Các làng Diễn

Xã hội - Ngày đăng : 16:47, 27/10/2004

Từ trung tâm nội thành, theo Quốc lộ 32 khoảng 10 km, có một cụm làng ở phía Tây bờ sông Nhuệ cùng có tên Nôm là “Diễn”, nay thuộc hai xã Phú Diễn (gồm bốn làng : Phú Diễn, Đức Diễn, Kiều Mai, Đình Quán) và Minh Khai (gồm ba làng : Ngoạ Long, Nguyên Xá, Kiều Trì hay Vân Trì), huyện Từ Liêm.

Từ trung tâm nội thành, theo Quốc lộ 32 khoảng 10 km, có một cụm làng ở phía Tây bờ sông Nhuệ cùng có tên Nôm là “Diễn”, nay thuộc hai xã Phú Diễn (gồm bốn làng : Phú Diễn, Đức Diễn, Kiều Mai, Đình Quán) và Minh Khai (gồm ba làng : Ngoạ Long, Nguyên Xá, Kiều Trì hay Vân Trì), huyện Từ Liêm.

Đầu thế kỷ XIX, bảy làng Diễn thuộc ba xã : Phú Diễn, Đức Diễn và Phu Diễn, tổng Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây. Vì thế, dân gian có câu “Từ Liêm tam Diễn : Phú, Phù, Phu”. Xã Phú Diễn chỉ gồm làng Phú Diễn; xã Phu Diễn gồm làng Phu Diễn; năm làng còn lại thuộc xã Phù Diễn, đến đầu thế kỷ XX, làng Kiều Trì tách ra thành xã riêng và đổi thành Vân Trì, bốn làng còn lại vẫn nằm trong xã Phù Diễn, sau đổi thành Phúc Diễn.

Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), các làng Diễn thuộc huyện Từ Liêm được cắt về phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội; từ tháng 7 - 1888 trở đi thuộc tỉnh Cầu Đơ (năm 1904 đổi làm tỉnh Hà Đông).

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, các làng Diễn thuộc huyện Hoài Đức (năm 1948 nhập với Đan Phượng thành huyện Liên Bắc), tỉnh Hà Đông. Hoà bình lập lại, lại thuộc huyện Hoài Đức, từ năm 1961, lập lại huyện Từ Liêm thuộc thành phố Hà Nội. Năm 1976, sáp nhập hai xã Phú Diễn và Minh Khai thành xã Phú Minh, đến năm 1986 lại tách ra thành hai xã.

Dưới đây lần lượt giới thiệu bảy làng Diễn.

Làng ngọa long

“Ngọa Long” nghĩa là “rồng nằm”, ý chỉ làng nằm trên thứ đất tốt. Theo gia phả một số dòng họ trong làng thì vào thời Lê Thánh Tông (1460 - 1497), làng là một ấp, do các họ Nguyễn Huy, Phạm và Nguyễn Công lập ra.

Ngọa Long là làng có dân số ít nhất trong bảy làng Diễn, trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 chỉ có 24 hộ, nên là luôn là một thôn, lúc đầu thuộc xã Phù Diễn, sau đổi thành xã Phúc Diễn. Tuy dân số ít, nhưng làng có đến 100 mẫu ruộng, song đều nằm trong tay các địa chủ ở các làng bên. Vì thế, xưa kia, đa số dân làng không sống bằng nông nghiệp mà bằng nghề đồng nát, làm ngõa. Họ Nguyễn Huy gốc ở Sài Sơn (huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây) ra lập cư rất giỏi nghề này. Đời thứ sáu dòng họ này có ông Nguyễn Huy Thạch (hay Nguyễn Đa Thạch) vào Thăng Long xây cung điện cho Vua Lê Hiển Tông (1707 - 1786), được Vua phong làm Thủ mác (người đứng đầu về sự mẫu mực trong nghề).

Tuy là làng nhỏ nhưng Ngọa Long cũng có đủ đình chùa, văn chỉ. Đình tuy nhỏ nhưng có nhà Phương đình dựng năm Khải Định thứ ba (1918) rất đẹp. đình cũng thờ thần Đồng cổ. Chùa làng có tên là chùa Bồ Đề, vào cuối thế kỷ XIX từng là nơi đóng của bộ chỉ huy quân Cờ Đen Lưu Vĩnh Phúc. Từ đây, quân Cờ Đen do Lưu Vĩnh Phúc chỉ huy đã hành quân vào, phối hợp với quân của triều đình Huế phục kích quân Pháp, giết chết hai tướng giặc là Gác ni ê và Ri vi e trong hai trận ở Cầu Giấy năm 1873 và 1882; đồng thời ngăn chặn quân Pháp tấn công lên Sơn Tây (năm 1883). Cả đình và chùa đã được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa.

Làng Ngọa Long kết nghĩa với làng Đình Quán kề bên. Mỗi năm, vào dịp hội làng, hai làng rước chung từ Đình Quán sang Ngoạ Long (ngày mồng 10 tháng Hai), hôm sau lại rước chung về Đình Quán, tế lễ xong cùng nhau thụ lộc và nghe ca hát. Trong dịp hội cũng như vào dịp Tết Nguyên đán, dân làng thường làm bánh tẻ bằng bột gạo dự, nhân vừng và thịt, gói bằng lá dong luộc kỹ. Bánh chỉ to hơn ngón tay cái một chút nhưng rất thơm và ngon, được coi là đặc sản của huyện Từ Liêm.

TS. Bùi Xuân Đính

LANHUONG