Tiền đề hoàn thiện bộ máy nhà nước từ Trung ương đến địa phương

Chính trị - Ngày đăng : 06:25, 21/05/2016

(HNM) - Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 là ngày hội lớn, ngày cử tri cả nước nêu cao tinh thần làm chủ, lựa chọn, bầu những đại biểu xứng đáng nhất - tiền đề hoàn thiện bộ máy nhà nước từ Trung ương đến địa phương.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên Tổng Thư ký Hội đồng Bầu cử Trung ương Vũ Mão khẳng định, đây là lần đầu tiên chúng ta tổ chức bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp dưới ánh sáng của bản Hiến pháp 2013 - một bản hiến pháp đề cao quyền con người, quyền cơ bản của công dân.

- Theo ông, cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 22-5 có tầm quan trọng thế nào trong việc tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước ở Trung ương và các địa phương?

- Cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 có tầm quan trọng và ý nghĩa rất to lớn. Đây là đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp, là cơ hội để nhân dân lựa chọn những người tiêu biểu nhất đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân tham gia Quốc hội và HĐND các cấp; trực tiếp tham gia xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của dân, do dân, vì dân. Hai hoạt động này diễn ra cùng một thời điểm nên cử tri sẽ trực tiếp cầm lá phiếu, có 4 lần lựa chọn trong 4 danh sách ứng cử viên để tìm người xứng đáng bầu vào cơ quan dân cử ở 4 cấp khác nhau để gánh vác công việc trong bộ máy nhà nước từ Trung ương đến địa phương.

- Là người từng tham gia tổ chức nhiều cuộc bầu cử ĐBQH, theo ông, đâu là động lực để cử tri tham gia bầu cử đầy đủ, trách nhiệm?

- Đây là lần đầu tiên chúng ta tổ chức bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp dưới ánh sáng của bản Hiến pháp 2013 - một bản Hiến pháp đề cao quyền con người, quyền cơ bản của công dân. Tôi cho rằng, động lực để cử tri tham gia bầu cử đầy đủ, điều kiện đầu tiên là cơ quan quyền lực phải thực sự làm đúng trách nhiệm của mình như Hiến pháp và các văn bản pháp luật đã quy định. Tôi rất mừng trong Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định chính quyền các cấp phải có HĐND và UBND. Điều đó cho thấy rằng HĐND rất quan trọng. Việc cần làm tiếp theo là mỗi đại biểu phải ý thức được trách nhiệm của mình trong hoạt động và cũng rất cần các cơ quan lãnh đạo tạo điều kiện cho HĐND hoạt động. Những điều ấy phải được quy định rất cụ thể trong các văn bản pháp luật.

Hai là, các đại biểu dân cử phải thực sự gần dân, hiểu dân và dám thẳng thắn, trung thực nói lên những nguyện vọng của nhân dân; phải tìm ra nguyên nhân của những sai phạm mà cử tri kiến nghị để phản ánh và đòi hỏi các cơ quan có trách nhiệm phải giải quyết. Đại biểu của dân phải đi đến cùng trong những công việc này. Ngoài ra, ở thời điểm nước rút này cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền bầu cử ở tất cả các cấp. Các thành viên trong các cơ quan tham gia tổ chức bầu cử cần sâu sát cơ sở để tuyên truyền cho ngày bầu cử; cần có những hình thức cổ động phong phú, sinh động.

- Thưa ông, những người ứng cử đều có đủ tiêu chuẩn, nhưng làm thế nào để chọn được người xứng đáng nhất?

- Qua hiệp thương vòng 3 đã lên được danh sách các ứng cử viên để đưa về các đơn vị bầu cử. Quy trình để chọn được các ứng cử viên là rất công phu, phải qua việc tiếp xúc với cử tri để họ bỏ phiếu tín nhiệm, rồi qua các vòng hiệp thương cho nên các ứng cử viên đều được sàng lọc rất kỹ càng. Muốn biết được đại biểu nào xứng đáng để bầu thì cử tri phải tìm hiểu rất sâu về các ứng cử viên thông qua tiểu sử, tóm tắt lý lịch, quá trình công tác, qua những lần ứng cử viên tiếp xúc cử tri và nhiều kênh thông tin khác. Trong đó, cử tri cần tìm hiểu rất kỹ về đạo đức, lối sống của các ứng cử viên. Đặc biệt, phải biết rõ việc kê khai tài sản có trung thực hay không.

- Trong bầu cử lần này có nhiều ứng cử viên trẻ. Đây là nguồn lực lớn của đất nước. Tuy nhiên, một số nơi, lớp trẻ lại chưa chủ động tìm hiểu pháp luật về bầu cử để có thể phát huy tinh thần tự tin, sáng tạo, năng động vào việc xây dựng bộ máy nhà nước. Theo ông, đâu là giải pháp khắc phục?

- Tuổi trẻ là tương lai của đất nước. Truyền thống của dân tộc ta là những người lớn tuổi đi trước, chăm sóc, bồi dưỡng, đào tạo những người trẻ tuổi để đảm đương những trọng trách trong công tác quản lý nhà nước. Cuộc Tổng tuyển cử năm 1946 đã có đại biểu mới 22 tuổi như đại biểu Nguyễn Đình Thi. Những vị đại biểu này bằng đức, tài của mình đã đóng góp rất nhiều cho đất nước. Nay chúng ta đã có đại biểu trẻ được tham gia vào các cơ quan dân cử, nhưng còn ít. Các tổ chức Đoàn cần làm hết trách nhiệm của mình để giới thiệu những hạt nhân tiêu biểu được tham gia các cơ quan dân cử, cống hiến nhiều cho đất nước. Tôi cũng muốn nhắn nhủ tới các cử tri trẻ, cử tri lần đầu cầm lá phiếu lựa chọn những người đủ đức, đủ tài vào các cơ quan trong bộ máy nhà nước... rằng, không những các bạn trực tiếp đi bầu thể hiện trách nhiệm của mình trong việc tham gia xây dựng Nhà nước pháp quyền mà cần vận động, tuyên truyền sâu rộng tới các bạn trẻ khác cùng tham gia bầu cử như mình để bầu những người đại diện cho chính thế hệ mình.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Hà Phong