Hướng đi nào cho hệ thống bảo tàng tư nhân?
Văn hóa - Ngày đăng : 07:31, 25/05/2016
Ông Lâm Văn Bảng giới thiệu về bảo tàng Các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày của mình. Ảnh: Khánh Huy |
Kênh lưu giữ, quảng bá lịch sử, văn hóa
Tương tự như bảo tàng công lập, việc thành lập BTTN là nhu cầu, đòi hỏi tất yếu khách quan để những di vật, cổ vật, hiện vật giá trị có thể đến gần hơn với công chúng. Sau nhiều năm rong ruổi từ Bắc vào Nam sưu tầm kỷ vật chiến tranh, ông Lâm Văn Bảng (thôn Nam Quất, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên) có được rất nhiều kỷ vật quý. Tri ân đồng đội, ông mang những kỷ vật, hiện vật sưu tầm được trưng bày trong căn phòng nhỏ bé với tên gọi "Phòng truyền thống chiến sĩ cách mạng bị bắt tù đày" và mở cửa đón tiếp tất cả những ai quan tâm. Thấy hiệu quả thiết thực, năm 2006, tỉnh Hà Tây (cũ) quyết định "nâng cấp" phòng truyền thống của gia đình ông Lâm Văn Bảng thành bảo tàng Các chiến sĩ cách mạng bị bắt tù đày. Từ đó đến nay, mỗi ngày bảo tàng "ông Bảng" đón hàng chục lượt khách tham quan, có thời điểm lên đến hàng trăm lượt.
Xuất phát từ mong muốn lưu giữ không gian văn hóa Việt vùng Đồng bằng Bắc Bộ, năm 2001, họa sĩ Thành Chương (con trai cố nhà văn Kim Lân) đã dùng hết vốn liếng sau nhiều năm lao động nghệ thuật để xây dựng Việt phủ Thành Chương tại thôn Hò Kèo Cà, xã Hiền Ninh (Sóc Sơn). Dù mục tiêu ban đầu không phải là đón khách tham quan, nhưng ngay trong quá trình xây dựng, du khách trong và ngoài nước đã tìm đến Việt phủ Thành Chương thưởng ngoạn khiến cho công trình kiến trúc đặc biệt này hoạt động như mô hình BTTN nhiều năm nay. Các công trình mang đậm dấu ấn văn hóa Việt như nhà rối nước, nhà sàn dân tộc, nhà tường vân, giếng đá thời Trần… cùng hàng nghìn cổ vật, linh vật thuần Việt được giới thiệu tại Việt phủ Thành Chương hiện nay có sức hấp dẫn đặc biệt với du khách. Theo cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Raymond Burghard, "Việt phủ Thành Chương là sự bổ sung khác biệt, làm đầy đủ thêm những địa chỉ du lịch văn hóa nổi bật của Thăng Long - Hà Nội".
Đau đáu với khối di sản của người cha nổi tiếng Nguyễn Văn Huyên để lại, PGS.TS Nguyễn Văn Huy đã thành lập BTTN mang tên Nguyễn Văn Huyên tại thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức vào cuối năm 2014. Nhờ đó, công chúng có cơ hội tiếp cận, tìm hiểu nguồn tư liệu khoa học, lịch sử, xã hội khổng lồ do GS Nguyễn Văn Huyên để lại. Ngoài ra, Hà Nội còn có nhiều BTTN khác như bảo tàng tranh của họa sĩ Sỹ Tốt và gia đình tại xã Cổ Đô, huyện Ba Vì; bảo tàng Phan Thị Ngọc Mỹ tại xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai; bảo tàng kỷ vật chiến tranh của ông Nguyễn Mạnh Hiệp tại đường An Dương Vương, quận Tây Hồ; bảo tàng Radio, bảo tàng Nghệ thuật tâm hồn Việt tại xã Bát Tràng (Gia Lâm)… "Đối tượng và phạm vi hoạt động của hệ thống BTTN ở Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung khá phong phú, hấp dẫn, có sức hút công chúng. Đáng ghi nhận hơn, hệ thống BTTN hoạt động đã góp phần hạn chế tình trạng "chảy máu" cổ vật ra nước ngoài, đồng thời tạo cơ hội để công chúng được tiếp cận với một bộ phận di sản văn hóa quý giá", PGS.TS Phạm Mai Hùng (Hội Di sản văn hóa Việt Nam) đánh giá.
