Gặp tác giả “Tổ quốc nhìn từ biển” khi đến thăm quần đảo Trường Sa

Văn hóa - Ngày đăng : 15:56, 20/05/2016

(HNMO)- Thật nhân duyên khi tôi được gặp anh – nhà thơ Nguyễn Việt Chiến trong chuyến công tác của Đoàn công tác số 9 – năm 2016 ra thăm huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa)...


Quen anh và được anh coi là “người bạn nhỏ” từ khá lâu, tôi đã từng đọc và rất thích bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” của anh. Nhưng phải cho đến ngày cuối của hải trình ra thăm quần đảo Trường Sa, anh mới bộc bạch với tôi về hoàn cảnh, cảm xúc khi sáng tác bài thơ gây rung động hàng triệu trái tim người Việt Nam…

Lễ chào cờ trên đảo Trường Sa


Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cho biết, anh viết bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” trong đợt đi sáng tác với Quân chủng Hải quân ở phía Bắc vào tháng 4 năm 2009. Theo nhà thơ, cảm xúc, tứ thơ ào đến với anh rất nhanh chỉ trong một buổi nói chuyện với Quân chủng Hải quân về biển đảo. Anh bộc bạch: “Tại buổi nói chuyện của Quân chủng Hải quân hôm ấy, lần đầu tiên, các nhà văn, nhà thơ được xem trình chiếu về “đường lưỡi bò” và các tư liệu về mười cuộc xâm lăng từ biển vào Việt Nam”. Chính sự bức xúc ấy đã dâng trào trong trái tim một người yêu nước như nhà thơ, lập tức anh cầm bút viết liền một mạch bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển”.

Đài tưởng niệm Anh hùng liệt sỹ trên đảo Trường Sa


Đến năm 2011, sau khi bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” được đăng trên Báo Thanh Niên và nhiều tờ báo khác đã nhận được sự hưởng ứng của hàng triệu độc giả trong và ngoài nước. Bài thơ đã được 5 nhạc sỹ phổ nhạc, trong đó nổi bật nhất là ca khúc “Tổ quốc nhìn từ biển” do nhạc sỹ Quỳnh Hợp phổ nhạc.

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến tâm sự: “Một trong câu thơ hay nhất trong bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” của tôi, đó là: “Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển/Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng/Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa/Trong hồn người có ngọn sóng nào không”.

Vững vàng trước phong ba, bão táp


Theo tác giả, trước những ngọn sóng xâm lăng đang đè lên thềm lục địa, trong tâm hồn mỗi người dân, mỗi nhà thơ, mỗi nhà văn, mỗi nhạc sỹ,… mà không dâng trào ngọn sóng của tình yêu đất nước, thì Tổ quốc sẽ đứng trước nguy cơ sống còn liên quan đến vận mệnh của cả dân tộc, cả đất nước.

Chuyến đi thăm quần đảo Trường Sa lần này, theo nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, là chuyến đi thực tế sáng tác đầy bổ ích với anh. Anh tâm sự: “Trước đây, các sáng tác của tôi về biển đảo đã được trao giải thưởng văn học nghệ thuật 5 năm của Bộ Quốc phòng và Quân chủng Hải Quân. Hy vọng trong lần đi này, những bài thơ mới của tôi về biển đảo nói chung, về quần đảo Trường Sa nói riêng sẽ có được cái nhìn mới hơn, sâu hơn về quần đảo bão tố - Trường Sa. Qua thực tế đến thăm 4 đảo chìm, 3 đảo nổi và nhà giàn DK1 đã mang lại những xúc động và phát hiện về đời sống của những người lính hải quân và quân dân trên quần đảo Trường Sa”.

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến (bên trái) trò chuyện với phóng viên Báo Hànộimới tại đảo Trường Sa


Một trong những sáng tác mới của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến về biển đảo sau lần đi thực tế sáng tác tại quần đảo Trường Sa, đó là bài thơ “Nhật ký Trường Sa”:

Em lên Đá Lát cùng anh
Đảo chìm xưa đã hóa thành san hô
Có loài chim biển ngây thơ
Đậu trên mái đảo hát chờ mưa rơi.

Lên Trường Sa đảo cùng tôi
Có vầng mây ấm bồi hồi tóc em
Có nụ hôn thật hồn nhiên
Má chàng lính đảo mấy phen đỏ dừ.

Thuyền ra đảo sóng lắc lư
Phan Vinh đảo nổi trầm tư một màu
Sóng đi đâu, biển về đâu
Chỉ người lính với con tàu biết thôi.

Thuyền Chài đảo phía xa xôi
Tên nghe thân thuộc như lời quê hương
Tốc Tan đảo nhỏ yêu thương
Dáng bao người lính can trường bên ta.

Ngày mai đảo đá nở hoa
Mấy anh lính trẻ xa nhà nhớ quê
Ôm súng ngồi hát say mê
Bạch Đằng giang sóng cuộn về trong tim…


Chia tay nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, chia tay quần đảo Trường Sa, trong tôi lại vang lên: “…/Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát/Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn đời/Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất/Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi”.

Đức Hải