Cơ hội tiếp cận nguồn vốn
Tài chính - Ngày đăng : 08:19, 17/05/2016
Việc các NHTM liên tục tăng lãi suất huy động, mặc dù không quá cao, đã khiến nhiều DN lo ngại về nguy cơ lãi suất cho vay cũng "leo thang". Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn khi vừa vượt qua khủng hoảng, cộng với xu thế hội nhập ngày càng sâu với nền kinh tế toàn cầu, cạnh tranh khốc liệt, việc tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cộng đồng DN. Tuy nhiên, nỗi lo đó đã được giải tỏa khi các ngân hàng lớn cùng giảm lãi suất cho vay 0,5-1%/năm. Trong cuộc họp giữa Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với các NHTM cuối tháng 4, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, các ngân hàng đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay ngắn hạn 0,3-0,5%/năm và trung - dài hạn xuống dưới 10%/năm. Các DN có cơ hội tiếp cận nguồn vốn rẻ hơn để sản xuất kinh doanh (SXKD).
Các doanh nghiệp có nhiều cơ hội tiếp cận nguồn vốn khi ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất cho vay. Ảnh: Khánh Huy |
Mở đầu việc giảm lãi suất cho vay là các NHTM CP Đầu tư và Phát triển (BIDV), Ngoại thương (Vietcombank), Công thương (VietinBank). Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV cam kết đối với các khoản vay kỳ hạn ngắn, lãi suất cho vay giảm 0,5%/năm, lãi suất trung - dài hạn ở dưới ngưỡng 10%/năm. Vietcombank cũng đã thông báo điều chỉnh mức ưu đãi lãi suất cho vay trung - dài hạn VND về tối đa 10%/năm trong thời gian một năm để hỗ trợ các DN SXKD. Vietcombank cung cấp gói ngân sách khoảng 300 tỷ đồng hỗ trợ DN phương án kinh doanh và nâng cao chất lượng tín dụng. VietinBank cũng phát đi thông báo, với những dự án được đánh giá tốt sẽ giảm lãi suất cho vay 1%/năm so với mặt bằng hiện nay; đối với dự án SXKD, đầu tư trung - dài hạn, lãi suất cho vay sẽ không vượt quá 10%/năm.
Việc các ngân hàng lớn giảm lãi suất cho vay đã kéo các ngân hàng nhỏ nhập cuộc. NHTM CP Tiên Phong (TPBank) dành 5.000 tỷ đồng cho DN xuất khẩu, DN công nghiệp phụ trợ vay, với lãi suất ưu đãi từ 6,9%/năm. NHTM CP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank) lại đưa ra một chương trình tín dụng khá đặc biệt là cho vay VND theo lãi suất USD, tổng hạn mức 600 tỷ đồng. HDBank dành ưu đãi cho DN xuất khẩu, có nguồn thu bằng USD, được vay vốn bằng VND nhưng chỉ phải trả lãi suất từ 3,5%/năm. Tại thời điểm tất toán khoản vay, nếu có chênh lệch tỷ giá USD/VND, DN chỉ phải bổ sung số tiền lãi tương ứng.
NHTM CP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) áp dụng chính sách lãi suất cho vay ưu đãi đối với các DN hoạt động trong các lĩnh vực được Chính phủ ưu tiên, như nông nghiệp - nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, xuất khẩu, DN ứng dụng công nghệ cao... Đối với các khoản vay trung - dài hạn, SHB áp dụng mức lãi suất tối đa 10%/năm; các khoản vay ngắn hạn được xem xét giảm 0,5%/năm so với lãi suất hiện hành. Tổng Giám đốc SHB Nguyễn Văn Lê cho biết: "SHB hy vọng các chính sách ưu đãi về lãi suất, hạn mức cho vay cũng như những hỗ trợ tư vấn tài chính... sẽ giúp DN mở rộng phát triển hoạt động SXKD".
Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định, NHNN sẽ theo dõi sát mặt bằng lãi suất, diễn biến tín dụng, tình hình thanh khoản của hệ thống, cũng như từng tổ chức tín dụng để chủ động thực hiện đồng bộ các công cụ và giải pháp ổn định mặt bằng lãi suất cho vay. NHNN kêu gọi các tổ chức tín dụng tiết giảm tối đa chi phí hoạt động để có thể hỗ trợ giảm lãi suất cho vay, chia sẻ khó khăn với DN. Cũng theo ông Hưng, NHNN điều hành tín dụng theo phương châm mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, hiệu quả, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, nhưng bảo đảm kiểm soát chặt chẽ, không tạo sức ép lên mặt bằng lãi suất, kịp thời cảnh báo các tổ chức có tín dụng tăng trưởng cao.
Theo NHNN, 4 tháng đầu năm, lãi suất huy động tăng nhẹ 0,2-0,3%/năm, nhưng mặt bằng lãi suất cho vay vẫn ổn định, dao động khoảng 6-9%/năm với kỳ hạn ngắn và 9-11%/năm với trung - dài hạn. Tín dụng đã lưu thông trở lại, góp phần cung ứng vốn cho DN, qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế (tính đến cuối tháng 4, tín dụng tăng 2,99% so với cuối năm 2015). Tính đến cuối tháng 4, tín dụng trung - dài hạn tăng 5,55% so với cuối năm 2015, chiếm tỷ trọng 55%; tín dụng vào lĩnh vực bất động sản tăng 3,92% so với cuối năm 2015 và chiếm tỷ trọng 8,51%. |