Cần sự chung tay của cộng đồng
Con số gần 30 BTTN đang hoạt động trên phạm vi cả nước hiện nay không phải là nhiều. Đa số các BTTN chưa có bộ máy hoàn chỉnh, hoạt động trong hoàn cảnh "thiếu trước, hụt sau" nên khó có thể phát huy giá trị một cách toàn diện, khó bảo đảm sự bền vững.
Ngay khu Việt phủ Thành Chương có kiến trúc đẹp là thế, hoạt động sôi nổi như thế cũng đang đối mặt với nguy cơ thiếu nguồn kinh phí duy tu, bảo dưỡng và vận hành. "Dù họa sĩ Thành Chương dành trọn đam mê, nhiệt huyết, dù tiềm lực kinh tế từng khá vững vàng, nhưng sau một thời gian dài đơn thương độc mã trên hành trình giữ gìn không gian văn hóa Việt, hiện họa sĩ đang gặp không ít khó khăn về kinh phí, phương thức để duy trì hoạt động khu Việt phủ Thành Chương. Là những người bạn lâu năm với anh, tôi rất mong những người yêu di sản chung tay cùng Thành Chương giữ gìn Việt phủ", ca sĩ Mỹ Linh trăn trở.
Không chỉ khó khăn về kinh phí, bảo tàng Các chiến sĩ cách mạng bị bắt tù đày, bảo tàng kỷ vật chiến tranh, bảo tàng Nguyễn Văn Huyên… còn thiếu không gian trưng bày. "Mong muốn lớn nhất của tôi là có đủ không gian trưng bày cho hơn 2.000 hiện vật để bất cứ ai đến thăm đều cảm nhận được những tháng ngày gian khổ của những cựu tù Côn Đảo, Phú Quốc, từ đó thêm yêu truyền thống, trân trọng hòa bình. Tiếc rằng, cá nhân tôi lực bất tòng tâm", ông Lâm Văn Bảng nói. Bên cạnh đó, trình độ chuyên môn về bảo tàng của người trực tiếp bảo quản, trông coi có vai trò quyết định đối với sự tồn tại, phát triển của mô hình này, nhưng ở các BTTN hiện nay, hầu hết người trông coi không được đào tạo chuyên môn...
Trước những khó khăn đó, một trong những giải pháp được giới nghiên cứu chỉ ra là tìm cách liên kết BTTN với hệ thống bảo tàng công lập và du lịch. Nguồn kinh phí thu được từ hoạt động này dùng để tái đầu tư cho BTTN, nuôi dưỡng bộ máy hoạt động. Giải pháp này cũng chưa thực sự khả quan, vì trong bối cảnh hiện nay nhiều bảo tàng công lập còn đìu hiu, vắng khách thì rõ là khó có thể cùng liên kết. Để khắc phục, PGS.TS Nguyễn Văn Huy, chuyên gia đầu ngành về bảo tàng cho rằng, không có cách nào tốt hơn là bản thân các BTTN "tự thân vận động" theo hướng nâng cao chất lượng nội dung trưng bày, không sa đà vào quy mô và mức độ hoành tráng, vì trên thế giới đã có những bảo tàng quy mô nhỏ vẫn rất hút khách. Dưới góc nhìn khác, PGS.TS Đặng Văn Bài (Hội Di sản văn hóa Việt Nam) đồng tình với quan điểm cần có sự chung tay, hỗ trợ từ nhiều phía, đặc biệt là cộng đồng theo đề xuất của những người làm BTTN hiện nay.