Những thiên đường bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi du lịch

Du lịch - Ngày đăng : 10:48, 23/05/2016

(HNMO) - Du lịch là một con dao hai lưỡi. Ngành công nghiệp này đem lại nhiều lợi ích về kinh tế cho người dân địa phương, nhưng đồng thời cũng kéo theo những khó khăn trong việc kiểm soát số lượng du khách và bảo tồn vẻ đẹp của môi trường tự nhiên.


Mới đây, chính quyền Thái Lan đã xem xét việc đóng cửa hòn đảo Koh Tachai trước tác động tiêu cực từ các hoạt động khai thác du lịch tới tài nguyên và môi trường tại đây.

Koh Tachai không phải là nơi duy nhất rơi vào tình trạng đó. Rất nhiều địa điểm khác trên thế giới – vốn được ca ngợi là những thiên đường du lịch – đang đứng trước nguy cơ không thể cứu vãn được.

Quần đảo Phi Phi, Thái Lan


Kể từ khi được chọn làm nơi thực hiện bộ phim Hollywood nổi tiếng The Beach (Hòn đảo thiên đường) – quần đảo nhiệt đới này ngày càng chịu nhiều sức ép khi số lượng du khách tại đây vượt ngoài tầm kiểm soát.

Theo ước tính của Ủy ban Du lịch Thái Lan, Koh Phi Phi và các hòn đảo lân cận đón hơn 1,4 triệu lượt khách mỗi năm. Các rạn san hô dần bị phá hủy do hoạt động neo đậu tàu thuyền và lặn biển khám phá. Bên cạnh đó, môi trường nước cũng bị ô nhiễm nghiêm trọng từ việc đổ chất thải chưa qua xử lý ra biển.

Đảo Cozumel, Mexico


Nổi tiếng với những bãi biển và rạn san hô nhiệt đới tuyệt đẹp, đảo Cozumel nằm ngoài khơi Mexico từng là một địa điểm vô cùng thanh bình cho tới khi các bến cảng được xây dựng để phục vụ hoạt động du lịch. Ngày nay, đây cũng là điểm đến nhiều tàu du lịch thứ hai trên thế giới.

Du lịch càng phát triển, môi trường tự nhiên tại đây càng bị ảnh hưởng. Tàu thuyền khiến nước biển ấm dần lên và ô nhiễm hơn, phá hủy các rạn san hô mỏng manh.

Đảo Bali, Indonesia


Diện tích rừng tại đảo Bali của Indonesia đã bị suy giảm nghiêm trọng chỉ trong một thời gian ngắn do việc mở đường phục vụ phát triển du lịch và tốc độ gia tăng dân số chóng mặt.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng không tương xứng với sự phát triển của du lịch khiến nơi đây còn phải đối mặt với những khó khăn trong việc xử lý rác thải.

Quần đảo Galapgos, Ecuador


Dù không phải là một địa điểm du lịch với quy mô lớn nhưng mỗi năm, quần đảo Galapgos cũng đón hàng ngàn du khách tới để trải nghiệm sự đa dạng sinh học và môi trường nguyên sơ tại đây.

Tuy nhiên, hệ sinh thái tại quần đảo này lại vô cùng nhạy cảm với những biến đổi và tác động từ bên ngoài. Galapgos đã được đưa vào danh sách những di sản thiên nhiên cần được bảo tồn của UNESCO.

Đỉnh Everest, Nepal


Khi Edmund Hillary và Tenzing Norgay đặt chân tới đỉnh Everest vào năm 1953, cả thế giới tôn vinh họ như những vị anh hùng. Kể từ đó, việc chinh phục Everest trở thành mục tiêu không thể bỏ qua của những người ưa thích mạo hiểm. Hàng chục ngàn nhà leo núi thu xếp hành trang lên đường, và gần 7.000 người đạt được đích đến cuối cùng. Tuy nhiên, lượng người đổ về đây mỗi năm gây ra ảnh hưởng không nhỏ đến nơi này.

Trên hành trình của mình, các nhà leo núi bỏ lại phía sau nhiều thiết bị, thực phẩm, vỏ nhựa, lon nhôm, lều bạt... Theo ước tính, có khoảng 26.000kg rác – tương đương với 20 chiếc ô tô gia đình – nằm rải rác trên ngọn núi.

Mai Chi