“Biệt đội Báo đen” phiên bản kịch nói
Văn hóa - Ngày đăng : 07:27, 25/05/2016
Hơn hai mươi năm kể từ khi ra đời dưới ngòi bút của Chu Lai, kịch bản "Sắc đỏ chôm chôm" vẫn nguyên vẹn sức nóng để các đạo diễn hào hứng sáng tạo. Gần đây nhất, vào tháng 4-2015, NSND Lê Hùng đã dàn dựng cho Nhà hát Chèo Quân đội, lấy tên vở là "Người chiến sĩ năm xưa". Khi ấy, rất nhiều người chờ đợi ở hai cá tính gai góc Chu Lai và Lê Hùng một sự bùng nổ, thế nhưng tác phẩm lại như một bản anh hùng ca nhẹ nhàng, nhuần nhị. Lần này, qua bàn tay NSND Anh Tú với sức bật từ những vở diễn gây tiếng vang gần đây như "Tai biến", "Hamlet", câu chuyện về một đơn vị đặc nhiệm mang tên biệt đội "Báo đen" trở nên dữ dội, bi tráng và hút người xem hơn nhiều.
Vẫn là cuộc chiến giữa cái đẹp và cái xấu, giữa cái chung và cái riêng, giữa người ngay và kẻ gian. Nhân vật chính Sáu Thành - một chiến sĩ mưu trí, dũng cảm nhưng bị cho là gàn dở khi không ít lần làm trái phương án tác chiến của cấp trên, dù lập công nhưng vẫn là vô kỷ luật. Đối lập với anh là Bảy Tân - "con sâu rừng" hèn nhát, cơ hội, nịnh trên, lừa dưới để đạt lợi. Nhiều nhân vật điển hình khác cũng tạo cảm hứng cho các đạo diễn đưa đẩy với mức độ khác nhau như Hai Lục bình - Đội trưởng biệt đội "Báo đen", dù thiếu tài mưu lược nhưng ngay thẳng, dám chịu trách nhiệm; Út Vân - cô y tá nhí nhảnh, trọng tình nghĩa sau này làm cán bộ nguồn rất lưu luyến đồng đội; Diệu Hương bao dung, sẵn lòng dang tay xoa dịu nỗi đau của chiến sĩ.
Suốt cuộc đời viết về người lính, ngòi bút của Chu Lai vẫn được đánh giá là đa dạng, nhiều chiều, chạm tới những góc khuất hiếm ai động tới. Vì vậy, NSND Anh Tú khi dàn dựng vở này hẳn cũng chịu nhiều áp lực. Nhưng xem rồi thấy anh đã làm được nhiều khác biệt so với các bản dựng sân khấu trước, lại đạt được độ tới của kịch. Anh Tú đẩy những cao trào lên mãnh liệt hơn, nhưng nút gỡ lại bình dị và rất đời. Như phía sau những việc làm hạ thấp Sáu Thành hay vu oan cho Diệu Hương là gián điệp của Bảy Tân là sự giằng xé của một gã đàn ông muốn khẳng định mình. Vì thế, 20 năm sau, Phó Chủ tịch tỉnh Bảy Tân ấy vẫn đối đầu với Sáu Thành khi cố tình phá nông trường cựu chiến binh để xây khu công nghiệp, chủ yếu do đố kỵ với người đồng đội xưa. Đạo diễn cũng rất chịu sử dụng đạo cụ là bục bệ bổ trợ cho những màn diễn thiên về hình thể và nội tâm. Những thêm thắt gia vị tình yêu cho một vở kịch về đề tài chiến tranh cách mạng cũng được lồng vào khéo léo và tinh tế. Chỉ một vần thơ trong bài "Hoa cúc xanh" của nữ sĩ Xuân Quỳnh được cất lên bởi Út Vân: "Em đi tìm anh suốt một thời con gái/Anh lại đi tìm anh suốt một thời trận mạc…", cũng đã phác được nét tính cách chiến sĩ Hà thành - hào hoa và dám đi đến tận cùng.
Ở "Biệt đội Báo đen" khá bất ngờ khi vai chính Sáu Thành được giao cho Xuân Bắc. Dù đã đóng chính kịch nhưng thường vào vai phản diện, thế nên khi anh hóa thân vào Sáu Thành thật bất ngờ khi khán giả có thể rơi nước mắt cùng anh. Những đau đớn, giằng xé khi nhìn đồng đội lần lượt ra đi chỉ vì những tính toán sai lầm hay nỗi cô độc khi đương đầu với những thách thức... Xuân Bắc đều diễn tới. Hơn nữa, duyên hài của anh vẫn có "đất", ít nhiều tạo sự ngắt nghỉ nhẹ nhõm giữa những căng thẳng. Cũng nhờ sự nhập vai tốt của Xuân Bắc mà Dũng Nam trong vai Bảy Tân đã bộc lộ được hết những điểm khó của nhân vật nhiều lớp lang này.
Vở diễn kết thúc mở bằng đe dọa không khoan nhượng của Bảy Tân, khác với hầu hết những bản dựng đã từng lên sân khấu. Điều đó thể hiện trăn trở của ê kíp thực hiện, và cũng muốn để khán giả xác định rằng cuộc chiến với cái xấu, cái ác chưa thể dừng lại.