Cải thiện môi trường kinh doanh: Mục tiêu không có điểm dừng
Kinh tế - Ngày đăng : 06:57, 21/05/2016
Nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội, đang tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, rà soát các công đoạn liên quan đến cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, phục vụ DN; khuyến khích phong trào khởi nghiệp thông qua việc tổ chức những sự kiện thiết thực, như diễn đàn DN, hội nghị xúc tiến đầu tư hay đối thoại trực tiếp với DN…
Môi trường kinh doanh thông thoáng tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển. Ảnh: Huy Hùng |
Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ Việt Nam nhận định, DN dân doanh đang đuối sức trước sức cạnh tranh gia tăng trong hội nhập và đối diện nhiều thách thức, bất lợi. Đặc biệt, nhiều DN chưa tìm được hướng đi theo tiêu chí sáng tạo, trên cơ sở thực lực mà "quen" với cách hoạt động dựa vào quan hệ để hưởng những điều kiện thuận lợi hơn, từ đó thu về lợi nhuận, chủ yếu thông qua cơ hội tiếp cận đất đai, các gói thầu, hợp đồng, thông tin độc quyền, sự ưu đãi về vốn, giá… Đây là vấn đề không thể xem thường, khi các ưu đãi vô lý sẽ không được chấp nhận trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng cao.
Bên cạnh đó, DN cũng bộc lộ những điểm yếu cố hữu, chưa thể chuyển biến ngay, như thiếu vốn, công nghệ thấp, chất lượng lao động và năng lực quản lý yếu kém. Nhiều DN còn bức xúc trước sự chuyển biến chậm của cơ quan chức năng; đau đầu với "nạn" thanh tra liên tục, có khi chồng chéo về nội dung của các cơ quan quản lý chuyên ngành.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho biết, mặc dù đã có nhiều cải thiện, nhưng cơ quan quản lý cần nỗ lực hơn nữa, bám sát yêu cầu, nội dung của Nghị quyết 19/CP của Chính phủ về nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế để hỗ trợ DN hoạt động hiệu quả. Cần thấu hiểu rằng, Chính phủ đã xác định DN tư nhân là động lực của nền kinh tế, từ đó có cách ứng xử phù hợp, hướng tới môi trường hoạt động chuyên nghiệp. Nói cách khác, DN "khỏe" mới tạo ra sức sống, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Mặt khác, DN cũng nên chủ động kết nối với các cấp, cơ quan có thẩm quyền để làm tốt, phát huy quyền giám sát, tham vấn và gợi ý về việc thiết lập thể chế tiến bộ, vì DN.
Tại cuộc họp thường kỳ tháng 4 của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các bộ, ngành quyết tâm tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi nhất để DN hoạt động hiệu quả, bình đẳng. Những cản trở, vướng mắc, những quy định bất hợp lý sẽ được xóa bỏ hoàn toàn. Thủ tướng nhấn mạnh, cần rà soát tất cả văn bản dưới luật, kiên quyết xóa bỏ tình trạng giấy phép con, thái độ nhũng nhiễu, gây phiền hà, ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh của người dân, DN. Đặc biệt, nghiêm cấm tình trạng hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Cần có sự vào cuộc, phối hợp giữa các cấp, cơ quan, địa phương đến các hiệp hội ngành hàng cũng như từng DN và tất cả vì mục tiêu phục vụ DN. Thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng cam kết của các bộ trưởng tại sự kiện đối thoại với DN mới đây đã được cộng đồng DN đón nhận, đồng thuận cao.
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương nhấn mạnh, Chính phủ đã tỏ rõ quyết tâm và xác định DN dân doanh là động lực của nền kinh tế. Vấn đề là củng cố lòng tin, đưa ra cách ứng xử hợp lý trong thực thi các quy định, pháp luật nhằm tạo thuận lợi cho DN hoạt động. Ông Cung cũng cho rằng, việc theo sát tình hình, phát hiện ra những vấn đề nảy sinh để tư vấn, hướng dẫn người dân, DN thực hiện đúng quy định là điều tối quan trọng, thay vì chỉ xử phạt. Cần thay đổi tư duy theo hướng DN phải được coi như đối tác, chứ không chỉ là đối tượng quản lý của cơ quan công quyền.
Hội nghị "Hà Nội 2016 - Hợp tác đầu tư và Phát triển" (HNM) - Ngày 4-6, UBND TP Hà Nội sẽ tổ chức hội nghị "Hà Nội 2016 - Hợp tác đầu tư và Phát triển". Sự kiện sẽ thu hút khoảng 800 đại biểu, đại diện DN, nhà đầu tư trong và ngoài nước, các bộ, ngành trung ương và một số tỉnh, thành phố. Đây là hội nghị có quy mô lớn nhất, nhằm thực hiện Nghị quyết 19/2016/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016, 2017, định hướng đến năm 2020. Qua sự kiện, UBND TP Hà Nội gặp gỡ các DN, đại diện thương mại các tổ chức, đại sứ quán các nước để trao đổi thông tin, tham vấn, từ đó thành phố đưa ra giải pháp hỗ trợ DN, đẩy mạnh cải cách và thu hút đầu tư vào Hà Nội. Thành phố cũng sẽ giới thiệu định hướng phát triển kinh tế-xã hội, tiềm năng và cơ hội đầu tư, đáp ứng mục tiêu phát triển giai đoạn 2016-2020. Dự kiến, lãnh đạo thành phố sẽ trao quyết định đầu tư cho một số DN; chứng kiến lễ ký biên bản hợp tác đầu tư; tuyên dương, khen thưởng nhà đầu tư có đóng góp tích cực vào sự phát triển của thành phố thời gian qua… |