Cử tri và việc sử dụng quyền năng của lá phiếu
Chính trị - Ngày đăng : 06:32, 21/05/2016
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, nhân dân ta đã sử dụng quyền năng lá phiếu của mình trực tiếp lựa chọn, bầu ra những đại biểu xứng đáng vào Quốc hội trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên. Có thể nói, sự thành công của cuộc Tổng tuyển cử năm 1946 không chỉ ghi dấu quyền làm chủ thực sự của nhân dân Việt Nam mà còn khẳng định quyền năng mạnh mẽ của lá phiếu cử tri đối với vận mệnh dân tộc mình trong hoàn cảnh "ngàn cân treo sợi tóc".
Quyền năng của lá phiếu trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên
Ngày 3 tháng 9 năm 1945, tức là một ngày sau khi Nhà nước cách mạng ra đời, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ "tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân, trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu, nghèo, tôn giáo, dòng giống…". Ngày 8 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Sắc lệnh số 14-SL quy định sẽ mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội.
Ngày 26 tháng 9 năm 1945, Chính phủ lâm thời ban hành Sắc lệnh số 39-SL về thành lập Ủy ban Dự thảo thể lệ cuộc Tổng tuyển cử; Sắc lệnh số 51-SL ngày 17 tháng 10 năm 1945 quy định thể lệ cuộc Tổng tuyển cử phải thực hiện theo lối phổ thông đầu phiếu, bầu cử trực tiếp và bỏ phiếu kín. Trong các văn bản trên, quy định cơ bản về nguyên tắc bầu cử, đặc biệt là vai trò của lá phiếu cử tri đã được thể hiện rất rõ. Theo đó, các sắc lệnh quy định: "Tất cả công dân Việt Nam, cả trai và gái, từ 18 tuổi trở lên, đều có quyền bầu cử và ứng cử, trừ những người đã bị tước mất công quyền và những người trí óc không bình thường". Đây là nguyên tắc nhằm thu hút tất cả tầng lớp nhân dân trong nước, miễn là đến độ tuổi trưởng thành (từ 18 tuổi trở lên) đều được tham gia bầu cử. Nguyên tắc này cũng quy định rõ việc bầu cử đối với người nước ngoài mang quốc tịch Việt Nam; quyền bình đẳng nam, nữ trong bầu cử, ứng cử và địa bàn bầu cử theo phương thức: Mỗi người chỉ được bầu cử, ứng cử ở một nơi nhất định,...
Về nguyên tắc bầu cử trực tiếp, được quy định tại Sắc lệnh số 51-SL (phần thể lệ Tổng tuyển cử) nêu rõ: Khi bầu cử, "mỗi cử tri phải thân hành đi bầu, không được ủy quyền và cũng không được bầu bằng cách gửi thư", nhằm chống gian lận và việc các thế lực phản động, thù địch lợi dụng kẽ hở để chống phá. Nguyên tắc bỏ phiếu kín cũng được thể hiện tại các Điều 36 và 38 của Sắc lệnh số 51-SL, nhằm bảo đảm bí mật, an toàn và sự tự do cá nhân trong bầu cử của các cử tri. Trong đó, đối với những người không biết chữ, Sắc lệnh 51 chỉ rõ: Ban phụ trách ở các điểm bầu cử phải lập tổ ba người để giúp cử tri thực hiện quyền bầu cử theo quy trình: Một người viết giúp, hai người kiểm tra. Sau đó, tổ này phải tuyên thệ trước cử tri đó rằng, đã viết đúng theo ý nguyện của họ và sẽ tuyệt đối giữ bí mật về điều đó. Đây là điểm rất sáng tạo, độc đáo và phù hợp với trình độ dân trí lúc bấy giờ. Đó cũng là sáng kiến nhằm phát huy tối đa quyền năng, giá trị của lá phiếu cử tri. Chính vì vậy, không khí dân chủ trong bầu cử đã bừng lên ở khắp nơi trong cả nước. Trên thực tế, địa phương nào cũng có người tự ứng cử; những cuộc tiếp xúc, bàn thảo diễn ra hết sức sôi nổi trong không khí thực sự tự do và dân chủ,...
