"Nếu tính nhẩm, chỉ 1 phút có thể chỉ ra 30 ngành hàng bị làm giả"
Kinh tế - Ngày đăng : 16:11, 25/05/2016
Đó là thực tế được ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu nêu ra tại "Hội thảo: Chống hàng giả, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và vai trò doanh nghiệp," do Báo Công Thương phối hợp với Cục Quản lý thị trường tổ chức sáng nay (25/5), tại Hà Nội.
Theo nhận định của ông Bảo, tình hình hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ diễn ra rất phức tạp, bao gồm tất cả các lĩnh vực, từ lương thực, thực phẩm, đồ điện tử, điện lạnh, nước giải khát, bia rượu, thuốc bảo vệ thực phẩm, mỹ phẩm, thậm chí tôn mạ, sắt thép đều có hàng giả...
Lực lượng Quản lý thị trường giới thiệu hàng giả, hàng thật. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+) |
Mặc dù đồng tình về sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng như Công an, Quản lý thị trường và Thanh tra chuyên ngành nhưng theo lãnh đạo Hiệp hội này thì khó có thể giải quyết triệt để vấn nạn trên nếu không có giải pháp căn cơ hơn.
Nguyên nhân theo ông Bảo là do việc áp dụng Luật Sở hữu trí tuệ còn nhiều vướng mắc, thậm chí để đọc và hiểu cũng đã là rất khó, do vậy, để theo đúng yêu cầu của Luật Sở hữu trí tuệ thì bản thân người làm đã khó chưa kể là người dân.
"Một đơn đăng ký sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp mất cả năm trời chưa xong trong khi tháng này phải nhãn này còn tháng tới thì nhãn khác, mẫu khác", ông Bảo nêu ví dụ.
Cùng quan điểm trên, Đại tá Nguyễn Công Trực, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an) cho biết, Bộ luật hình sự có các tội về hàng giả nhưng chưa có định nghĩa chính thống về hàng giả để làm căn cứ xử lý hình sự đối với loại tội phạm này.
Mặt khác, các văn bản quy định về sở hữu trí tuệ còn mang nặng tính nguyên tắc chung, chưa đầy đủ và thiếu tính cụ thể, chi tiết. Một số nội dung còn thiếu, chưa đáp ứng được đòi hỏi thực tiễn cũng như phù hợp với quy định chuẩn mực quốc tế...
"Các bộ, ngành hãy vào cuộc và bắt đầu từ việc xây dựng pháp luật để các cơ quan chống hàng giả có thể đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm này," Đại tá Nguyễn Công Trực cho hay.
Theo thống kê của Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, trong 4 tháng đầu năm, lực lượng này đã kiểm tra 1.556 vụ kiểm tra và xử lý hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ với số tiền phạt hành chính gần 12,7 tỷ đồng.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đang phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+) |
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Công thương, hiệu quả trong công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại mới chỉ dừng ở phần ngọn mà chưa có những giải pháp mang tính hiệu quả lâu dài.
Thẳng thắn nêu ra những tồn tại trên, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, phần lớn các lực lượng chức năng mới chỉ tiếp xúc với những người làm thuê, từ biên giới đến nơi tiêu thụ và đây chưa phải những đối tượng chính, trong khi chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là phải tập trung đánh vào các đầu nậu.
Nhấn mạnh đến vai trò của Ban chỉ đạo 389 các ngành và địa phương trong việc đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại, nhưng Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng đề nghị có sự phối hợp tốt giữa các bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là vai trò của địa phương trong việc kiểm tra, kiểm soát thị trường, bởi đây sẽ là yếu tố quyết định đến hiệu quả chống buôn lậu và hàng giả.
Thứ trưởng cũng đề nghị các doanh nghiệp vào cuộc tích cực hơn nữa, đồng thời chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc cung cấp thông tin về hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.
"Là nạn nhân của hành vi buôn lậu, gian lận thương mại nhưng để căn cơ hơn thì doanh nghiệp cần phải đầu tư bải bản và cung cấp thông tin nhiều hơn cho các cơ quan chức năng", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải lưu ý./.