Chuyện từ khu phố “đường tranh gốm”

Giới trẻ - Ngày đăng : 07:36, 22/05/2016

(HNM) - Với suy nghĩ ban đầu là ngăn chặn nạn quảng cáo, rao vặt, các hộ dân thuộc Tổ dân cư số 28 (Duy Tân, Cầu Giấy) đã

Đoạn đường tranh gốm dài 200m tại Tổ dân phố số 28 phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy. Ảnh: Triệu Quang


Từ "thuốc đặc trị" quảng cáo, rao vặt...

Giống với nhiều phố khác ở Hà Nội, trước khi có sự xuất hiện của những bức tranh gốm, dãy tường chạy dài hơn 200m trước khu phố 18-4 thuộc Tổ dân cư số 28, lúc nào cũng trong tình trạng nham nhở, dày đặc quảng cáo, rao vặt. Nỗ lực xóa bỏ những thông tin vô tội vạ nhưng không xuể, cư dân khu phố quyết đầu tư công sức, tiền của ghép tranh gốm lên tường vừa để làm đẹp cảnh quan vừa ngăn nạn quảng cáo, rao vặt. Người đề xuất ý tưởng và đi đầu thực hiện là cô Vũ Thị Bắc (số nhà 37). Cô Bắc kể: "Dù rất lưu tâm trông coi, giữ gìn nhưng bức tường trước cửa nhà luôn xuất hiện những hình ảnh, chữ viết nhem nhuốc, cẩu thả.

Nào là khoan cắt bê tông, thông tắc bể phốt, gia sư sư phạm, thậm chí là rao bán thuốc trị hôi nách, táo bón… Không ai có thể bắc ghế ngồi cả ngày trông những người đi dán quảng cáo rao vặt nên nhiều lần, tổ dân phố vừa làm sạch bức tường vào buổi sáng thì đến tối người ta lại dán chằng chịt. Bóc tái bóc hồi, tôi nảy ra ý tưởng làm những bức tranh nổi bằng gốm nghệ thuật. Một bức tranh như thế sẽ hạn chế những người đi dán quảng cáo, rao vặt bôi bẩn lên tường, mà cảnh quan trước cửa nhà cũng sinh động, đẹp mắt hơn".

Nghĩ là làm, cô Bắc mau mắn tìm thợ ghép gốm, trình bày ý tưởng, chọn chủ đề thể hiện rồi tìm gặp các hộ dân trong khu "đánh tiếng" về dự định của mình, thuyết phục mọi người hưởng ứng. Cô Bắc tủm tỉm: "Tôi bảo với hàng xóm, làm đẹp cho bức tường không chỉ để ngăn sự vô ý thức của quảng cáo, rao vặt mà còn có thêm nhiều lợi ích khác. Mỗi bức tranh gốm sẽ là một câu chuyện truyền thống về cội nguồn, dân tộc nên mang ý nghĩa giáo dục rất lớn. Qua đây, trẻ nhỏ trong khu phố có cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với những hình ảnh di tích lịch sử, biểu tượng văn hóa của đất nước hay khung cảnh làng quê thơ mộng - điều không phải trẻ thành phố nào cũng có điều kiện tiếp cận. Thêm nữa, có cảnh quan đẹp, chính mình sẽ thấy thư thái, dễ chịu hơn, ý thức giữ gìn, bảo vệ sẽ tốt hơn; chưa kể khi không gian cư trú được cải thiện, nâng cấp, giá trị thương mại của khu nhà cũng được nâng cao. Tôi nói đơn giản vậy thôi nhưng mọi người đều cho là phải".

Những phân tích hợp tình, hợp lý cùng hiệu ứng đặc biệt từ bức tranh trước cửa nhà cô Bắc, một phong trào làm tranh gốm đã hình thành. Dọc phố 18-4, nhà nọ học nhà kia, chỉ trong vòng nửa năm, khu phố đã khoác lên mình tấm áo mới "khang trang, sạch đẹp và phong cách". Ông Đỗ Ngọc Sỹ (số nhà 34) cho biết: "Để phố đẹp như hiện nay, công đầu thuộc về cô Bắc, nhưng sau nữa cũng là nhờ người dân biết bảo nhau vì cộng đồng mà cùng chung tay góp sức. Không chỉ là đóng góp tiền của, ý thức vì cộng đồng còn thể hiện ở việc mọi người cùng nhau thống nhất chọn chủ đề, màu sắc chủ đạo, góp phần tăng hiệu ứng thẩm mỹ cho tác phẩm chung. Giả sử ai cũng vì cái tôi của mình, đòi hỏi này kia mà so đo thì kết quả sao được như bây giờ. Nhờ công trình gốm mà khu phố sáng đẹp hẳn lên. Ai đi qua cũng phải khen. Mỗi ngày qua đây, chúng tôi đều thấy vui và tự hào".

...đến những việc làm vì cộng đồng

Cô Vũ Thị Bắc giới thiệu ý tưởng làm bức tranh gốm.


"Đường tranh gốm" chỉ là một trong nhiều phần việc mà người dân khu phố 18-4 đã và đang làm vì chính cộng đồng nơi mình cư trú, trong đó có những việc tưởng khó thực hiện như "làm đường, đào cống thoát nước" hay việc nhỏ hằng ngày như "nhắc nhau quét dọn, bảo đảm vệ sinh chung". Bà Bùi Thị Sinh (Tổ phó Tổ dân phố 28) kể chuyện: "Từ năm 2014 trở về trước, lối đi lại của khu dân cư khá luộm thuộm, bẩn thỉu, hôi hám vì có con mương, vốn là cái cống lộ thiên, chạy dọc phố.

Sau này, khi trường học xây tường ngăn, người dân trong khu quyết định đóng góp tiền để làm đường cho khang trang hơn. Dân họp bàn, tính diện tích trước cửa mỗi nhà để lập dự trù kinh phí. Một, hai phần đất, chưa có người đến ở thì các cá nhân có điều kiện bỏ tiền ra đóng góp "hộ". Nhờ vậy, chỉ sau một vài tháng, phố đã có con đường mới khang trang. Chiều đến, thay vì phải trốn trong nhà tránh mùi cống rãnh, bụi đường như trước kia, người dân đã có thể bách bộ thư giãn hoặc trò chuyện, hỏi han nhau trước sân nhà. Có đường mới, ý thức gìn giữ vệ sinh môi trường, trật tự đô thị của chính bà con khu phố cũng được nâng lên rõ rệt".

Tiếp nối cảm hứng về nơi mình sinh sống, bà Bùi Thị Sinh bày tỏ: Từ những việc làm rất đỗi tự nhiên, đời thường như thế, người dân trong khu phố 18-4 đã góp phần vun đắp cho nơi cư trú, đồng thời tạo nên chất keo gắn kết cộng đồng. Khu phố này vốn có nền nếp, người dân đoàn kết, yêu thương nhau. Thêm vào đó, ý thức xây dựng, gìn giữ danh hiệu khu phố văn hóa, gia đình văn hóa luôn được nêu cao. Với cư dân nơi đây tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau là yếu tố hàng đầu, nếu thiếu ý thức vì tập thể, vì cộng đồng thì sẽ không xứng đáng là gia đình văn hóa...

Từ câu chuyện của bà con khu phố 18-4, chúng tôi nghĩ nếu tinh thần vì cộng đồng và những cách làm sáng tạo như vậy được nhân rộng ở nhiều khu dân cư khác, chắc hẳn Hà Nội sẽ sạch hơn, đẹp hơn mỗi ngày. 

Thanh Thủy