Tháo ngòi nổ căng thẳng

Thế giới - Ngày đăng : 07:05, 18/05/2016

(HNM) - Một thỏa thuận tôn trọng lệnh ngừng bắn ở khu vực tranh chấp Nagorny - Karabakh vừa đạt được giữa Tổng thống hai nước Azerbaijan và Armenia.

Đại diện các bên tham gia vòng đối thoại tại Vienna (Áo).


Trong cuộc gặp đầu tiên kể từ khi vụ giao tranh khốc liệt bùng phát tháng trước, Tổng thống Ilham Aliyev của Azerbaijan và người đồng cấp Serzh Sarkisian của Armenia nhất trí sẽ nối lại các cuộc đàm phán hòa bình giữa hai nước vào tháng 6 tới.

"Nhóm Minsk" gồm Mátxcơva, Washington và Paris, đã triệu tập các nhà lãnh đạo của Azerbaijan và Armenia tới thủ đô Vienna (Áo) sau khi xảy ra vụ vi phạm thỏa thuận ngừng bắn nghiêm trọng nhất tháng trước. Sau khi gặp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Bộ trưởng phụ trách các vấn đề Châu Âu của Pháp Harlem Desir, hai bên xung đột đã ra Tuyên bố chung. Theo đó, họ khẳng định không thể sử dụng giải pháp quân sự cho cuộc xung đột giữa hai nước. Lãnh đạo hai quốc gia cũng đã nhất trí tiếp tục tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn tại khu vực Nagorny - Karabakh đạt được hôm 5-4 vừa qua. Để hiện thực hóa cam kết trên, hai bên đều đồng ý tăng cường thêm số quan sát viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) trong việc giám sát lệnh ngừng bắn.

Đầu tháng 4 vừa qua, cuộc giao tranh ác liệt giữa Azerbaijan và Armenia nổ ra tại khu vực Nagorny - Karabakh làm ít nhất 110 người chết và nhiều người khác bị thương. Những xích mích giữa Azerbaijan và Armenia đã âm ỉ từ lâu và mỗi năm vẫn có vài chục người thiệt mạng do xung đột. Tuy nhiên, cuộc giao tranh khốc liệt hồi tháng 4 năm nay là sự cố tồi tệ nhất kể từ năm 1994. Thế nhưng, biến cố này không phải là điều quá bất ngờ khi nhiều tín hiệu mang tính cảnh báo sớm đã xuất hiện trong suốt hai năm qua.

Gốc rễ của vấn đề vẫn là cách tiếp cận khác nhau của hai phía. Armenia muốn duy trì nguyên trạng, trong khi Azerbaijan không hài lòng về quy chế đối với vùng lãnh thổ Nagorny - Karabakh chưa được xác lập một cách rõ ràng. Giới phân tích nhìn nhận, cả Baku và Yerevan đều không trông đợi vào một giải pháp quân sự vì đó là sự lựa chọn mang tính "cùng thua". Dẫu vậy chiến sự vẫn nổ ra như một cách nhắc nhở cộng đồng quốc tế về trách nhiệm đối với một điểm nóng chưa được xử lý dứt điểm. Trên thực tế, "Nhóm Minsk" thuộc tổ chức OSCE mà Nga, Mỹ, Pháp làm đồng Chủ tịch đã không có được nỗ lực ngoại giao đáng kể nào trước sứ mệnh tạo lập khung pháp lý cũng như giải pháp chấm dứt đối đầu tại điểm nóng ở Caucasus này.

Do đó, trước các diễn biến leo thang xung đột tại Azerbaijan và Armenia, Nga, Mỹ và một số quốc gia khác đã thực hiện hàng loạt nỗ lực to lớn, mở ra hy vọng sẽ tiến tới đạt giải pháp cho cuộc xung đột. Khác với cuộc khủng hoảng Syria, cả Nga và Mỹ đều có chung quan điểm trong việc giải quyết căng thẳng tại khu vực biên giới giữa hai nước láng giềng nói trên, qua đó nâng cao khả năng giải quyết cuộc xung đột này. Kết quả là, Armenia và Azerbaijan ngày 5-4 đã tuyên bố đạt được thỏa thuận ngừng bắn, các bên cam kết tôn trọng cam kết, giữ nguyên hiện trạng và giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình. Nhưng ngay cả lúc đó, dư luận vẫn hoài nghi về thỏa thuận mong manh này có thể bị phá vỡ bất cứ lúc nào bởi lẽ giữa hai bên còn rất nhiều bất đồng. Các nhà phân tích cho rằng, khi mâu thuẫn chưa được giải quyết, thì thỏa thuận ngừng bắn tạm thời chỉ được xem là giờ nghỉ giải lao để hai bên tiếp tục trận chiến mới.

Thế nhưng, sự kiện Armenia và Azerbaijan vừa tái khẳng định cam kết đình chiến cũng như nối lại các cuộc đối thoại nhằm giải quyết xung đột tại khu vực Nagorny - Karabakh rõ ràng là minh chứng ngược lại những ngờ vực này. Quan trọng hơn, đây được coi là một chiến thắng hợp tác ngoại giao hiếm hoi giữa hai cường quốc Mỹ và Nga. Khi thế giới và khu vực có nhiều biến động, với nhiều cuộc khủng hoảng và xung đột như hiện nay, sự hợp tác cùng giải quyết những vấn đề tranh chấp như thế này thực sự cấp bách và cần thiết. 

Thùy Dương