Làm tốt sẽ có thành quả xứng đáng
Giáo dục - Ngày đăng : 07:27, 20/05/2016
GS.TS Nguyễn Văn Hiếu trong phòng thí nghiệm. |
Bất chấp khó khăn, về nước cống hiến
GS.TS Nguyễn Văn Hiếu sinh năm 1972, đến với khoa học bởi một lý do, chẳng biết nên vui hay buồn: Vì ngành đó cấp học bổng, chứ lấy đâu ra tiền mà đi học!
GS.TS Nguyễn Văn Hiếu là con thứ 10 trong một gia đình nghèo có tới 11 người con. Dù vất vả mưu sinh nhưng bố mẹ luôn động viên con cái học hành và 9 người tốt nghiệp đại học (ĐH), 2 người học nghề.
Cậu học trò nghèo quê ở Vĩ Dạ, TP Huế, miệt mài trên con đường học tập và lập tức "mê mệt" với khoa học. Anh tốt nghiệp khoa Hóa, ĐH Tổng hợp Huế, học cao học ở Viện Khoa học vật liệu - Trung tâm quốc tế đào tạo khoa học vật liệu thuộc ĐH Bách khoa, rồi làm nghiên cứu sinh tại khoa Kỹ thuật điện tử, ĐH Twente của Hà Lan. Anh từng tự đấu tranh quyết liệt để đưa ra lựa chọn: Về nước, đối diện với bao khó khăn hay ở lại làm việc tại Hà Lan. Anh nói: "Chính các thầy hướng dẫn của tôi ở Hà Lan khuyên tôi trở về để đóng góp cho nền khoa học nước nhà. Hồi mới về, cuộc sống của tôi và gia đình rất vất vả. Tôi vừa phải dạy học, vừa đi làm thêm để kiếm tiền".
Đến bây giờ, GS.TS Nguyễn Văn Hiếu hoàn toàn có thể tự hào khẳng định rằng quyết định trở về là hoàn toàn đúng đắn. Loay hoay trước cơn bão "cơm áo gạo tiền", 5 năm không "xin" được một đề tài nghiên cứu. Rồi phải bỏ ra ngoài làm trong nỗi nhớ nghề, nhớ phòng thí nghiệm. Năm 2009, Quỹ Khoa học công nghệ quốc gia (Nafosted) ra đời. "Đó là cứu tinh của rất nhiều nhà khoa học, chúng tôi đã thực sự được sống với nghề" - GS.TS Nguyễn Văn Hiếu cho biết. Lúc đó, anh làm chủ nhiệm một đề tài, với mức thù lao khoảng 17 triệu đồng/tháng. Cùng khoản lương do nhà trường trả, anh đã có thể nghỉ "làm ngoài", chuyên tâm làm khoa học.
Thành công nhờ phát huy nội lực
Sự kiên định với khoa học dẫn GS.TS Nguyễn Văn Hiếu đến ngày "hái quả ngọt". Ở tuổi 44, anh đã có một gia tài nghiên cứu mà bất cứ một nhà khoa học nào cũng mong muốn: Là tác giả và đồng tác giả của 130 công trình khoa học, 85 bài báo trên các Tạp chí ISI, trong đó có 22 bài với 22 lần trích dẫn. Anh là chủ nhiệm nhiều đề tài nghiên cứu như "Nghiên cứu chế tạo một số loại linh kiện điện tử và cảm biến trên cơ sở dây na nô ô xít kim loại bán dẫn", "Nghiên cứu chế tạo một số cảm biến khí và sinh học trên cơ sở vật liệu có cấu trúc na nô kết hợp công nghệ vi cơ điện tử". Năm 2010, anh nhận Giải thưởng Nhà khoa học trẻ có kết quả nghiên cứu khoa học xuất sắc; năm 2015, trở thành giáo sư trẻ nhất Việt Nam.
GS.TS Nguyễn Văn Hiếu được trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2016 với công trình "Thiết kế chế tạo cấu trúc na nô thứ cấp SnO2/ZnO nhằm tăng cường khả năng nhạy khí hơi cồn". Đây là giải thưởng cao quý nhằm tôn vinh các nhà khoa học có thành tựu xuất sắc trong nghiên cứu cơ bản thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật, được giới khoa học đánh giá rất cao. Công trình được đăng ký trên Tạp chí "Sensors and Actuators B" thuộc lĩnh vực Vật lý và Thiên văn học, chuyên ngành Thiết bị đo đạc, được xuất bản bởi NXB Elsevier của Hà Lan.
Theo số liệu cập nhật trên Google Scholar, công trình tham gia xét thưởng được trích dẫn khoảng 15 lần/năm. Kết quả nghiên cứu của đề tài có thể ứng dụng trong chẩn đoán bệnh qua phân tích hơi thở - hướng nghiên cứu đang thu hút được sự quan tâm đặc biệt của các nhà khoa học. Hơn thế, việc chế tạo được nhiều cấu trúc na nô thứ cấp mới sẽ giúp mở rộng khả năng ứng dụng của các cấu trúc na nô một chiều truyền thống, không chỉ ở lĩnh vực cảm biến khí mà còn có thể mở rộng sang các lĩnh vực khác như linh kiện điện tử na nô, pin năng lượng.
Điều khiến công trình nghiên cứu này trở nên đặc biệt là do nhóm nghiên cứu của chính tác giả thực hiện, hoàn toàn bằng nội lực của nhóm. GS.TS Nguyễn Văn Hiếu là người đầu tiên đưa ra ý tưởng nghiên cứu, thiết kế và chỉ đạo thực hiện thí nghiệm cũng như trực tiếp phân tích kết quả, viết và công bố công trình này. Xuyên suốt quá trình thực hiện ý tưởng nghiên cứu, anh đã truyền đạt được kinh nghiệm, lòng say mê và tinh thần vượt khó cho các thành viên nghiên cứu trẻ của nhóm, bao gồm các tiến sĩ và các nghiên cứu sinh…
Nói về sự thành công của mình, GS.TS Nguyễn Văn Hiếu cho rằng: "Tôi may mắn vì có những người thầy giỏi và tốt. Con đường mà tôi đã trải qua đòi hỏi bản thân phải nỗ lực rất nhiều, giống như hầu hết các đồng nghiệp cùng trang lứa và các bạn trẻ bây giờ. Từ đó, tôi chiêm nghiệm một điều: Thay vì đòi hỏi Nhà nước phải thế này thế kia để làm được việc, mình cứ làm thật tốt công việc của mình đi rồi sẽ có được thành quả xứng đáng".