Bộ Y tế “nhờ” Bộ Công an làm rõ nghi án “tặng” một tỷ đồng trong "vụ C2, Rồng đỏ"
Đời sống - Ngày đăng : 21:03, 19/05/2016
Trước thông tin về nghi án Công ty TNHH URC Việt Nam mang một tỷ đồng cho hai người của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia (ATVSTPQG) để làm sai lệch kết quả kiểm nghiệm mẫu nguyên liệu và thành phẩm C2, Rồng đỏ theo hướng có lợi cho doanh nghiệp có sản phẩm, đang gây xôn xao dư luận, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chính thức ký công văn số 2796/BYT-TTrB gửi Bộ Công an đề nghị điều tra xác minh vụ việc.
Trong công văn gửi Bộ Công an, Bộ Y tế nêu rõ: Hiện nay trên trang mạng điện tử có nội dung thông tin Công ty URC Việt Nam đưa cho ông Sơn và bà Hồng ở Viện Kiểm nghiệm ATVSTPQG mỗi người một tỷ đồng để tác động đến kết quả kiểm nghiệm sản phẩm nước giải khát C2, Rồng đỏ.
Bộ Y tế đề nghị Bộ Công an điều tra, xác minh làm rõ vụ việc để xử lý nghiêm theo qui định của pháp luật nếu tổ chức, cá nhân có sai phạm và nếu không có sự việc trên thì công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.
Sản phẩm C2 và Rồng đỏ của Công ty TNHH URC Việt Nam bị nghi chứa chì |
Cùng với việc đề nghị Bộ Công an vào cuộc, ngày 19-5, Bộ Y tế cũng ký quyết định thanh tra việc thực hiện các qui định của pháp luật về đảm bảo ATTP của Công ty URC tại Việt Nam, gồm Công ty TNHH URC Việt Nam –Bình Dương, Công ty TNHH URC Central –Quảng Ngãi và Công ty TNHH URC - Hà Nội.
Đoàn thanh tra gồm 14 thành viên, thuộc nhiều đơn vị của Bộ Y tế như Cục ATTP, Cục Quản lý môi trường y tế, Viện Dinh dưỡng, Viện Paster Nha Trang và một cán bộ của C49 –Bộ Công an vv…
Theo ông Đặng Văn Chính, Chánh Thanh tra Bộ Y tế, trong quá trình thanh tra, Đoàn thanh tra sẽ kiểm tra, xác minh trực tiếp tại một số cơ sở phân phối sản phẩm thực phẩm của Công ty URC tại Việt Nam; cơ sở cung cấp nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, bao bì chứa đựng thực phẩm cho các Công ty URC tại Việt Nam.
Đoàn thanh tra cũng có nhiệm vụ phát hiện các sơ hở, bất cập trong quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị, đề xuất với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về các biện pháp khắc phục, đồng thời đánh giá các nội dung đã tiến hành thannh tra, đánh giá việc chấp hành các qui định của pháp luật về đảm bảo ATTP của các Công ty URC tại Việt Nam.
Nếu phát hiện vi phạm, Đoàn thanh tra phải xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân và xử lý, kiến nghị xử lý theo pháp luật.
Kết quả xét nghiệm sản phẩm của Công ty TNHH URC Việt Nam lần 1 và 2 cho thấy có chì vượt mức cho phép |
Phản ứng về “nghi án 1 tỷ đồng” để thay đổi kết quả, bà Lê Thị Hồng Hảo - Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm ATVSTPQG cho biết: Viện nhận mẫu, kiểm nghiệm mẫu và trả kết quả cho khách hàng đúng quy trình và bảo mật thông tin theo Tiêu chuẩn Việt Nam ISO/IEC 17025:2007.
Về thông tin Công ty TNHH URC Việt Nam mang 1 tỷ đồng đến cho 2 cá nhân của Viện để các mẫu nước C2, nước Rồng đỏ được đưa tới kiểm nghiệm cho kết quả như mong muốn, Viện đã tổ chức họp để yêu cầu các cá nhân giải trình vấn đề này bằng văn bản.
