Cuối cùng y học cũng đánh bại bệnh sốt rét

Công nghệ - Ngày đăng : 09:55, 19/05/2016

Vừa qua, các nhà khoa học tại Đại học Maryland School of Medicine, Mỹ, đã chính thức công bố một công trình mang tính đột phá, có thể cứu sống nửa triệu người mỗi năm. Đó là loại vaccine phòng chống bệnh sốt rét. Các kết quả thí nghiệm lâm sàng cho thấy tỉ lệ thành công gần như tuyệt đối.


Loại vaccine này sẽ được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt và đưa vào áp dụng đại trà, bắt đầu từ năm 2018 tại những quốc gia đang phổ biến bệnh sốt rét.

Vài nét về bệnh sốt rét

Sốt rét (một số vùng ở Việt Nam gọi là “bệnh ngã nước”) là chứng bệnh gây ra bởi ký sinh trùng có tên Plasmodium, lây truyền từ người này sang người khác khi bị muỗi mang mầm bệnh đốt. Bệnh phổ biến ở các quốc gia nhiệt đới và cận nhiệt đới như châu Á, châu Phi, Nam Mỹ.

Theo WHO, mỗi năm trên toàn thế giới có gần 300 triệu người mắc bệnh sốt rét mà trong đó, con số tử vong là khoảng nửa triệu người. Những người còn sống có thể phải chịu đựng những di chứng như gan to, lách to, thiếu máu, giảm thính lực do phải sử dụng thuốc kháng sốt rét dài ngày, suy nhược cơ thể…

Muỗi Anophele (hay còn gọi là muỗi đòn sóc), thủ phạm lây truyền bệnh sốt rét.


Ký sinh trùng Plasmodium có 4 loài gây bệnh cho người. Đó là Plasmodium Falciparum, Plasmodium Vivax, Plasmodium Ovale và Plasmodium Malariae nhưng nguy hiểm hơn cả là 2 loài Plasmodium Falciparum, Plasmodium Vivax. Nó gây ra sốt rét ác tính thể não, tỉ lệ tử vong rất cao. Riêng loài Plasmodium Knowlesi, phổ biến ở Đông Nam Á, gây bệnh sốt rét ở khỉ nhưng cũng có thể lây sang người.

Triệu chứng của sốt rét bắt đầu thể hiện từ ngày thứ 7 đến ngày thứ 15 sau khi bị muỗi đốt nhưng cũng có thể muộn hơn đối với những người đã uống thuốc ngừa sốt rét. Biểu hiện của bệnh thường là kịch phát với chu kỳ rét lạnh đột ngột, run rẩy rồi sau đó sốt cao, mê sảng và đổ mồ hôi. Nếu nhiễm ký sinh trùng Vivax hoặc Ovale, cứ 2 ngày người bệnh lên cơn sốt một lần còn với loài Malariae thì chu kỳ sốt là 3 ngày.

Riêng với loài Falciparum, bệnh nhân sốt gần như liên tục, nói năng lảm nhảm, có những hành vi bất thường, run giật nhãn cầu, đái ra máu, hôn mê. Giáo sư - Tiến sĩ Kirsten Lyke, trưởng nhóm nghiên cứu của Đại học Maryland School of Medicine nói: “Trước đây, người ta phòng chống sốt rét bằng cách tiêu diệt bọ gậy (loăng quăng), ngủ trong mùng, bôi thuốc chống muỗi, phun thuốc diệt muỗi, uống thuốc ngừa nhưng tất cả những biện pháp này chỉ có tác dụng trong một thời gian ngắn”.

Có thể đánh bại hoàn toàn bệnh sốt rét

Vẫn theo Giáo sư - Tiến sĩ Kirsten Lyke, muỗi mang ký sinh trùng sốt rét khi hút máu người sẽ truyền ký sinh trùng vào cơ thể người qua dịch tiết từ vòi muỗi, và loại vaccine do nhóm nghiên cứu của Đại học Maryland School of Medicine có khả năng phá vỡ quy trình này: “Ký sinh trùng sốt rét sẽ suy yếu ngay sau khi xâm nhập vào máu của người đã được tiêm vaccine rồi bị hệ thống các hạch bạch huyết tiêu diệt. Nó có hiệu quả trong 12 tháng, được sản xuất bởi Công ty Sanaria Inc, trụ sở tại thành phố Rockville, bang Maryland, Mỹ, với sự hỗ trợ của Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm (NIAID), trực thuộc Viện Y tế quốc gia Mỹ”.

Ở những quốc gia nhiệt đới và cận nhiệt đới, sốt rét vẫn là một trong những chứng bệnh phổ biến nhất.


Việc tìm ra loại vaccine chống bệnh sốt rét mất khá nhiều thời gian. Giáo sư, tiến sĩ Kirsten Lyke cho biết bằng các chương trình giả lập trên máy tính, nhóm nghiên cứu đã tìm hiểu cơ chế truyền bệnh của những loài muỗi có khả năng gây ra sốt rét, cũng như chu trình gây sốt của 4 loại ký sinh trùng rồi từ những cơ sở ấy, họ chế tạo ra vaccine và loài khỉ châu Á được chọn làm vật thử nghiệm.

