Khủng hoảng “bủa vây” Venezuela

Thế giới - Ngày đăng : 07:47, 17/05/2016

(HNM) - Cuộc

Tổng thống Venezuela N.Maduro đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc ổn định tình hình tại Venezuela.


Tổng thống N.Maduro đã đưa ra hàng loạt biện pháp ứng phó với những lo ngại về một hiệu ứng "donimo" từ Brazil, đặc biệt là quyết định kéo dài tình trạng khẩn cấp tại Venezuela thêm 60 ngày, trong bối cảnh đã xuất hiện những âm mưu lật đổ chính quyền Caracas. Nhà lãnh đạo Venezuela cũng đã ra sắc lệnh tịch thu các nhà máy "bị giai cấp tư sản làm tê liệt" và bắt giữ những doanh nhân "phá hoại đất nước". Ngay sau đó, ông N.Maduro thông báo sẽ tổ chức cuộc diễn tập quân sự cấp quốc gia vào ngày 21-5 với sự tham gia của các lực lượng vũ trang, dân quân để "sẵn sàng đối phó với mọi tình huống".

Từ tháng 4 đến nay, liên minh Bàn Đoàn kết Dân chủ (MUD) luôn gia tăng sức ép buộc Quốc hội tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm Tổng thống N.Maduro. Lực lượng này đã thu thập đủ 200.000 chữ ký và khởi động tiến trình bỏ phiếu bất tín nhiệm. Theo kế hoạch, MUD dự định thu thập thêm gần 2 triệu chữ ký ủng hộ để đi tới trưng cầu dân ý về bất tín nhiệm. Danh sách chữ ký đã được gửi lên Hội đồng Bầu cử quốc gia Venezuela (CNE). Theo quy định của Hiến pháp nước này, Tổng thống sẽ bị phế truất nếu số người bỏ phiếu bất tín nhiệm bằng hoặc vượt quá số lượng phiếu ủng hộ trong cuộc bầu cử năm 2013, tức là 7,5 triệu phiếu và ít nhất 25% số cử tri tham gia bỏ phiếu. Tuy nhiên, Phó Tổng thống Aristobulo Isturiz khẳng định nước này sẽ không tiến hành trưng cầu dân ý bất tín nhiệm đối với Tổng thống N.Maduro bởi thủ tục liên quan tới cuộc bỏ phiếu này "có lỗi".

Không chỉ đối mặt với nỗi lo kinh tế, để đối phó với tình trạng thiếu điện do hiện tượng El Nino làm cạn các hồ thủy điện, từ cuối tháng 4, Chính phủ nước này đã cho cắt điện 4 giờ/ngày tại 10/24 bang. Venezuela cũng đẩy múi giờ lên nhanh hơn 30 phút để tận dụng tối đa năng lượng mặt trời, tiết kiệm điện cho chiếu sáng. Người dân nước này có thêm nhiều ngày nghỉ và giới công chức chỉ còn đi làm 2 ngày/tuần. Không chỉ mất điện, nhiều dịch vụ khác cũng đang bị ảnh hưởng, đặc biệt là sự thiếu thốn các nhu yếu phẩm. Đây là một trong những "ngòi nổ" khiến đất nước Nam Mỹ này trở nên điêu đứng thời gian qua.

Kinh tế vẫn đang rất trì trệ. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, năm 2015 tỷ lệ lạm phát của Venezuela là 180,9% và con số này sẽ lên đến 700% vào năm nay. Tờ Le Monde dẫn lời một số chuyên gia kinh tế cho biết: Cuộc khủng hoảng nặng nề hiện nay chính là hậu quả của việc nước này đã phụ thuộc quá nhiều vào ngành dầu mỏ nên không thể vượt qua khó khăn khi giá dầu thô sụt giảm. Đặc biệt, việc phát triển thiếu đồng bộ - chỉ tập trung khai thác và xuất khẩu dầu thô, ít chú trọng lọc và chế biến dầu nên khủng hoảng kinh tế đã làm nước này không thể nhập khẩu nhiên liệu ồ ạt như trước, dẫn đến tình trạng thiếu hụt xăng trong nước.

Nội bộ quốc gia bất ổn, tình hình bên ngoài của Venezuela cũng có không ít vấn đề. Phó Tổng thống Venezuela A.Isturiz hôm 15-5 đã tố cáo Mỹ có âm mưu phá hoại. Gần đây, một số tờ báo Mỹ thường xuyên đăng tải các bài viết về tình hình ở Venezuela kèm theo nhiều bài bình luận hoặc những thông tin về cáo buộc tham nhũng, nhận hối lộ nhằm vào một số quan chức cấp cao của nước này để tạo nên cái nhìn tiêu cực về nội các chính phủ đương nhiệm. Sau Brazil, vòng vây khủng hoảng nhằm vào chính quyền Tổng thống N.Maduro đang ngày càng thắt chặt. Tuy nhiên, nhiều người vẫn cho rằng, kế hoạch lật đổ một chính thể kiểu như ở Brazil khó có thể thực hiện được, bởi lẽ cho đến nay, các lực lượng vũ trang Venezuela vẫn tuyên bố trung thành với Chính phủ, mạnh mẽ lên án các hành động khiêu khích.

Quang Huy