Mô hình đại học không vì lợi nhuận tại Việt Nam: Vẫn còn nhiều thách thức
Xã hội - Ngày đăng : 13:42, 18/05/2016
Các diễn giả tham gia thảo luận trong tọa đàm. |
Tọa đàm thu hút nhiều nhà quản lý, nghiên cứu về giáo dục như bà Tôn Nữ Thị Ninh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu xã hội và Giáo dục Trí Việt; ông Giản Tư Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển giáo dục; TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright; ông Trần Đức Cảnh, thành viên Hội đồng Quản trị Hiệp hội Các trường đại học (ĐH) vùng Đông Bắc bang Massachusetts; GS Gael McDonald, Hiệu trưởng Trường ĐH RMIT Việt Nam…
Bản chất ĐH không vì lợi nhuận là gì, điều kiện, mục đích phát triển mô hình này tại Việt Nam? là nội dung chính của buổi tọa đàm. Theo các chuyên gia, hệ thống trường đại học tư thục không vì lợi nhuận tại nhiều quốc gia trên thế giới đang hoạt động rất hiệu quả. Nhiều ĐH danh tiếng, chất lượng hàng đầu như Harvard, Stanford… đều là trường tư thục không vì lợi nhuận. Còn tại Việt Nam, sau nhiều năm triển khai, đến nay, việc ổn định và phát triển các trường đại học tư thục không vì lợi nhuận vẫn gặp khá nhiều rào cản từ cơ sở pháp lý cho đến quan niệm xã hội.
Ông Giản Tư Trung trình bày tham luận: “Vì sao cần có ĐH không vì lợi nhuận?”. Theo ông Trung, ĐH phi lợi nhuận phải bắt đầu từ ĐH tinh hoa, tồn tại độc lập với chính trị, thị trường, tôn giáo; kiên định theo đuổi lý tưởng về chân lý, lương tri, khoa học. Trong bối cảnh hiện nay, cần phải có người hiểu sâu sắc và muốn làm thứ đại học như vậy.
Chia sẻ kinh nghiệm quản lý ĐH nước ngoài tại Việt Nam, GS Gael McDonald, Hiệu trưởng ĐH RMIT Việt Nam, cho rằng muốn phát triển theo mô hình không vì lợi nhuận, trước tiên trường ĐH phải có khả năng sinh lời. Nói cách khác, trường ĐH đó phải phát triển bền vững, tạo ra càng nhiều nguồn thu càng tốt. Có như vậy, trường mới duy trì được hoạt động, trả lương nhân viên, cấp học bổng cho sinh viên. Ngoài ra, các trường không vì lợi nhuận phải xem xét kỹ lại các khoản chi tiêu. Bên cạnh đó, trường cần tập trung vào chất lượng đào tạo, bảo đảm tính cạnh tranh, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Trường ĐH không vì lợi nhuận cũng không thể hoạt động tách biệt, riêng lẻ mà cần hợp tác chặt chẽ với các trường ĐH, THPT khác.
Luật sư Lương Văn Lý, Cố vấn kiêm Trưởng bộ phận đầu tư và thương mại của Công ty Luật Việt Long Thăng nêu quan điểm: “Việt Nam đang hoàn chỉnh dần khung pháp lý cho các trường ĐH tư thục không vì lợi nhuận nên so với chuẩn quốc tế, chúng ta còn một khoảng cách rất xa. Ngoài ra, cơ sở pháp luật hiện hành vẫn còn nhiều rào cản đối với việc hỗ trợ công nhận cũng như tạo điều kiện cho các trường đại học tư thục không vì lợi nhuận ở nước ta phát triển".
Bà Tôn Nữ Thị Ninh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu xã hội và Giáo dục Trí Việt cho rằng: Chỉ khi nào 3 góc của “tam giác” nhà nước - thị trường - xã hội dân sự cùng chung một nhận thức về tầm quan trọng của việc hình thành một nền giáo dục ĐH không vì lợi nhuận thì lúc đó mới có thể thành công. Trong đó, cơ quan nhà nước tạo điều kiện nhưng không can thiệp ở những nơi, những phần không cần thiết.
Đóng góp ý kiến trong tọa đàm, nhiều chuyên gia cho rằng: Muốn thành công, tự thân các trường ĐH tư thục chọn theo mô hình không vì lợi nhuận nỗ lực thôi chưa đủ mà cần sự hỗ trợ từ nhiều phía. Khi khung pháp lý được hoàn thiện và xã hội có cái nhìn đúng mực về ĐH tư thục không vì lợi nhuận thì trong tương lai không xa, mô hình này sẽ phát huy hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ĐH Việt Nam.