Trong những lần thửá nghiệm sau cùng, mỗi lần nhóm nghiên cứu chọn ra 90 người tình nguyện với nhiều độ tuổi, giới tính khác nhau, trong đó 60 người được tiêm vaccine chống rốt rét rồi sau đó để cho loài muỗi “đòn sóc” có mang ký sinh trùng sốt rét ác tính Plasmodium Falciparum hút máu, còn 30 người kia thì không.

Sau 7 ngày, 24 trong số 30 người không tiêm vaccine bắt đầu xuất hiện những cơn rét - nóng. 6 người còn lại lên cơn rét - nóng vào ngày thứ 10, còn 60 người đã được tiêm vac thì không ai bị gì hết. Giáo sư - Tiến sĩ Kirsten Lyke nói: “Với kết quả như trên, chúng tôi tin rằng nếu tiêm vaccine đồng loạt cho tất cả những người dân sống trong vùng có bệnh sốt rét thì việc thanh toán căn bệnh nguy hiểm ấy là việc hoàn toàn khả thi”.

Công bố của nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Maryland School of Medicine đã gây ra một làn sóng phấn khích. Một số quốc gia châu Phi, nơi từ lâu đã là địa bàn trọng điểm của bệnh sốt rét như Uganda, Ethiopia, Sudan, Kenya… đã đặt vấn đề xin chuyển nhượng lại quyền sản xuất vaccine.

Một quan chức ngành y tế Ethiopia cho biết: “Không chỉ dân thường, khách du lịch mà ngay cả quân đội cũng cần đến loại vaccine này”. Bác sĩ Timbooja, chuyên khoa Bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện quốc gia Nairobi, Kenya nói: “Tính hiệu quả của vaccine sẽ giúp những nước nghèo tiết kiệm được rất nhiều chi phí về thuốc men điều trị sốt rét, kéo giảm số người tử vong bởi lẽ ở một số vùng quê, không phải nhà nào cũng có tiền để mua một vài cái mùng hoặc mua thuốc bôi chống muỗi. Hơn nữa, nó cũng khắc phục được hiện tượng quên uống thuốc ngừa sốt rét, nhất là đối với du khách đến từ những nơi không có bệnh sốt rét”.

Theo Tiến sĩ McBurnner, Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm (NIAID), trực thuộc Viện Y tế quốc gia Mỹ - là đơn vị hỗ trợ cho nhóm nghiên cứu của Đại học Maryland School of Medicine thì điều quan trọng nhất của loại vaccine này là nó đã phá vỡ chu kỳ lây truyền bệnh sốt rét: “Khi một con muỗi mang mầm ký sinh trùng sốt rét hút máu bạn, nó truyền bệnh cho bạn.

Tiếp theo, một hay nhiều con muỗi khác không mang mầm bệnh hút máu bạn thì lẽ đương nhiên những con muỗi ấy sẽ là vật trung gian truyền bệnh sốt rét cho nhiều người khác. Bây giờ, nếu bạn được tiêm vaccine thì khi muỗi hút máu bạn, nó sẽ hút máu “sạch” - nghĩa là nó không thể truyền bệnh sốt rét cho những người sau đó bị nó hút máu. Và nếu hàng triệu người sống trong những vùng đang lưu hành bệnh sốt rét đều được tiêm vaccine thì căn bệnh này không còn có cơ hội tồn tại”.

Giải thích về việc tại sao chưa đưa loại vaccine này vào sử dụng ngay, Giáo sư - Tiến sĩ Kirsten Lyke nói:” Bởi vì hiệu quả của một lần tiêm chỉ kéo dài 12 tháng nên chúng tôi đang muốn biết sau lần tiêm đầu tiên, cơ thể con người có tạo ra những kháng thể, kháng lại vaccinetrong lần tiêm thứ hai, thứ ba hay không? Qua nghiên cứu trên những người tình nguyện tiêm thử nghiệm vaccine, vẫn chưa thấy xuất hiện kháng thể nên chúng tôi hy vọng đầu năm 2018, nó sẽ được phổ biến đại trà”.

Theo WHO, gần 3,2 tỷ người - nghĩa là một nửa dân số thế giới có nguy cơ mắc bệnh sốt rét. Trong năm 2015, đã có 214 triệu người nhiễm ký sinh trùng sốt rét, khiến 438.000 người tử vong.

Bệnh xuất hiện chủ yếu ở vùng khí hậu ấm áp, mưa nhiều, độ ẩm cao. Những người dễ bị tổn thương nhất đối với căn bệnh này là trẻ em, phụ nữ mang thai và du khách từ các vùng không có bệnh sốt rét.

Khi một người bị nhiễm bệnh sốt rét, các triệu chứng xuất hiện sau 7 ngày hoặc từ 10 đến 15 ngày. Biểu hiện đầu tiên thường là sốt, đau đầu, ớn lạnh và nôn mửa. Tiếp theo là rét run rồi sốt cao. Chu ký rét - sốt lặp đi lặp lại tùy theo loại ký sinh trùng bị nhiễm

Nếu sốt rét không được điều trị trong vòng 24 giờ đầu, có thể dẫn đến sốt rét ác tính, gây tử vong. Trẻ em sốt rét có xu hướng mắc phải chứng thiếu máu nặng, suy hô hấp hoặc sốt rét thể não. Đối với người lớn bị sốt rét nặng, nhiều cơ quan nội tạng như gan, lách, não bị tổn thương, hồng cầu bị phá hủy nặng nề.

Theo CAND