Ưu đãi... hay ngược đãi?
Tài chính - Ngày đăng : 08:11, 17/05/2016
Chẳng hạn như tại một ngân hàng có hội sở ở TP Hồ Chí Minh mới triển khai chương trình cho vay hạn mức đến 100% giá trị xe, lãi suất từ 7%/ năm, thời hạn vay dài đến 84 tháng. Cụ thể, với số tiền vay từ 1 tỷ đồng trở lên, ngân hàng này áp dụng lãi suất 7%/năm trong 3 tháng đầu, 8%/năm trong 6 tháng đầu, 8,5%/năm trong 9 tháng đầu, hoặc 10,5%/năm trong 12 tháng đầu. Tại một số ngân hàng khác, với việc công bố "bắt tay" với các doanh nghiệp bất động sản, ngân hàng miễn lãi suất cho khách hàng vay mua nhà, căn hộ, với thời gian vay 0% lãi suất là 6-12 tháng...
Khi được đọc những thông tin về mức lãi suất này, không ít khách hàng cá nhân "đổ" đến các ngân hàng để vay vốn, đa số khách hàng không đọc kỹ hợp đồng tín dụng, bởi cho rằng được vay lãi suất thấp đã là may mắn. Nhưng họ không lường trước, sau vài tháng, hoặc dài hơn là một năm được hưởng lãi suất thấp, người vay sẽ phải đối diện với việc phải trả lãi suất cao "ngất ngưởng".
Trên thực tế, trong hợp đồng tín dụng ký giữa người vay tiền và ngân hàng luôn có điều khoản, lãi suất sẽ được điều chỉnh theo chu kỳ (thường là 3 tháng), hoặc biến động của thị trường, thông thường là lãi suất huy động kỳ hạn dài cộng biên độ 3-4%/năm, có thời điểm cao hơn. Ngay cả khi thị trường giảm lãi suất huy động, ngân hàng cũng không dễ dàng điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, với lý do ngân hàng phải "bù lỗ". Rõ ràng, ngân hàng "cầm đằng chuôi", bởi những điều khoản trong hợp đồng tín dụng đã được người vay chấp thuận nên việc "nới" lãi suất cho vay bao nhiêu là quyền của ngân hàng. Còn với người vay đã lỡ mượn tiền của ngân hàng sẽ không có lựa chọn nào ngoài việc "ngậm ngùi" trả lãi suất.
Nói lại bài học cũ nhưng không bao giờ thừa, đó là người vay tiền cần đọc kỹ các điều khoản trong hợp đồng, cũng như tìm hiểu thông tin về thời gian cho vay ưu đãi, lãi suất dự kiến áp dụng khi hết thời kỳ ưu đãi để không phải rơi vào cảnh là được hưởng lãi suất ưu đãi... hóa ra lại thành ngược đãi!