Nhận thức rõ ý nghĩa và quyền năng của lá phiếu, ngày 6-1-1946, hơn 90% cử tri đi bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội. Trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên này, Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu với 98,4% số phiếu. Kết quả ấy là một bằng chứng về khát vọng độc lập, tự chủ của dân tộc ta và uy tín tuyệt đối của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời, thể hiện rõ ý thức chính trị, ý thức về việc trực tiếp sử dụng quyền năng lá phiếu trong việc lựa chọn, bầu ra những đại diện ưu tú để tham gia vào Quốc hội của toàn thể dân tộc Việt Nam.
Cử tri huyện biên giới Mường Tè bầu cử sớm. |
Lá phiếu của cử tri hôm nay
Hiến pháp năm 2013 quy định: Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, HĐND và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước. Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Theo quy định hiện hành và nguyên tắc này, ngày mai 22-5, cử tri cả nước sẽ đi bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 - những người đại diện mình thực hiện quyền làm chủ đất nước.
Từ cuộc Tổng tuyển cử năm 1946, chúng ta đặt nhiều kỳ vọng. Sự kỳ vọng trước hết là toàn thể công dân đủ 18 tuổi trở lên sẽ sử dụng lá phiếu của mình để trực tiếp lựa chọn, bầu ra những đại biểu ưu tú nhất, thay mặt mình tham gia vào Quốc hội và HĐND các cấp. Việc sử dụng quyền năng của lá phiếu cử tri phải được thực hiện đúng pháp luật, tránh hiện tượng đi bầu hộ, bầu thay, bầu cho xong chuyện, qua đó bảo đảm thực hiện tốt quyền công dân.
Sự kỳ vọng thứ hai là, nhân dân sẽ sử dụng lá phiếu của mình để bầu đúng và trúng, sáng suốt lựa chọn được những người tiêu biểu nhất để tham gia vào Quốc hội và HĐND. Bởi vì, đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của nhân dân cả nước; là người thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội. Đại biểu Quốc hội chịu trách nhiệm trước cử tri và trước Quốc hội về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu của mình. Đại biểu HĐND là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương, chịu trách nhiệm trước cử tri địa phương và trước HĐND về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu của mình. Do đó, quyền năng của lá phiếu cử tri hôm nay phải được sử dụng để lựa chọn đúng và trúng những con người ưu tú, xứng đáng với vai trò và trách nhiệm mà họ được nhân dân giao phó.
Sự kỳ vọng thứ ba là quyền năng của lá phiếu cử tri phải được sử dụng trong việc vừa bảo đảm đủ cơ cấu (nhất là đại biểu nữ, đại biểu người dân tộc thiểu số), vừa phải bảo đảm chất lượng đại biểu. Thực tế cho thấy, để giải quyết hài hòa được mối quan hệ giữa hai yếu tố "cơ cấu" và "chất lượng" là không dễ dàng. Do đó, sức mạnh của lá phiếu cử tri đi bầu là sự bảo đảm kết quả mong đợi cả về cơ cấu và chất lượng đã được thực hiện ngay từ khâu hiệp thương, giới thiệu đại biểu.
Sự kỳ vọng thứ tư là ngày 22-5 phải thực sự là ngày hội chính trị - pháp lý của toàn dân, được thể hiện ở việc cử tri trực tiếp đi thực hiện quyền của người chủ đất nước.
Nhìn lại năm 1946 đến nay đã tròn bảy mươi năm trôi qua, kỷ niệm Ngày sinh lần thứ 126 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tưởng nhớ Người, mỗi chúng ta đều quyết tâm thực hiện nguyện vọng của Người trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên. Lời kêu gọi toàn dân tộc sử dụng quyền năng lá phiếu của mình để xây dựng một Nhà nước pháp quyền, một đất nước độc lập, tự do, tự chủ của Người năm xưa vẫn còn nguyên giá trị. Mỗi cử tri Việt Nam sẽ quyết tâm sử dụng quyền năng lá phiếu của mình thực hiện tốt cuộc bầu cử sắp tới, góp phần xây dựng một Quốc hội mạnh, xứng đáng là cơ quan đại biểu cao nhất, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; và HĐND mạnh để xứng đáng là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.