Hà Nội tăng tốc sản xuất bảo đảm nguồn cung cuối năm
Nông nghiệp - Ngày đăng : 17:40, 14/12/2022
Hối hả vào vụ cuối năm
Những ngày này, tại các trang trại chăn nuôi, nông dân tất bật với công đoạn chăm sóc vỗ béo đàn gia súc, gia cầm, phòng chống dịch bệnh để bảo đảm nguồn cung cho thị trường. Theo ông Nguyễn Trọng Long - Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Long (huyện Thanh Oai), với diện tích 5ha, quy mô 500 lợn nái và 5.000 lợn thương phẩm, đến nay, Hợp tác xã sản xuất thường xuyên 13 sản phẩm chế biến theo chuỗi A-Z như: Giò, chả, xúc xích, thịt hun khói, nem chua... Cùng với 5 cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm cung cấp cho 30 bếp ăn của các trường mầm non trên địa bàn huyện Thanh Oai, mỗi ngày, Hợp tác xã cung cấp cho thị trường khoảng 2 tấn thịt lợn và 3 tấn sản phẩm từ thịt lợn mang thương hiệu A-Z. Ngoài ra, vào tháng Tết, Hợp tác xã cung cấp 200-250 tấn thịt lợn cho các doanh nghiệp chế biến đã ký kết hợp đồng.
Không chỉ đối với các hộ chăn nuôi, đối với người trồng rau, đây là thời điểm rau sinh trưởng, phát triển tốt, thu hoạch và trồng gối vụ. Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao, xã Tráng Việt (huyện Mê Linh) Đàm Văn Đua cho biết, vụ đông năm nay, Hợp tác xã gieo trồng hơn 300ha rau xanh các loại, nhiều hơn vụ hè tới hơn 100ha, trong đó chủ lực là củ cải trắng và rau ăn lá, như cải ngọt, cải dưa... Trung bình mỗi ngày cung cấp cho thị trường hàng chục tấn rau củ quả. Năm nay, giá vật tư nông nghiệp tăng mạnh nhưng bù lại, rau xanh được giá nên nông dân thu nhập trung bình 10-15 triệu đồng/sào/lứa rau.
Còn theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Trần Thị Thu Hằng, với 14.000ha lúa và cây ăn quả, trong đó đã quy hoạch vùng chuyên canh cây bưởi Diễn tại 7 xã, thị trấn với gần 700ha. Hiện nay, người trồng bưởi Diễn trên địa bàn huyện đang tích cực chăm sóc và thu hoạch để bán từ nay đến Tết Nguyên đán.
Về chăn nuôi, tổng đàn lợn của Chương Mỹ có 203,5 nghìn con, đàn trâu bò có 13,1 nghìn con; đàn gia cầm có hơn 6,2 triệu con. Bên cạnh đó có các mô hình trang trại chăn nuôi gia công cho các công ty thức ăn chăn nuôi lớn như: Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam, JAPA... ứng dụng công nghệ, tạo hiệu quả kinh tế cao, cung cấp lượng lớn nông sản, thực phẩm cho thị trường Hà Nội.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, vụ đông năm 2022, toàn thành phố gieo trồng hơn 29.600ha, trong đó, riêng rau các loại là 13.966ha. Để tăng năng suất cây trồng vụ đông, ngành Nông nghiệp khuyến cáo các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã tập trung sản xuất nguồn giống ngắn ngày, chất lượng cao, đặc biệt là phát triển hệ thống các chuỗi sản xuất.
Cùng với sản xuất cây trồng, các hợp tác xã, trang trại đẩy mạnh công tác tái đàn. Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát, các trang trại đang áp dụng biện pháp kỹ thuật để nâng cao hiệu quả trong sản xuất. Đến nay, tổng đàn gia cầm khoảng 37 triệu con, đàn lợn 1,5 triệu con, đàn trâu bò 170 nghìn con với 6.515 trang trại chăn nuôi và 190.608 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. "Thông thường vào dịp cuối năm, nhất là dịp trước, trong và sau Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, mùa lễ hội... người tiêu dùng sử dụng hàng hóa có nguồn gốc động vật tăng khoảng 20% so với ngày thường. Cùng với nguồn cung sản xuất tại chỗ và liên kết với các tỉnh, cơ bản bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp cuối năm", ông Nguyễn Ngọc Sơn cho biết thêm.
Sản xuất theo nhu cầu thị trường
Hiện nay, tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi cơ bản ổn định, nhưng để bảo đảm nguồn cung, các địa phương khuyến cáo người dân cần sản xuất theo kế hoạch, cơ cấu mùa vụ phù hợp tình hình tiêu thụ của thị trường dịp cuối năm; xây dựng vùng sản xuất tập trung, đầu tư phát triển ngành hàng theo chuỗi giá trị gắn với chế biến, thị trường. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thương mại chế biến thực phẩm sạch Từ Tâm Đinh Thị Hải Yến cho biết, hiện nay Công ty cung cấp hàng hóa cho 300 điểm bán tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố. Công ty liên kết với các trang trại, hợp tác xã để tìm kiếm vùng nguyên liệu theo tiêu chí sạch, an toàn nhằm cung ứng nông sản tốt đến người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ, để bảo đảm nguồn cung, ngành Nông nghiệp tăng cường phối hợp với các địa phương chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, bảo vệ cây trồng, vật nuôi; tập trung sản xuất thắng lợi vụ đông với các loại giống mới, ngắn ngày, hiệu quả kinh tế cao, phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 2,5-3% trong năm 2022.
Từ nay đến cuối năm, để đạt mục tiêu, ngành Nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh, đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác, hỗ trợ hợp tác, liên kết theo chuỗi; hướng dẫn, định hướng các địa phương, nhất là các vùng trọng điểm sản xuất lúa gạo, chăn nuôi, thủy sản có kế hoạch phù hợp nhu cầu của thị trường...