Người buôn bán ở vỉa hè: Mong được “quy hoạch”

Đời sống - Ngày đăng : 07:18, 18/05/2016

(HNM) - Từ việc Quận 1 thí điểm quy hoạch 2 khu vực buôn bán vỉa hè (Báo Hànộimới đã phản ánh), mới đây, hàng nghìn hộ buôn bán vỉa hè khác trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cũng đã bày tỏ nguyện vọng được

Kinh doanh lấn chiếm vỉa hè vẫn phổ biến tại TP Hồ Chí Minh.


Người bán kêu khổ, cơ quan quản lý kêu khó

Theo ghi nhận, các tuyến đường chính khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh như: Cách Mạng Tháng Tám, Hai Bà Trưng, Nguyễn Thị Minh Khai, Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Quận 1, 3); Phan Đình Phùng (Phú Nhuận); Điện Biên Phủ (Quận 3, 10, Bình Thạnh)… mọc lên dày đặc quán ăn, hộ kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, thậm chí nhiều đoạn vỉa hè bị "nuốt gọn", người đi bộ bị đẩy xuống đường.

Bà Phùng Thị Hợi (bán nước và vá xe trên vỉa hè đường Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 1) chia sẻ, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, trong khi phải nuôi hai con ăn học nên vợ chồng bà chỉ còn cách bám vỉa hè để mưu sinh. Buôn bán vỉa hè khổ trăm bề, thường xuyên bị lực lượng chức năng xử phạt và tịch thu hàng hóa. "Gần đây, việc buôn bán càng khó khăn hơn. Tiền học hằng tháng của con, tiền thuê nhà... bao nhiêu thứ đổ trên đầu" - bà Hợi giãi bày.

Tương tự, chị Trần Thị Mến (bán dày dép, túi xách trên đường Nguyễn Trãi, Quận 5) tâm sự, biết việc buôn bán trên vỉa hè là sai nhưng không biết làm nghề gì. Còn theo đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TP Hồ Chí Minh, việc xử phạt các cá nhân bán hàng rong trên vỉa hè rất khó khăn. Mặc dù mức xử phạt rất cao nhưng người vi phạm sẵn sàng chấp nhận bị tịch thu phương tiện, hàng hóa và sau đó sắm lại để tiếp tục mưu sinh. Dường như kinh doanh vỉa hè là cách duy nhất để mưu sinh.

TP Hồ Chí Minh hiện có hơn 4.000 tuyến đường, là "nguồn sống" của hàng trăm nghìn người dân như bà Hợi, chị Mến...

Quy hoạch và sắp xếp lại

Dễ dàng nhận thấy điểm chung là phần lớn hộ buôn bán vỉa hè, lòng đường đều biến nơi này thành... "sở hữu riêng" để đỗ xe, đặt bảng hiệu, bày biện hàng hóa... Chính vì vậy, cơ quan chức năng buộc phải ra quân xử lý nhiều lần. Tuy nhiên, hình thức xử lý như thế này không xuể và cũng chỉ giải quyết phần ngọn.

Là người khởi xướng dự án xe bánh mì cộng đồng 3 năm nay, ông Liên Khui Thìn, Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hòa nhập và Phát triển cộng đồng cho hay, đến nay dự án đã trao 150 xe bánh mì cho những người mãn hạn tù và các hộ nghèo, giúp họ có kế sinh nhai. Thế nhưng, nhiều trường hợp sau khi nhận phương tiện vẫn không buôn bán được. "Dù đưa cho họ cần câu cơm nhưng sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng vẫn còn quá ít, cộng với việc thiếu các khu vực thí điểm buôn bán vỉa hè, khiến cho việc kinh doanh, buôn bán trên thất bại" - ông Thìn nói.

Xuất phát từ thực tế đó, hàng trăm nghìn người dân cũng như chính cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh mong muốn có quy hoạch kinh doanh, buôn bán ở vỉa hè, như cách làm thí điểm của Quận 1. Theo đại điện Chi cục ATVSTP, muốn giải bài toán quy hoạch đô thị, đồng thời, tạo điều kiện cho các hộ buôn bán vỉa hè có "đất sống", cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh cần phải có cái nhìn khác về người kinh doanh trên vỉa hè, không nên xem họ là hiện tượng đối nghịch với văn minh đô thị. Đề cập đến giải pháp ổn định cho người kinh doanh, buôn bán vỉa hè, bà Lê Thị Tú Uyên, người sáng lập dự án xã hội "5.000 Xe" (dự án sinh kế bền vững cho người bán hàng vỉa hè) đề xuất: Cơ quan chức năng thành phố cần quy hoạch và sắp xếp lại các điểm vỉa hè vừa bảo đảm đủ diện tích cho người dân kinh doanh vừa không ảnh hưởng đến người đi bộ và trật tự mỹ quan đô thị.

Trao đổi với Báo Hànộimới, bà Lê Diệu Ánh, Điều phối chương trình quốc gia tại Việt Nam của Liên minh Đô thị các thành phố cho rằng, cần có quy hoạch phù hợp đối với hệ thống vỉa hè đường phố. Ngược lại, những đối tượng buôn bán muốn tham gia cũng phải tuân thủ các quy định. 

Gia Bảo