Các cá nhân có liên quan đều khẳng định: Không nhận bất kỳ tiền hoặc quà từ Công ty TNHH URC Việt Nam. Viện đã kiến nghị lãnh đạo Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với lực lượng an ninh giải quyết dứt điểm sự việc trên. V
iện sẵn sàng phối hợp với cơ quan chức năng để tìm hiểu rõ động cơ, mục tiêu của các thông tin đăng tải vừa qua với mục tiêu bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ người tiêu dùng, bảo vệ uy tín cá nhân của cán bộ Viện nói riêng và tập thể Viện nói chung. Bất kỳ cán bộ nào sai phạm đều bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Vụ việc gây xôn xao dư luận như trên bắt đầu từ ngày 22-2-2016, Công ty TNHH URC Việt Nam gửi mẫu 2 thành phẩm là trà xanh hương chanh C2 thuộc lô sản xuất ngày 4-2-2016 và nước tăng lực hương dâu hiệu Rồng Đỏ thuộc lô sản xuất ngày 19-2-2016 cho Viện Kiểm nghiệm ATVSTPQG.
Đến ngày 16-3-2016, Viện đã có xác nhận kết quả 2 thành phẩm trên đều có hàm lượng chì cao hơn gần gấp đôi mức cho phép. Có lẽ chưa tin vào kết quả của Viện Kiểm nghiệm ATVSTQG, Công ty TNHH URC Việt Nam đã gửi mẫu lần 2 cho Viện vào ngày 24-3-2016 và kết quả kiểm nghiệm ký ngày 5-4-2016 cho thấy hàm lượng chì trong các sản phẩm này còn cao hơn lần trước.
2 kết quả này khiến dư luận hết sức hoang mang, khi mỗi tháng, Công ty TNHH URC Việt Nam sản xuất hàng triệu chai nước ngọt và đương nhiên, Công ty TNHH URC Việt Nam đứng trước nguy cơ phá sản nếu bị người tiêu dùng tẩy chay. Do đó, Công ty TNHH URC Việt Nam đã gửi mẫu lên Viện Kiểm nghiệm ATVSTP quốc gia lần thứ ba vào ngày 15-4-2016. Khác với 2 lần trước, lần này, kết quả ngày 21-4-2016 của Viện Kiểm nghiệm ATVSTPQG lại cho thấy, các chỉ số sản phẩm đều ở mức bình thường.
Tuy nhiên, dư luận chưa kịp yên tâm với kết quả này, thì trên mạng xã hội bất ngờ xuất hiện email có đuôi @.urc.com.vn được cho là gửi đi từ Công ty URC, viết ngày 19-4-2016, đại ý: Đã nộp những mẫu mới vào ngày 15-4 và kết quả kiểm nghiệm lại sẽ có vào ngày mai, 20-4.
Bà Hồng (Trưởng phòng Kiểm nghiệm nước khoáng và kim loại) sẽ làm xét nghiệm lại cẩn thận để có kết quả đúng… Đề nghị nhóm đưa quà cho cả ông Sơn và bà Hồng vì họ làm yên lòng khách hàng về hàm lượng chì. Quà đề nghị đưa mỗi người là 1 tỉ VNĐ cùng với một túi sản phẩm C2 và Rồng Đỏ.
Vụ việc nghiêm trọng bởi nó không chỉ là nghi án 1 tỷ đồng, mà còn liên quan đến sức khỏe hàng triệu người dân Việt Nam, đa phần là trẻ em, sử dụng nước giải khát của Công ty TNHH URC Việt Nam.
Vì thế, việc Bộ Y tế và Bộ Công an vào cuộc sẽ không chỉ có ý nghĩa xác định có vi phạm trong việc nhận tiền để làm sai lệch kết quả xét nghiệm hay không, mà còn giúp cho người tiêu dùng tránh sử dụng phải thực phẩm có độc (nếu có), hoặc giúp một doanh nghiệp tránh được sạt nghiệp oan vì tin đồn.