Trường học trực quan về tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh

Đời sống - Ngày đăng : 07:27, 18/05/2016

(HNM) - Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch - nơi ở và làm việc của Bác từ năm 1954 đến năm 1969, không chỉ có sức hấp dẫn đặc biệt đối với du khách mà còn là trường học trực quan sinh động để mỗi người dân Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế tìm về và hiểu hơn tư tưởng, tấm gương đạo đức của Người.

Khách tham quan Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh.


Bởi thế, những người trực tiếp giữ gìn, chăm nom khu di tích đã và đang nỗ lực hết mình để góp phần làm lan tỏa, thấm sâu những giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng, của văn hóa và con người Việt Nam nói chung.

Bảo tàng đặc biệt

Tháng 5, dòng người vào Lăng viếng Bác, tham quan khu di tích (KDT) đặc biệt này đông hơn. Người thăm thú cảnh quan, người tìm hiểu tư liệu, hiện vật gắn bó với quá trình hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Giới thiệu với chúng tôi, Giám đốc KDT Nguyễn Văn Công cho biết, từng gốc cây, ngọn cỏ, từng công trình hiện hữu trong KDT đều gắn bó mật thiết với Bác kính yêu. Nhà sàn đơn sơ, giản dị ở góc vườn Phủ Chủ tịch, được giữ gìn như lúc Bác còn sống. Tầng dưới nhà sàn là nơi Bác làm việc, tiếp khách và họp. Tầng trên có 2 phòng nhỏ, diện tích mỗi phòng khoảng 10m2, nay vẫn còn nguyên những vật dụng sinh hoạt hằng ngày của Bác như bàn ghế, giá sách, giường đơn, máy chữ…

Cũng tại nhà sàn này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Di chúc, chứa đựng những chỉ dẫn quý báu, động lực tinh thần giúp chúng ta vượt qua khó khăn, tận dụng thời cơ tiến tới phát triển bền vững. Nằm giữa KDT là nhà 54 (AK1) - nơi Bác ở và làm việc từ tháng 12-1954 đến tháng 5-1958. Nhà họp Bộ Chính trị gắn liền với những quyết định trọng đại đối với lịch sử dân tộc. Nhà BK1 là nơi Bác tiếp cán bộ đến báo cáo công việc và ký các sắc lệnh… Ngoài các công trình, KDT còn có vườn cây, ao cá bốn mùa xanh mát, như nhà thơ Tố Hữu miêu tả: "Anh dắt em vào cõi Bác xưa. Đường xoài hoa trắng nắng đung đưa. Có hồ nước lặng sôi tăm cá. Có bưởi cam thơm, mát bóng dừa".

Ông Nguyễn Văn Công đánh giá, toàn bộ hiện vật, cảnh quan được lưu giữ tại KDT không chỉ phản ánh tư tưởng lỗi lạc, tri thức uyên bác, thiên tài lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta, mà còn rạng ngời những phẩm chất cao quý của Người - tấm gương vĩ đại hết lòng phục vụ lợi ích của nhân dân, đấu tranh không mệt mỏi cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Bởi thế, KDT được coi là một bảo tàng đặc biệt, là trường học trực quan, sinh động về tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh.

Lan tỏa, thấm sâu tư tưởng, đạo đức của Người

Để có thể lưu giữ gần như toàn bộ hiện vật gốc về Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời phục vụ chu đáo hơn 2 triệu lượt khách đến tham quan, tìm hiểu mỗi năm, đội ngũ cán bộ, nhân viên KDT luôn nỗ lực ở mức cao nhất. Nói về công việc thường ngày, chị Nguyễn Thị Kim Liên, Phòng Tuyên truyền - Giáo dục cho biết: "Lượng khách tham quan vừa đông vừa đa dạng về trình độ, nhận thức và ngôn ngữ, đòi hỏi cán bộ KDT phải không ngừng tự học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, rèn luyện kỹ năng ứng xử để có thể giúp hàng triệu lượt người hiểu hơn về Bác, về đất nước, con người Việt Nam".

Chị Nguyễn Thị Thu Thủy, Phòng Bảo quản di tích tâm sự: Các công trình, tài liệu, hiện vật của KDT nằm giữa vườn cây bốn mùa xanh mát có sức hấp dẫn đặc biệt với khách tham quan và chính điều này tạo ra áp lực lớn, đòi hỏi ở mức cao đối với những người làm công tác bảo quản. Hằng ngày, chúng tôi đi làm từ sáng sớm và trở về nhà khi trời đã tối. Đội ngũ cán bộ, nhân viên KDT luôn coi việc bảo quản, giữ gìn, phát huy hệ giá trị về tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh là vinh dự và trách nhiệm, tất cả đều chuyên chú lao động, cống hiến.

Kho tư liệu, hiện vật về Bác được bổ sung ngày một nhiều. Một số điểm di tích như phòng họp Bộ Chính trị, bếp ăn, nhà y khoa… mới được mở cửa phục vụ khách tham quan. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học của cán bộ, nhân viên KDT được triển khai ứng dụng trong thực tế, góp phần không nhỏ cho việc bảo tồn nguyên trạng và phát huy giá trị toàn diện của KDT. Thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", KDT còn phối hợp với các cơ quan, đơn vị, trường học ở các tỉnh, thành phố trong cả nước tổ chức lễ Báo công dâng Bác, lễ kết nạp đoàn, đội và sinh hoạt chính trị.

"Qua những đợt học tập, sinh hoạt chính trị sâu rộng, tấm gương đạo đức, tác phong của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng những giá trị nhân văn, tiến bộ, khoa học trong tư tưởng của Người ngày càng lan tỏa, thấm sâu vào mỗi cán bộ, đảng viên, người dân. Đó là thành công lớn nhất, đồng thời là đích hướng tới của công tác bảo tồn, phát huy giá trị KDT Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch" - ông Nguyễn Văn Công khẳng định. 

Hà Hiền