Thiệt hại được báo trước
Kinh tế - Ngày đăng : 07:51, 17/05/2016
Nhiều xe tải chở lợn đã phải quay đầu do phía Trung Quốc dừng nhập khẩu. |
Người chăn nuôi điêu đứng
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), hiện chưa thống kê cụ thể số lợn thịt và lợn sữa hơi xuất sang Trung Quốc, nhưng ước tính mỗi năm nước ta xuất 75.000-80.000 tấn lợn hơi. Trong đó, lợn xuất theo đường chính ngạch chỉ chiếm 5%, còn lại buôn bán qua đường tiểu ngạch tại các cửa khẩu Chi Ma, Thất Khê (Lạng Sơn), Bắc Phong Sinh - Móng Cái (Quảng Ninh) và qua nhiều đường mòn, lối mở dọc biên giới. Sau một thời gian tăng mạnh, giá lợn hơi trong nước đã lao dốc thê thảm, hiện giá bán chỉ 52.000 - 53.000 đồng/kg, giảm khoảng 3.000-4.000 đồng/kg so với thời điểm đầu tháng 5 khi thương lái Trung Quốc đột ngột ngừng thu mua. Không những thế, số lượng lợn đủ điều kiện xuất chuồng ở các hộ dân đang tồn đọng khá nhiều, thậm chí một số hộ dân phải bán với mọi giá đặt ra của thương lái, miễn là được họ thu mua.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho biết, địa phương cung cấp hơn 50% sản lượng lợn hơi của Việt Nam cho Trung Quốc, việc đột ngột dừng thu mua khiến đầu ra gặp nhiều khó khăn, hiện cả tỉnh tồn 15.000 - 20.000 con lợn mỡ chưa xuất chuồng. Ông Nguyễn Trọng Long, chủ trang trại chăn nuôi lợn ở huyện Thanh Oai (Hà Nội) cho biết, khoảng một tuần nay, giá lợn hơi xuất chuồng giảm và tiêu thụ chậm so với các tháng trước. Cùng chung cảnh ngộ này, ông Trần Văn Chiến, Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi dịch vụ Cổ Đông, thị xã Sơn Tây (Hà Nội) cho biết, trung bình mỗi ngày trang trại xuất chuồng khoảng 10-20 tấn lợn hơi, song một tuần nay, số lợn xuất chuồng chỉ còn 5-6 tấn do thương lái hạn chế thu mua.
Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, thực trạng nói trên không phải lần đầu, mà lặp đi lặp lại qua nhiều năm, khiến người chăn nuôi điêu đứng. Cục đã ra cảnh báo, nhưng một số người dân hám lợi không nghe theo. Hầu hết, người dân bán lợn cho thương lái đều không có hợp đồng rõ ràng nên khi họ dừng mua là không biết bám víu vào đâu. Vì vậy, chỉ cần giá nhích lên là nông dân lại ồ ạt nuôi với hy vọng kiếm lời, gây khó khăn trong công tác quản lý.
Thực tế, để bảo đảm "an toàn" cho người chăn nuôi, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 10/2008/QĐ-TTg ngày 16-1-2008 về "Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020", trong đó nêu rõ: Chỉ phát triển nhanh quy mô đàn lợn ngoại theo xu hướng trang trại, công nghiệp ở nơi có điều kiện về đất đai và kiểm soát dịch bệnh, không phát triển chăn nuôi nhỏ lẻ. Tuy nhiên, khuyến cáo này không được người dân tiếp thu, vì cái lợi trước mắt nên thường xuyên xảy ra kịch bản "giá lợn tăng đột biến rồi tụt dốc". Điều này cho thấy, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cũng chưa quyết liệt trong việc hướng dẫn người dân thực hiện đúng quy hoạch về phát triển chăn nuôi.
Nâng cao năng lực dự báo
Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, thông thường thương lái thu gom lợn của Việt Nam để xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là loại lợn có tỷ lệ mỡ cao, trọng lượng hơn 100kg. Trong khi đó, tiêu thụ trong nước gần đây chỉ tiêu dùng loại lợn có tỷ lệ nạc cao, lượng mỡ thấp, trọng lượng dưới 100kg. Thời gian qua, giá lợn tăng cao, nông dân nuôi với số lượng lớn, dự báo trong 3-5 tháng tới sẽ tồn đọng lượng lớn và giá sẽ tiếp tục giảm mạnh.
Ông Vang đề nghị, Nhà nước tăng cường công tác quy hoạch các vùng chăn nuôi lợn trên cả nước, từng bước xóa bỏ chăn nuôi nhỏ lẻ. Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, dự báo cung cầu thực phẩm trên thế giới và trong nước giúp các trang trại cũng như hộ dân nắm rõ để có phương án chăn nuôi phù hợp mang lại hiệu quả cao.
Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Thanh Vân cho biết, nhu cầu tiêu thụ lợn mỡ trong nước không cao, nên nếu phía Trung Quốc ngừng nhập thì người chăn nuôi sẽ chịu thiệt thòi lớn. Hiện Cục Chăn nuôi đã cử đoàn công tác đi điều tra về tình trạng thu mua bất thường của thương lái Trung Quốc ở các địa phương trong cả nước, sau khi có kết quả sẽ có thông báo cụ thể. Cục khuyến cáo người chăn nuôi phát triển đàn lợn theo đúng quy hoạch, nhất là trong bối cảnh Việt Nam tham gia Hiệp định TPP, nếu các hộ chăn nuôi không nắm rõ quy luật cung cầu và chạy theo lợi ích trước mắt sẽ dễ bị thiệt hại.