Vấn đề an toàn thực phẩm tác động mạnh đến sức mua năm nay

Kinh tế - Ngày đăng : 20:55, 20/05/2016

Chỉ số CPI tăng khá thấp trong những tháng đầu năm sẽ là một trong những yếu tố góp phần đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát của Chính phủ đặt ra trong năm nay.


Tuy nhiên, giá xăng dầu vừa được điều chỉnh liên tục và từ ngày 1/5, thực hiện điều chỉnh tăng lương cơ sở thêm 5% đối với cán bộ công chức, viên chức là những yếu tố có thể ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng tháng Năm cũng như trong thời gian tới.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)


Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm.

- Xin ông cho biết, giá xăng dầu vừa được điều chỉnh và cán bộ công chức, viên chức được điều chỉnh lương từ ngày 1/5 sẽ ảnh hưởng như thế nào đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Năm?

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Tôi cho rằng, CPI tháng Năm (tính từ 15/4 đến 15/5) sẽ bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố như giá xăng dầu, giá thực phẩm (do giá thịt lợn tăng cao), giá gas và giá điện sinh hoạt tăng (do nhu cầu tiêu dùng tăng vào mùa Hè). Riêng giá xăng dầu được điều chỉnh tăng vào ngày 20/4 và ngày 5/5 làm cho CPI tháng Năm tăng khoảng 0,26% so với tháng trước.

Bên cạnh đó kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 kéo dài 4 ngày cũng tác động làm tăng giá các mặt hàng dịch vụ như du lịch, khách sạn, nhà hàng. Trong khi đó, tiền lương tối thiểu cho cán bộ, công chức, viên chức tăng từ 1.150.000 đồng lên 1.210.000 đồng cũng góp phần tạo hiệu ứng tăng giá một số mặt hàng có sử dụng nhân công trực tiếp. Do vậy, dự báo CPI tháng Năm sẽ tăng ở mức cao hơn so với tháng Tư năm 2016.

- Hiện nay, sức mua không có nhiều biến động, giá cả các mặt hàng tương đối ổn định. Ông nhận định như thế nào về sức mua trong thời gian tới?

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Hai năm trở lại đây sức mua đã không tăng cao như những năm trước, điều đó cũng được phản ánh một phần qua chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp trong thời gian qua.

Tính đến hết bốn tháng đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,82% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng thấp hơn so với mức tăng 9,2% của cùng kỳ năm 2015.

Nếu loại trừ yếu tố giá mức tăng là 7,5%, thấp hơn mức 8,3% của 4 tháng năm 2015 thì nhìn chung sức mua vẫn tăng nhưng tốc độ sẽ không cao như năm 2015.

Về bán lẻ hàng hóa, trong điều kiện giá cả các mặt hàng tương đối ổn định, nguồn cung khá dồi dào trong khi nhu cầu của người dân ổn định và chỉ tập trung vào các mặt hàng thiết yếu nhằm cân đối với khả năng thu nhập, dự kiến sức mua trong năm nay sẽ không tăng mạnh và tốc độ tăng có xu hướng thấp dần so với trước đây.

Về dịch vụ xã hội, trong những tháng cuối năm 2016, dự báo chi tiêu của người dân cho một số dịch vụ như lưu trú, ăn uống, du lịch, vui chơi giải trí và một số dịch vụ tiêu dùng khác vẫn tăng so với năm 2015, nhưng tốc độ tăng sẽ không cao hơn mức của năm 2015 so với năm 2014.

Nguyên nhân là do tâm lý e ngại về tình hình an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường và những tác động tiêu cực khác của một số hoạt động kinh tế, đặc biệt là hoạt động của ngành nông nghiệp, nên người dân có xu hướng kiểm soát mức chi tiêu hợp lý hơn, ưu tiên cho các khoản chi thường xuyên, cần thiết của gia đình như ăn uống, y tế, giáo dục... Hạn chế ăn uống bên ngoài và chi tiêu cho các hoạt động vui chơi, giải trí và du lịch nhằm tiết kiệm chi tiêu hơn những thời kỳ trước.

- Việc điều chỉnh giá các mặt hàng dịch vụ công hay các dịch vụ chiến lược theo lộ trình như giáo dục, dịch vụ y tế trong thời gian tới liệu có ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô và đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 5% trong năm nay?

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Chỉ số CPI bình quân của 4 tháng đầu năm 2016 tăng 1,41% so với cùng kỳ năm trước và CPI tháng 4 tăng 1,33% so với tháng 12 năm 2015. Mức tăng này là khá thấp so với những năm trước, do đó góp phần vào mục tiêu kiểm soát lạm phát của Chính phủ đặt ra trong năm nay.

Từ nay đến cuối năm 2016 có thể có một số yếu tố sau tác động đến CPI. Cụ thể là giá dịch vụ y tế, thực hiện Thông tư liên tịch số 37/TTLT- BYT-BTC, đến cuối năm nay còn một đợt điều chỉnh giá vào tháng Bảy có thể làm tăng CPI chung khoảng 2-3%.

Tiếp đến là giá dịch vụ giáo dục điều chỉnh vào tháng 9/2016, mức độ tăng chỉ số CPI phụ thuộc vào số lượng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương điều chỉnh, có thể tác động đến CPI chung khoảng 1-3%.

Bên cạnh đó, còn các mặt hàng tiềm ẩn tăng giá trở lại như gạo, sắt thép, xăng dầu. Nhu cầu vốn cho nền kinh tế tăng sẽ gây áp lực tăng lãi suất dẫn tới tăng giá hàng hóa và dịch vụ.

Với các yếu tố trên cùng tác động, dự báo chỉ số CPI năm nay sẽ có mức tăng khá cao, nhiều khả năng vượt mức 5%. Tuy nhiên, chỉ số CPI bình quân cả năm so với năm 2015 sẽ được kiểm soát ở mức 5%.

- Với diễn biến giá các dịch vụ liên tục thay đổi trong thời gian qua, Tổng cục Thống kê có tham vấn gì với Chính phủ trong điều hành chinh sách giá?

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Để kiểm soát lạm phát năm nay ở mức 5%, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường nhất là các mặt hàng thiết yếu (gạo, xăng dầu, sắt thép, phân bón...) khi tăng trở lại là áp lực cho công tác kiểm soát lạm phát, đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường.

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài Chính, Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo cần cân nhắc thời gian, lộ trình điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tránh tăng cùng vào một tháng để không gây tác động lan tỏa về mặt tâm lý lên CPI cả năm 2016.

- Xin trân trọng cảm ơn ông./.

Theo TTXVN/Vietnam+