếp tục đổi mới. Trước tiên là yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động các tầng lớp nhân dân của Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm và Phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ thành phố trong thời gian tới. Nhận thức, ý thức được nội hàm, tác dụng của phong trào, quyền và nghĩa vụ công dân sẽ giúp thế trận an ninh nhân dân đi vào chiều sâu. Đại tá Đặng Văn Vượng cho biết thêm, giải pháp để nâng cao hiệu quả tuyên truyền là củng cố, kiện toàn lực lượng nòng cốt, nêu cao vai trò trách nhiệm cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu đơn vị. Chủ tịch UBND quận Đống Đa Nguyễn Song Hào cho rằng, cần quan tâm củng cố và bồi dưỡng nghiệp vụ, trang bị phương tiện cho lực lượng bảo vệ dân phố, bảo vệ cơ quan doanh nghiệp. Trưởng ban Tuyên giáo Hội CCB thành phố Vũ Hữu Dũng cũng đề xuất, cần tăng cường vận động nhân dân chủ động, tự giác tham gia phong trào, gắn với khen thưởng, khích lệ kịp thời… 

Thành Tâm