Quan hệ Mỹ - Saudi Arabia: sẽ thêm sóng gió?

Thế giới - Ngày đăng : 06:48, 20/05/2016

(HNM) - Thượng viện Mỹ vừa thông qua dự luật cho phép những người sống sót và thân nhân của gần 3.000 người thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001 kiện Chính phủ Saudi Arabia và có thể đòi bồi thường tổn thất về bất cứ vai trò nào của nước này trong vụ tấn công. Quyết định này được dự báo sẽ gây thêm sóng gió cho mối quan hệ đang lạnh nhạt giữa hai đồng minh từng rất thân thiết này.

Những người sống sót và thân nhân của gần 3.000 nạn nhân vụ khủng bố 11-9 có cơ hội khởi kiện đòi bồi thường.


Dự luật mang tên "Công lý xử phạt phần tử hỗ trợ khủng bố" được đề xuất hồi tháng 9-2015 nhận được sự ủng hộ từ cả hai đảng tại lưỡng viện, trong đó có cả ứng viên Tổng thống Hillary Clinton và Bernie Sanders. Dự luật đã được Ủy ban Tư pháp Thượng viện thông qua hồi đầu năm nay và ngày 17-5 lại tiếp tục được Thượng viện thông qua. Sắp tới, dự luật sẽ được chuyển tới Hạ viện xem xét. Với đảng Cộng hòa chiếm đa số, khả năng Hạ viện thông qua dự luật này rất cao. Nếu được phê chuẩn, luật "Công lý xử phạt phần tử hỗ trợ khủng bố" sẽ dỡ bỏ quyền miễn trừ quốc gia vốn ngăn cản các vụ kiện nhằm vào các chính phủ và các nước bị cho là dính líu tới khủng bố trên đất Mỹ. Ví như dự luật cho phép những người sống sót và thân nhân gần 3.000 người thiệt mạng trong vụ khủng bố 11-9 kiện Saudi Arabia cũng như một số nước liên quan để đòi bồi thường thiệt hại. Trong trường hợp này, các vụ kiện sẽ do Tòa án Liên bang ở New York phân xử. Bên nguyên sẽ phải chứng minh Saudi Arabia đã tham gia các vụ tấn công vào Trung tâm Thương mại thế giới (WTC) và Lầu Năm Góc.

Những cáo buộc về sự liên quan của Saudi Arabia không có gì mới mẻ, nhất là khi có tới 15 trong số 19 không tặc tham gia khủng bố mang quốc tịch Saudi Arabia. Tuy nhiên, Riyadh luôn phủ nhận những cáo buộc này; đồng thời khẳng định không có bằng chứng về sự dính líu của chính phủ trong vụ việc. Nhưng một nhóm các nhà lập pháp lưỡng đảng Mỹ đang thúc đẩy cho việc công bố 28 trang tài liệu, bao gồm các bằng chứng cho thấy các quan chức Saudi Arabia tại Mỹ vào thời điểm đó đã hỗ trợ cho 15 không tặc. Điều này như một lời khẳng định, Riyadh sẽ phải chịu một phần trách nhiệm và có sự đền bù thỏa đáng đối với nước Mỹ.

Theo quy trình, bản dự luật vẫn cần sự chấp thuận của Hạ viện và cuối cùng phải được Tổng thống ký ban hành. Dù vậy, ông Barack Obama đã dọa phủ quyết dự luật nếu nó được Hạ viện thông qua vì những rủi ro cho nước Mỹ. Ngoại trưởng John Kerry từng cảnh báo: "Việc ban hành đạo luật sẽ đẩy Mỹ vào kiện cáo, tước đi quyền miễn trừ chủ quyền quốc gia và tạo ra tiền lệ khủng khiếp". Theo luật pháp hiện hành, các quốc gia khác có thể miễn bị kiện ra các tòa án Mỹ ở một mức độ nhất định. Dự luật mới nếu được thông qua sẽ tạo ra một ngoại lệ; đồng thời thúc đẩy các nước khác áp dụng các dự luật tương tự. Vì vậy, nó có thể gây nguy hiểm cho nước Mỹ cũng như người dân, các thành viên chính phủ và nhân viên ngoại giao ở nước ngoài.

Hệ lụy trước mắt của việc lưỡng viện thông qua dự luật là sự đổ vỡ mối quan hệ với đồng minh Saudi Arabia. Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir từng phát biểu trước giới lập pháp tại Washington rằng, quốc gia này sẽ bán 750 tỷ USD công trái cùng nhiều tài sản khác tại Mỹ nếu thông qua dự luật. Động thái này có thể tạo ra một cuộc tháo chạy của hàng loạt nhà đầu tư nước ngoài khỏi thị trường Mỹ. Không những vậy, mối quan hệ đồng minh vốn không còn mặn nồng cũng bị đẩy đến bờ vực đổ vỡ. Với kết cục này, Mỹ sẽ mất khá nhiều khi vẫn rất cần Saudi Arabia trong hàng loạt vấn đề như cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), can thiệp vào thị trường dầu mỏ thế giới…

Rõ ràng, nếu niềm tin bị sụp đổ, đó sẽ là những tổn hại không thể đong đếm với ảnh hưởng của Mỹ tại Trung Đông, khu vực mà nước Mỹ không thể đánh mất trong các toan tính địa chiến lược. Vì thế các nhà phân tích cho rằng, Tổng thống B.Obama sẽ tìm mọi cách để ngăn cản việc Quốc hội thông qua dự luật hoặc chí ít cũng tìm cách… "hoãn binh". Người đứng đầu Nhà Trắng chắc chắn không muốn vụ việc ảnh hưởng tới hơn nửa năm cuối cùng của nhiệm kỳ Tổng thống - một nhiệm kỳ đang được đánh dấu bởi hàng loạt "mốc son", trong đó có sự kiện bình thường hóa quan hệ với Cuba và thỏa thuận hạt nhân Iran. 

Thùy Dương